Mặc quần áo giống nhà sư, làm trò phản cảm
Ngày 6/12, người tự xưng là “đại đức Thích Tâm Phúc” đã bị Công an huyện Củ Chi bắt tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".
Thông tin này đã nhanh chóng nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Người xưng "đại đức Thích Tâm Phúc" không phải ai xa lạ, đã từng nhiều lần khiến mạng xã hội xôn xao vì những hành động phản cảm, gây bất bình. Người đàn ông này tên thật là Nguyễn Minh Phúc (SN 1983), ngụ tại huyện Củ Chi, TP.HCM, đã được xác định là giả danh tu sĩ Phật giáo.
Nguyễn Minh Phúc bị bắt vào ngày 6/12.
Trang Tiktok có tên "Thầy Thích Tâm Phúc" chia sẻ nhiều clip nói năng phản cảm, thô lỗ.
Ngay trước thời điểm bị bắt, trên trang Tiktok gần 70 nghìn lượt follow có tên “Thầy Thích Tâm Phúc”, thầy chùa “dởm” này đăng rất nhiều clip nói chuyện khiếm nhã, phát ngôn đi ngược với truyền thống Phật giáo.
“Thích Tâm Phúc” xuất hiện và gây bức xúc trên mạng xã hội khoảng năm 2019, khi nhiều YouTuber quay cảnh người đàn ông này ăn thịt chó, trứng vịt lộn, vịt quay, bún đậu,...
Đầu tháng 1/2022, Phúc bị UBND xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi "Khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác" với số tiền 2,5 triệu đồng.
Khoảng tháng 4/2022, Phúc tiếp tục xuất hiện trên mạng xã hội với hình ảnh mặc áo cử nhân, cầm bằng tốt nghiệp của Trường Đại học Luật TP.HCM. Đại diện trường Đại học Luật TP.HCM lập tức lên tiếng, cho biết Phúc chưa từng học ở trường nên không thể có chuyện tốt nghiệp tại đây. Bộ quần áo Phúc thuê cũng không phải là lễ phục của trường. Khi Phúc đến chụp hình trong sân trường, bảo vệ đã mời người này di chuyển khỏi khu vực làm lễ của sinh viên.
Phúc "làm loạn" mạng xã hội từ khoảng năm 2019 với các clip ăn thịt chó, bún đậu, trứng vịt lộn.
Đến tháng 7/2023, hình ảnh Phúc mặc đồ giống nhà sư, xuất hiện ở một quán bar, đứng giữa vòng vây của công an, sau đó là ngồi ở trụ sở công an lan truyền rầm rộ trên YouTube và Tiktok. Sau khi làm việc với cơ quan chức năng, Phúc ra về vì âm tính với ma túy.
Thời điểm này, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Công an TP.HCM xác minh nhân thân, xử lý hành vi vi phạm nếu có với Phúc.
Chưa xuất gia, sử dụng giấy tờ giả
Được biết, Phúc mới chỉ quy y, chưa xuất gia. Sau 10 năm học tại chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn), năm 2010, Phúc về địa phương tự treo bảng hiệu chùa Ngộ Chân Tử tại nhà và tự xưng là “đại đức Thích Tâm Phúc”. Về hành vi này, Phúc bị xử phạt, yêu cầu tháo dỡ biển chùa và không sinh hoạt tôn giáo tại nhà. Tuy nhiên sau đó, Phúc vẫn tiếp tục giới thiệu nơi mình ở là Chùa Hoằng Pháp Trung ương. Thực chất, nơi đây là nhà tình thương tặng cho người nghèo. Chính quyền địa phương đã yêu cầu Phúc tháo dỡ bảng hiệu.
Năm 2022, Phúc thuê áo cử nhân, đến chụp ảnh tại lễ tốt nghiệp của sinh viên Trường Đại học Luật TP.HCM khiến nhiều người hiểu lầm.
Tháng 7/2023, Phúc mặc đồ giống nhà sư, xuất hiện tại một quán bar ở Gò Vấp, TP.HCM khiến nhiều người bức xúc.
Cơ quan chức năng xác định, các loại giấy tờ như chứng điệp thọ giới, giấy chứng nhận tăng ni, quyết định bổ nhiệm trụ trì “chùa Hoằng Pháp Trung ương”,… mang tên “Đại đức Thích Tâm Phúc” là giả mạo. Các giấy tờ này đều đã được cắt ghép, sao chụp ảnh chữ ký của lãnh đạo và khuôn dấu của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ngoài ra, các bằng khen, giấy khen mà Phúc hay khoe cũng không có trong hồ sơ lưu trữ của Ban Thi đua - Khen thưởng.
Trước khi xuất hiện trên mạng xã hội, Phúc từng thành lập 6 công ty, lợi dụng danh nghĩa công ty để tổ chức sự kiện vận động, quyên góp gây quỹ không đúng mục đích, tụ tập đông người, ca hát, ảnh hưởng đến trật tự địa phương.
Tổng hợp