Năm 223, Lưu Bị đích thân dẫn quân đại chiến nước Ngô của Tôn Quyền để báo thù cho Quan Vũ nhưng kết quả thảm bại, bản thân Lưu Bị cũng nhiễm bệnh nặng không trị được.
Tại Bạch Đế thành, Lưu Bị biết mình không còn sống được bao lâu, nên đã giao phó Lưu Thiện (hay còn gọi là A Đẩu, con trai của Lưu Bị) cho Thừa tướng Gia Cát Lượng và võ tướng Triệu Vân. Trước khi lâm chung, Lưu Bị đã nói cho Triệu Vân một mật chỉ, Gia Cát Lượng nghe xong không nói lời nào, Triệu Vân cả đời vẫn không hiểu ẩn ý bên trong lời nói của vị quân chủ mà mình phò tá bấy lâu.
Nước Thục lúc bấy giờ đã không còn hùng mạnh như trước, văn thần chỉ còn lại Gia Cát Lượng, võ tướng chỉ đếm trên đầu ngón tay, bao gồm Triệu Vân và Ngụy Diên.
Người hâm mộ Tam quốc diễn nghĩa hẳn đều biết Lưu Bị đã nói như vậy khi gửi gắm con trai cho Gia Cát Lượng: "Nếu Lưu Thiện vô năng, không thể giữ vững sự nghiệp phục hưng Đại Hán, ngươi có thể làm Hoàng đế thay hắn".
Nghe có vẻ như Lưu Bị nói lời chân thành, tất cả chỉ vì xã tắc làm trọng, sự nghiệp phục dựng Đại Hán là trên hết. Nhưng người thông minh tuyệt đỉnh như Gia Cát Lượng đã nhận ra câu nói không hề đơn giản như vậy, vừa nghe đã biết Lưu Bị đang thử thăm dò mình.
Lưu Bị sợ sau khi mình chết đi thì Gia Cát Lượng sẽ lên nắm quyền, đá Lưu Thiện sang một bên. Theo đó, Lưu Bị đã dùng chiêu thử lòng để tùy cơ ứng biến, dùng chút hơi tàn cuối cùng để khiến Gia Cát Lượng một lòng một dạ, tận tâm tận lực phụ tá thiếu chủ hoàn thành đại nghiệp phục hưng Hán thất!
Đến khi đối mặt với Triệu Vân, một trong Ngũ hổ thượng tướng trung thành với mình nhiều năm, Lưu Bị đương nhiên phải cho vị võ tướng này một ít quyền lợi trước khi lâm chung.
Sau khi gửi gắm đôi lời với Gia Cát Lượng, Lưu Bị lập tức cho gọi Triệu Vân, một chủ một tướng trong một phòng, sau đó nói cho võ tướng một mật chỉ. Đó chính là lệnh cho Triệu Vân nhất định phải chăm sóc và bảo vệ Lưu Thiện thật tốt!
Theo nghĩa đen, mật chỉ này mang ý tứ rằng Lưu Bị ra lệnh cho Triệu Vân bảo vệ thiếu chủ, giống như tình huống ông đã xả thân cứu A Đẩu trong trận Trường Bản lúc trước. Song nếu kết hợp mật chỉ này với những lời đã nói với Gia Cát Lượng, chúng ta có thể nhìn ra tâm tư của Lưu Bị.
Một mặt, Lưu Bị lo lắng sau khi mình chết, năng lực của Lưu Thiện đương nhiên không bằng Gia Cát Lượng, sợ Gia Cát Lượng soán ngôi, cho nên sớm tuyên bố với vị Thừa tướng cho phép ông làm Hoàng đế. Mặt khác, Lưu Bị lại ra lệnh cho Triệu Vân bảo vệ Lưu Thiện.
Triệu Vân nghe xong như rơi vào sương mù vì không hiểu được dụng ý thật sự của vị quân vương. Bản thân Triệu Vân là võ tướng phục vụ cho Thục Hán, nay Lưu Bị qua đời, ông đương nhiên phải tiếp tục phò tá cho thiếu chủ Lưu Thiện hoàn thành đại nghiệp.
Do đó, việc bảo vệ là chuyện nên làm và cũng là lẽ đương nhiên, không cần nhắc đến. Người ngay thẳng như Triệu Vân đương nhiên không thể nhận ra ẩn ý phía sau của lời dặn dò tưởng như vô nghĩa đó.
Sau đó Triệu Vân đã nói chuyện này cho Gia Cát Lượng nghe, Thừa tướng liền hiểu được tâm tư của Lưu Bị, nhưng lựa chọn giữ im lặng không nói cho Triệu Vân biết chân tướng. Lưu Bị thật không hổ danh là Hậu nhân Hán thất, trước khi qua đời còn có thể bảo toàn sinh cơ và bảo vệ vững chắc cho hậu thế.
Thật ra Lưu Bị không cần phải lo lắng, thực tế đã chứng minh Gia Cát Lượng luôn trung thành và tận tâm với Thục Hán.
Sau khi Lưu Bị qua đời, Gia Cát Lượng trung thành phò tá Lưu Thiện, không quên tâm nguyện của Lưu Bị mà hết lòng giúp Hán thất. Ở tuổi 70, Gia Cát Lượng vẫn dẫn binh Bắc phạt, tấn công Ngụy quốc.
Mặt khác, Triệu Vân tuy thuộc Ngũ hổ thượng tướng, nhưng khi Lưu Bị còn sống, ông cũng không có nhiều quân quyền, chỉ là một tướng quân chủ yếu thực hiện nhiệm vụ làm “vệ sĩ” bảo vệ Lưu Bị. Cho nên sau khi Lưu Bị qua đời, Triệu Vân liền cáo bệnh về quê dưỡng lão.
Cũng may là Triệu Vân không hiểu được dụng ý trong lời dặn dò của Lưu Bị, bằng không đôi bên không tránh khỏi mâu thuẫn nặng nề, điều này rất bất lợi đối với Thục Hán. Cho nên khi Triệu Vân thỉnh cầu cáo lão hồi hương, Gia Cát Lượng cũng không níu kéo.