Như đã thông tin, ngày 25/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch UBND tỉnh An Giang về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Ông Bình bị cáo buộc đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, can thiệp, chỉ đạo giúp Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 được cấp phép thăm dò, khai thác, điều chỉnh trữ lượng, công suất và khai thác trái quy định của pháp luật tại mỏ cát xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại tài sản nhà nước.
Đáng chú ý, trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã có nhiều chỉ đạo, phát ngôn quyết liệt liên quan đến công tác quản lý, khai thác cát trên địa bàn.
Cụ thể, tháng 7/2023, sau khi TTCP ban hành Kết luận thanh tra, chỉ ra nhiều sai phạm trong quản lý khai thác cát trên địa bàn tỉnh An Giang, trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết: Tỉnh đã thực hiện nghiêm theo nội dung kết luận thanh tra. Từ ngày 24 - 26/7/2023, UBND tỉnh đã ban hành 6 quyết định thu hồi các giấy phép khai thác cát tại các khu mỏ trên sông Tiền, sông Hậu, hoàn thành việc thu hồi tất cả các giấy phép khai thác cát đã cấp mới sau ngày 1/7/2011 đang còn hiệu lực hoạt động, các giấy phép được cấp từ trước ngày 1/7/2011 nhưng được gia hạn sau ngày 1/7/2011 còn hiệu lực hoạt động theo kết luận thanh tra.
Đến cuối tháng 8/2023, ông Bình đã ký Văn bản 1107/UBND-KTN về khẩn trương thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; quản lý chặt chẽ nguồn vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Ông Bình chỉ đạo: Đối với các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản, phải lắp đặt camera trên từng phương tiện khai thác để kiểm soát sản lượng, khối lượng cát tại mỏ khai thác; đơn vị vận chuyển phải cung cấp số hiệu từng phương tiện sà lan đã đăng ký vận chuyển cát phục vụ công trình, dự án cụ thể và phải lắp đặt định vị, có đường truyền về máy chủ đặt tại Sở Tài nguyên và Môi trường, cũng như phân quyền truy cập cho lực lượng làm nhiệm vụ giám sát, kiểm tra.
Đối với chủ đầu tư các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước được cung ứng vật liệu cát, phối hợp kiểm tra khối lượng cát đến công trình, có báo cáo hàng tháng về Sở Tài nguyên và Môi trường để đối chiếu số liệu với sản lượng cung cấp từ các mỏ, đảm bảo lượng cát cung cấp đến công trình đúng khối lượng và đúng địa chỉ, không để thất thoát ra bên ngoài.
Đến ngày 5/9/2023, tại cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với các bộ, ngành và các địa phương vùng ĐBSCL về việc bảo đảm nguồn vật liệu cho các dự án giao thông trọng điểm ĐBSCL, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết: Thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh An Giang đã thu hồi giấy phép khai thác đối với 6 mỏ (trữ lượng khoảng 4,5 triệu m3) và khu mỏ của Công ty CP Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 đã dừng hoạt động. Vì vậy, nguồn cát của An Giang không đảm bảo theo khối lượng đã phân bổ (thiếu khoảng 2,2 triệu m3 cho dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và thiếu gần 2 triệu m3 cát cho dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau).
" An Giang đã nhờ Bộ TN&MT hướng dẫn để phục hồi giấy phép đối với 6 mỏ trên để khai thác phục vụ cho các dự án đường cao tốc. Vừa qua, xảy ra sự việc tại An Giang, đó là việc cung cấp cát cho các công trình ngoài tỉnh mà không có sự phối hợp giữa các địa phương, không có phối hợp với chủ đầu tư, đây là một bài học xương máu", ông Bình nói.
Ngày 15/9/2023, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình khảo sát tình hình khai thác khoáng sản cát sông tại 2 mỏ cát được cấp phép khai thác trên sông Hậu thuộc địa bàn tỉnh An Giang.
Ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: UBND tỉnh đã thành lập các đội liên ngành quản lý đầu vào, đầu ra của nguồn cát, không để thất thoát và chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát thay đổi luân phiên đến kiểm tra các doanh nghiệp khai thác cát để đảm bảo minh bạch, khai thác đúng trữ lượng được cấp phép.
UBND tỉnh An Giang giao các địa phương quản lý chặt chẽ việc khai thác cát của các doanh nghiệp khai thác tại địa bàn, đảm bảo giờ giấc, trữ lượng khai thác. Đối với các doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác cát đúng quy định pháp luật phải hoạt động bình thường, khai thác đúng tiến độ và trữ lượng cát được cấp phép, nhằm tránh tình trạng khan hiếm cát trên thị trường…
Ngày 28/11/2023, tại Phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải theo hình thức trực tuyến toàn quốc, trao đổi về vấn đề khan hiếm cát cung ứng cho các tuyến cao tốc vùng ĐBSCL, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đề nghị Bộ GTVT sớm tham mưu Chính phủ sửa đổi, thay thế Nghị định 159/2018/NĐ-CP, ngày 28/11/2018 về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa, tạo cơ sở pháp lý để tỉnh triển khai thực hiện 2 dự án nạo vét thông luồng, đảm bảo đủ nguồn cát cho cao tốc.
Ông Bình cũng kiến nghị Bộ GTVT chủ trì, phối hợp UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đưa các đoạn sông đủ điều kiện vào Danh mục các đoạn sông nạo vét thông luồng giao thông thủy, tiến hành triển khai nạo vét, thu hồi khoáng sản để chia sẻ bớt khó khăn về nguồn vật liệu cát phục vụ cho các công trình trọng điểm hiện nay.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, can thiệp, chỉ đạo giúp Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 được cấp phép thăm dò, khai thác, điều chỉnh trữ lượng, công suất và khai thác trái quy định của pháp luật tại mỏ cát xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại tài sản Nhà nước, đã phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự.