Trước giờ tuyên án, nộp đủ 3 triệu USD nhận hối lộ, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son có thoát án tử?

Hoàng Đan |

Các chuyên gia pháp lý, luật sư đã đưa ra phân tích xung quanh việc gia đình cựu Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son nộp lại đủ 3 triệu USD nhận hối lộ có giúp ông thoát án tử hình?.

Trao đổi với PV, thẩm phán Trương Việt Toàn (thành viên HĐXX vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG) xác nhận, gia đình cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã nộp lại hơn 66 tỷ đồng (tương đương 3 triệu USD) nhận hối lộ từ Phạm Nhật Vũ.

Đánh giá về tình tiết này, Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao, nguyên Chánh án Toà án quân sự Trung ương cho rằng, việc nộp lại 3 triệu USD của gia đình ông Nguyễn Bắc Son không phải là khắc phục hậu quả của vụ án này.

"Đối với hậu quả của vụ án này liên quan hành vi vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và đã được bị cáo Phạm Nhật Vũ khắc phục từ trước. Còn việc gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son nộp lại 3 triệu USD là nộp lại số tiền đã nhận hối lộ", Trung tướng Độ nói.

Trung tướng Độ dẫn giải, theo quy định tại điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 quy định khi bản án có hiệu lực, người phạm các tội danh về tham nhũng (trong đó có tội nhận hối lộ) tự nguyện khắc phục 3/4 hậu quả trở lên đồng thời tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng trong việc đấu tranh phòng và chống tội phạm thì án tử hình sẽ chuyển sang án tù chung thân.

Ông nói, đối với việc gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son đã nộp đủ số tiền nhận hối lộ 3 triệu USD thì HĐXX hoàn toàn có quyền cân nhắc tình tiết giảm nhẹ, thậm chí giảm nhẹ đặc biệt như quy định tại điều 40 khi tuyên án đối với bị cáo.

"Tuy nhiên, phải khẳng định, việc tuyên hình phạt nào đối với bị cáo sẽ do HĐXX quyết định căn cứ trên sự nhìn nhận một cách toàn diện", tướng Độ nhấn mạnh.

Còn ông Nguyễn Sơn, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao cũng cho rằng, đối với vụ án hình sự nói chung và vụ án của tội Nhận hối lộ, việc khắc phục hậu quả được xem là tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo khi tòa lượng hình.

Nhưng HĐXX không chỉ căn cứ vào đó mà phải xem xét một cách toàn diện để đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, từ đó đưa ra phán quyết đối với bị cáo.

Ông nhấn mạnh, không thể nói, người phạm tội Nhận hối lộ khi ra tòa đã nộp lại toàn bộ số tiền đã thu lợi bất chính sẽ được tòa giảm án so với mức đề nghị của Viện kiểm sát.

Còn luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay, việc trong các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả lớn cho Nhà nước như vụ "đại án" MobiFone mua 95% cổ phần AVG, việc bị cáo khắc phục hậu quả chưa chắc làm thay đổi hình phạt nghiêm khắc.

Theo ông Cường, việc chuyển hình phạt chỉ áp dụng đối với giai đoạn thi hành án và phải có 2 điều kiện theo quy định tại điều 40 của Bộ Luật Hình sự. Trong đó, bồi thường, khắc phục 3/4 hậu quả là điều kiện cần.

Ngoài ra phải có điều kiện đủ là lập công chuộc tội, tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng. Luật sư nhận định nếu chỉ khắc phục hậu quả thì chưa đủ căn cứ để áp dụng Điều 40.

"Hiện nay, pháp luật không hề có quy định cứng trong giai đoạn xét xử nếu bị cáo đã bồi thường sẽ được HĐXX giảm án từ tử hình xuống chung thân mà việc này chỉ áp dụng cứng trong giai đoạn thi hành án.

Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định lại việc quyết định hình phạt cụ thể sẽ do HĐXX quyết định căn cứ trên việc xem xét, cân nhắc hành vi, tình tiết cụ thể đối với bị cáo", luật sư Cường nêu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại