Lý Tiểu Long đưa võ thuật Trung Quốc nổi tiếng khắp thế giới. Diệp Vấn sáng lập Hội Thể dục Vịnh Xuân quyền Hong Kong, có lúc đạt đến 2 triệu đệ tử.
Nhưng trước khi có những thành công như vậy, phải kể đến một bước ngoặt lớn diễn ra vào đầu thế kỷ 20, thời điểm một cao thủ quyết tâm đưa những công phu vốn là bí truyền trở nên phổ biến.
Khi võ công không còn là điều bí ẩn
Hàng ngàn năm, võ thuật Trung Quốc tồn tại rất nhiều nguyên tắc khi truyền thụ võ công cho các đệ tử. Hầu hết đều sợ tuyệt chiêu của mình bị đối thủ học lén nên vô cùng cẩn trọng. Đôi khi, ngay cả các đệ tử cũng không được sư phụ dạy hết những bí chiêu.
Chính vì thế, võ công thường ẩn sau một tấm màn bí ẩn. Các chiêu thức được chép ra giấy dĩ nhiên rất hiếm gặp và được bảo quản cẩn mật.
Tuy nhiên, Lâm Thế Vinh – người thuộc phái Hồng Gia quyền, đệ tử của huyền thoại Hoàng Phi Hồng – lại nghĩ khác. Thay vì che giấu, ông cùng các đệ tử cùng nhau biên soạn ra các bộ sách nhằm giúp cho việc truyền bá võ công được thuận lợi hơn.
Lâm Thế Vinh và các đệ tử.
Những môn võ tưởng chừng không thể để lộ ra ngoài như "Hổ hạc song hình quyền", "Thiết tuyến quyền"… đều lần lượt xuất hiện trên sách.
Trong khi nhiều nơi khác tại Trung Quốc, võ sinh lo lắng sư phụ chỉ "dạy 6 giữ 4", thì một câu chuyện trái ngược diễn ra ở võ quán của Lâm Thế Vinh. Đó là vị sư phụ này luôn lo lắng đệ tử không thể tiếp nhận những tinh túy võ công mà mình muốn truyền thụ.
Viết sách thôi chưa đủ, Lâm Thế Vinh còn sẵn sàng chào đón bất cứ ai tới trao đổi về những điều còn khúc mắc trong đó. Kể cả những tuyệt kỹ tốn đến 20 năm để hoàn thiện, ông vẫn hào phóng chia sẻ không giấu giếm.
Có người nói Thế Vinh dại dột, vị võ sư xuất thân từ Quảng Đông đáp lại: "Nếu có 10 đệ tử muốn học, vậy trong tương lai có thể xuất hiện 10 Lâm Thế Vinh. Như thế, Hồng Gia quyền sẽ càng phổ biến hơn.
Có những kẻ sử sụng võ công vào việc xấu. Nhưng những kẻ đó thường nói dối về nguồn gốc võ công của mình, giả mạo làm đệ tử của những người dạy võ chân chính. Đó là điều không thể chấp nhận".
Nhờ "phát súng" mở đầu của Lâm Thế Vinh, nhiều môn phái dần rộng mở hơn trong việc thu nhận đệ tử, truyền bá võ công. Võ thuật truyền thống Trung Quốc nhờ đó mới gần gũi với mọi người hơn chứ không chỉ gói gọn trong các môn phái và thường xuyên đối mặt với nguy cơ mai một.
"Người bán thịt" nghĩa hiệp
Từng có thời gian bán thịt lợn và còn nổi tiếng với tên "Vinh thịt lợn", nhưng Lâm Thế Vinh vẫn luôn khát khao theo đuổi võ học. Từ nhỏ, ông đã học được khá nhiều loại võ công lợi hại từ ông nội.
Giống như câu chuyện về nhiều đại hiệp, Lâm Thế Vinh cũng thường "giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha". Khác biệt ở chỗ, ông luôn cố gắng giải quyết mọi thứ bằng lời nói. Chỉ đến khi hết cách, Thế Vinh mới đành dụng đến võ công.
Khi Lâm Thế Vinh tìm đến Hoàng Phi Hồng, vị sư phụ nổi tiếng đã không còn trực tiếp dạy võ nữa. Thế Vinh không bỏ cuộc, hết lần này tới lần khác xin được làm đệ tử.
Đến một ngày, Hoàng Phi Hồng mới yêu cầu ông thi triển võ công. Sau khi chứng kiến Thế Vinh ra chiêu, Hoàng Phi Hồng liền chấp nhận thu nạp ông làm đệ tử vì nhìn thấy những tiềm năng thích hợp với Hồng Gia quyền.
Lâm Thế Vinh thi triển một chiêu thức.
Cũng từ đây, danh tiếng của Lâm Thế Vinh ngày càng lớn hơn. Trong sách do các đệ tử chép lại có một cuộc giao đấu của ông với "Thiết đầu đại sư".
Xuất thân từ Hồ Nam, kẻ tự xưng là "Thiết đầu đại sư" tinh thông môn Thiết đầu công. Hắn thường xuyên đánh người và còn tính chuyện tấn công một ngôi chùa nhằm chiếm đoạt các tài sản.
Trụ trì chùa biết không thể né tránh mãi, bèn nhờ Thế Vinh ra tay. Cuộc đấu diễn ra khá chóng vánh. Với chiêu Nguyệt ảnh cước, Thế Vinh khiến "Thiết đầu đại sư" phải nếm mùi đau khổ và từ đó không dám đi gây chuyện nữa.
Nhưng danh tiếng về võ công cũng đi kèm với rắc rối. Lâm Thế Vinh cùng đệ tử từng có lần bị bao vây trong một nhà hát tại Quảng Đông. Chủ nhà hát, cũng là một tương quân địa phương, thuê 20 người tấn công Thế Vinh nhằm triệt hạ danh tiếng của ông.
Nhờ vào võ công cao cường, nhóm người của Lâm Thế Vinh chiến thắng mà gần như không bị thương tích gì đáng kể.
Song mọi chuyện lại đi quá xa khi có thêm các binh sĩ dưới quyền vị tướng kia cũng tham gia vào cuộc hỗn chiến. Sau đó, Thế Vinh đã phải lánh đi một thời gian.
Lâm Thế Vinh và cuốn sách về võ công.
Một giai thoại khác khá hài hước diễn ra tại Hong Kong. Tổ chức với tên gọi "Hiệp hội những người bán thịt" nhờ Lâm Thế Vinh đứng ra làm người hướng dẫn võ công cho họ.
Chuyện tưởng như đùa nhưng Thế Vinh vui vẻ nhận lời. Và trong những lần dạy võ cho hiệp hội, ông thu nạp được nhiều một số đệ tử có võ công cao cường.
Ngoài võ thuật, Lâm Thế Vinh còn được nhiều đệ tử ca ngợi vì tấm lòng. Ông sẵn sàng dạy võ công miễn phí, mặc dù học phí là nguồn thu rất quan trọng cho các võ quán.
Năm 61 tuổi, Lâm sư phụ vẫn dẫn đồ đệ đi biểu diễn võ thuật nhằm quyên góp tiền cho trẻ mồ côi ở Quảng Đông. Nghĩa cử của ông sau đó đã được nhà cách mạng Tôn Trung Sơn vinh danh.