Trong tuần vừa qua, có rất nhiều thông tin xoay quanh việc Công Ty Cổ Phần Hàng Không Vietjet và Công ty cổ phần VNG đang chuẩn bị thủ tục để được niêm yết trên sàn nước ngoài. Tuy nhiên, trước Vietjet và VNG, không ít doanh nghiệp đã có ý định và đã lên sàn, nhưng sớm phải nói lời chia tay do những khác biệt về chuẩn mực tài chính, khó khăn trong thanh khoản và thị trường.
Năm 2008, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk công bố kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế, cụ thể là tại sàn Singapore. Lý do cho việc tìm đến một trong những sàn chứng khoán nổi tiếng nhất châu Á là bởi thị trường chứng khoán của Việt Nam vào thời điểm đó gặp nhiều khó khăn, còn VNM lại đạt kết quả ấn tượng.
Cụ thể, tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận sau thế bình quân hàng năm của VNM trong giai đoạn 2004-2008 đạt lần lượt là 20% và hơn 25%. Công ty cũng có nhu cầu vốn lớn để mở rộng đầu tư, thực hiện các phi vụ M&A ở nước ngoài, bởi nguồn vốn trong nước vẫn còn nhiều hạn chế do giá trị vốn hoá và số lượng nhà đầu tư chiến lược trên thị trường chứng khoán Việt Nam còn khá thấp.
Tuy nhiên, quá trình niêm yết trên sàn ngoại gặp rất nhiều khó khăn. Sự khác biệt giữa chuẩn mực kế toán của Singapore và Việt Nam, với yêu cầu một doanh nghiệp muốn lên sàn phải tuân thủ chuẩn mực kế toán Singapore (SFRS) hoặc chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) hay chuẩn mực kế toán Mỹ (US GAAP). Việc điều chỉnh chuẩn mực kế toán của Việt Nam và chuẩn mực kế toán nước ngoài là rất khó khăn trong thời điểm đó.
Thứ hai là khung pháp lý tại thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện. Tại thời điểm VNM chuẩn bị niêm yết tại Singapore, thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ mới trải qua khoảng 7 năm hoạt động, thị trường còn rất nhiều thiếu sót về luật và chính sách. Trong quá trình làm thủ tục niêm yết lên sàn Singapore, VNM phải trải qua việc "làm đến đâu hỏi đến đó", khiến quá trình này tốn kém nhiều thời gian.
Sau khi mất khoảng gần 3 năm để hoàn thành hồ sơ niêm yết và thủ tục pháp lý, Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX) chấp thuận cho phép VNM được niêm yết. Nhưng "thiên thời địa lợi đã qua", VNM lại huỷ kế hoạch niêm yết.
Sau VNM, một công ty lớn khác của Việt Nam là Hoàng Anh Gia Lai (HAG) cũng thông báo kế hoạch đưa phát hành 90 triệu USD trái phiếu (thời gian đáo hạn là 5 năm) lên sàn chứng khoán Singapore, với mục đích huy động nguồn vốn vay dài hạn tại thị trường này. Nhưng kế hoạch của HAG "chết yểu" sau 15 tháng, khi công ty này chấp nhận huỷ niêm yết trước hạn 90 triệu USD trái phiếu trên thị trường chứng khoán Singapore.
Trong bản thông báo lý do, HAG cho biết lượng trái chủ nắm giữ trái phiếu của công ty rất ít, kéo theo việc giao dịch thực tế trên sàn không nhiều. Không đạt được mục tiêu ban đầu, HAG đành rút quân về nước, và chưa có động thái quay trở lại.
Trước đó, vấn đề thanh khoản cũng khiến CTCP xây dựng và đầu tư Việt Nam - Cavico Việt Nam (một công ty của Việt Nam nhưng có 100% vốn đầu tư nước ngoài) phải huỷ niêm yết sau hai năm niêm yết trên sàn Nasdaq.
Ngoài VNM và HAG, một số doanh nghiệp khác như SSI, Kido, FLC,… cũng đã từng có ý định niêm yết trên sàn chứng khoán nước ngoài. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ dừng ở kế hoạch, mà nguyên nhân chủ yếu vẫn liên quan đến thủ tục pháp lý, chuẩn mực kế toán và chính sách của Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện.
Niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài là một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển chung của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tại thị trường chứng khoán cận biên như Việt Nam. Niêm yết trên sàn chứng khoán nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao hình ảnh, tăng khả năng huy động vốn để đáp ứng nhu cầu hoạt động trong tương lai.
Ngoài ra, một khi niêm yết trên sàn nước ngoài, các doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí khắt khe, công bố thông tin minh bạch hơn, thu hút nhiều nhân tài hơn, tất cả những điều này giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.