Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tân Hoàng Minh
Ngày 22/11/2023, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng truy tố ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Con trai ông Dũng là Đỗ Hoàng Việt (Phó Tổng Giám đốc Tân Hoàng Minh) và 13 người khác bị truy tố cùng tội danh trên.
Cơ quan truy tố cáo buộc ông Dũng cùng các đồng phạm bàn bạc, lên kế hoạch, thực hiện các phương án gian dối trong phát hành trái phiếu và chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của các nhà đầu tư lên đến hơn 8.600 tỷ đồng.
Theo đó, đầu năm 2021, tình hình tài chính của Tập đoàn Tân Hoàng Minh gặp nhiều khó khăn, nợ ngân hàng gần 20.000 tỷ đồng, chưa kể 8 gói trái phiếu mà công ty đã phát hành. Để tháo gỡ, ông Dũng chỉ đạo con trai tìm cách phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để huy động vốn.
Ba công ty con được Tân Hoàng Minh dùng để phát hành trái phiếu là Công ty bất động sản Ngôi Sao Việt; Công ty CP Đầu tư dịch vụ khách sạn Soleil; Công ty CP Cung Điện Mùa Đông. Do kết quả hoạt động của cả ba công ty không đủ điều kiện phát hành, chào bán trái phiếu nên Đỗ Hoàng Việt chỉ đạo thuộc cấp nghiên cứu chỉnh sửa báo cáo tài chính theo hướng không đúng với thực tế.
Các báo cáo tài chính được "đánh bóng" tạo lãi khống để đủ điều kiện phát hành trái phiếu. Từ đó tạo niềm tin, sử dụng pháp nhân, thương hiệu Công ty Tân Hoàng Minh để huy động, chiếm đoạt của 6.630 nhà đầu tư tổng số hơn 8.643 tỷ đồng.
Số tiền này được các bị can sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành trái phiếu.
Trần Quí Thanh - Chủ tịch Tân Hiệp Phát
Ngày 24/11/2023, Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố ông Trần Quí Thanh (70 tuổi) cùng 2 con gái là Trần Uyên Phương (42 tuổi) và Trần Ngọc Bích (39 tuổi, cùng ngụ quận Bình Thạnh, tạm trú tỉnh Bình Dương) về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, theo Khoản 4, Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong đó, ông Trần Quí Thanh là Giám đốc Công ty TNHH TMDV Tân Hiệp Phát, trụ sở tại Bình Dương và Trần Uyên Phương là Phó Giám đốc doanh nghiệp này.
Kết quả điều tra xác định: Lợi dụng quy định về cho vay, hợp đồng chuyển nhượng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát cùng hai con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích đã cho một số người vay lấy lãi "dưới mức cấu thành tội phạm về cho vay lãi nặng".
Khi cho vay, ông Thanh không làm hợp đồng vay tiền có cầm cố tài sản mà buộc các doanh nghiệp, cá nhân phải làm hợp đồng chuyển nhượng dự án, cổ phần trong dự án. Giá trị của các dự án, bất động sản trong hợp đồng có giá trị thấp hơn nhiều lần so với thực tế.
Cơ quan điều tra cáo buộc khi bên vay làm thủ tục chuyển nhượng tài sản cho bên Tân Hiệp Phát, ông Thanh chỉ đạo hai con gái làm thủ tục sang tên cho mình để nắm quyền kiểm soát, định đoạt tài sản.
Mặc dù bên vay đã thực hiện nghĩa vụ trả đầy đủ gốc và nợ lãi theo thỏa thuận nhưng ông Thanh vẫn dùng các thủ đoạn gian dối hoặc tạo ra lý do để cố tình không trả lại tài sản và chiếm đoạt tài sản.
Từ tháng 1/2019 đến 11/2020, ba cha con Chủ tịch Tân Hiệp Phát đã chiếm đoạt tài sản có tổng giá trị 767 tỷ đồng.
Vũ Thị Thúy - Tổng Giám đốc Công ty BĐS Nhật Nam
Ngày 7/9/2023, cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an Thành phố Hà Nội thông báo về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và tạm giữ người đối với bà Vũ Thị Thúy (40 tuổi, trú tại Hà Nội).
Vũ Thị Thúy là Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Nhật Nam, đồng thời giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Giám đốc CTCP Sông Đà 1.01 (SJC); Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam; Chủ tịch HĐQT CTCP Sông Đà Invest; Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Nam Nhật Khang.
Theo cáo buộc của cơ quan điều tra, bà Thúy có hành vi đưa thông tin sai sự thật để huy động vốn của nhiều cá nhân. Sau đó, sử dụng một phần tiền này để trả lãi cho các cá nhân trên và chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.
Công ty CP Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam (tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ Bất động sản Nhật Nam) được thành lập vào ngày 2/7/2019. Quá trình hoạt động, Công ty cổ phần đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam liên tục đưa ra nhiều hình thức hợp tác kinh doanh với lợi nhuận cao để thu hút các nhà đầu tư rót tiền vào. Khách hàng đầu tư số tiền càng lớn có thể thu về lợi nhuận càng cao.
Nhà đầu tư chỉ cần ký hợp đồng hợp tác và ngồi chơi nhận tiền, không cần tham gia bất cứ hoạt động sản xuất kinh doanh gì của công ty. Rất nhiều nhà đầu tư đã đi vay mượn, cắm sổ đỏ ngân hàng, để đầu tư và không biết phải làm thế nào để lấy lại được tiền.
Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát
Ngày 18/11/2023, Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - bị cơ quan điều tra Bộ Công an (C03) đề nghị truy tố 3 tội danh: Đưa hối lộ, vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và tham ô tài sản.
Ngoài ra, còn có 85 bị can khác bị đề nghị truy tố theo các tội danh tham ô tài sản, đưa hối lộ, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản...
Theo đó, trong quá trình hoạt động, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xây dựng "hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát" với hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp, với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp luật. Những người này đều có quan hệ họ hàng hoặc là cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Bằng cách thâu tóm, nắm giữ cổ phần chi phối, điều hành hoạt động ngân hàng thông qua nhóm lãnh đạo chủ chốt tại SCB, bà Trương Mỹ Lan đã huy động tiền gửi của người dân và các tổ chức…Tuy không nắm chức vụ tại Ngân hàng SCB nhưng bà Lan là cổ đông chính ở đây, thời điểm ít nhất cũng giữ 85% cổ phần.
Cơ quan điều tra xác định bị can Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng của Ngân hàng SCB. Số tiền này đến nay ngân hàng không thể chi trả và còn phát sinh số tiền lãi hơn 129.372 tỷ đồng. Như vậy, Trương Mỹ Lan đã gây thiệt hại tổng cộng hơn 415.000 tỷ đồng.
Từ năm 2018-2020, bà Trương Mỹ Lan có các hành vi gian dối trong phát hành trái phiếu, đã lừa đảo hơn 30.000 tỷ đồng của 42.000 nhà đầu tư.
Vụ đại án đã khiến 85 đối tượng bị truy nã, truy tố và vẫn đang trong giai đoạn điều tra.
Nguyễn Cao Trí, Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh
Ngày 15/1/2023, cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) Bộ Công an ra quyết định khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Cao Trí (sinh năm 1970) về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự.
Theo báo cáo của cơ quan CSĐT, trong quá trình mở rộng điều tra vụ án Công ty An Đông (Vạn Thịnh Phát), cơ quan CSĐT phát hiện bà Trương Mỹ Lan có quan hệ làm ăn, đầu tư với Nguyễn Cao Trí.
Bà Trương Mỹ Lan đã chuyển cho Nguyễn Cao Trí hơn 40 triệu USD để mua bán dự án, kinh doanh. Nhưng khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt, Nguyễn Cao Trí nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền này.
Ông Nguyễn Cao Trí được biết đến là đại gia tại TP.HCM, sở hữu nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, giáo dục, tài chính, dịch vụ nhà hàng như: Công ty cổ phần Tập đoàn Capella, Công ty TNHH Capella Hospitality, Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Lâu Đài Ven Sông, CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội.
Trong các doanh nghiệp ông Trí sở hữu, CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội (Khahomex) là một doanh nghiệp bất động sản, đã triển khai nhiều dự án khác nhau.
Tuy nhiên, Capella Holdings mới là cái tên được nhắc đến đầu tiên trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Cao Trí. Capella có tiền thân là Bến Thành Land, hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản. Khi về tay đại gia này, tập đoàn mở rộng ra nhiều mảng kinh doanh, đặc biệt nổi danh trong mảng nhà hàng khách sạn, trung tâm tiệc cưới.
Đinh Trường Chinh - Giám đốc Cty TNHH Xây dựng địa ốc Việt Hân
Ngày 26/10/2023, Cơ quan An ninh điều tra - Công an TPHCM đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với Huỳnh Thế Năng (64 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam) và Đinh Trường Chinh (49 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân).
Cơ quan chức năng xác định, Huỳnh Thế Năng và Đinh Trường Chinh đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng khu "đất vàng" tại số 33 Nguyễn Du và 34-36-42 Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé, quận 1), gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Trước khi bị bắt, ông Đinh Trường Chinh là người thành lập, Chủ tịch HĐQT của Công ty Việt Hân trong khoảng 10 năm (2006 - 2016). Công ty này cùng với các đối tác triển khai nhiều dự án quy mô vốn lớn tại TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Thọ, Hà Nội...
Thời điểm bị bắt, ông Chinh là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh Nhà (HDTC). HDTC thực hiện nhiều dự án lớn tại TP.HCM như Khu dân cư Bình Trưng 10ha (quận 2), khu dân cư Bình Trị Đông 28ha (huyện Bình Chánh), khu đô thị mới An Phú - An Khánh 131ha (quận 2), khu dân cư An Sương 65ha (quận 12)...
Ngoài ra, HDTC cũng thực hiện nhiều công trình nhà ở tái định cư tại TP.HCM.
Ngày 26/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long và các đơn vị liên quan.
Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Văn Hậu (tên thường gọi "Hậu Pháo") - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn.
Kết quả điều tra ban đầu xác định Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn và các bị can đã có các hành vi giả mạo, khai man, để ngoài sổ sách kế toán doanh thu, tài sản liên quan... gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.