Trước đàm phán với Mỹ, Trung Quốc sắp bước vào cuộc họp quan trọng, bất ngờ thay đổi nội dung

Minh Khôi |

Hội nghị TƯ lần thứ 4 Đại hội 19 của Trung Quốc sẽ diễn ra vào tháng 10 sau một thời gian trì hoãn. Nhưng vấn đề kinh tế lại không được nhắc tới trong chương trình nghị sự.

Lịch trình nghị sự thay đổi

Tuần này, Trung Quốc đã có một loạt tuyên bố cứng rắn trong suốt 4 ngày khi cuộc chiến thương mại với Mỹ leo thang.

Vào tối thứ Sáu, Trung Quốc chính thức thông báo, Hội nghị Trung ương lần thứ tư của Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra vào tháng 10 sau một thời gian dài trì hoãn. Đây là cuộc họp quan trọng để thiết lập đường lối cho chính sách kinh tế giữa nhiệm kỳ của Trung Quốc.

Tiếp sau đó, vào tối thứ Hai, Trung Quốc tuyên bố sẽ kiện hành động áp thuế vòng thứ 4 của Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới WTO.

Tín hiệu phát ra từ các tuyên bố này là Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến trường kỳ với Mỹ về thương mại.

Tuy nhiên, đây chỉ là một khía cạnh của sự việc.

Hai nhà nghiên cứu am hiểu về kinh tế và chính trị Trung Quốc đã nhanh chóng lưu ý đến một sự thay đổi.

Sau khi trở về Bắc Kinh từ cuộc họp kín ở Bắc Đới Hà, ông Tập bắt đầu được nhắc tới như là "nhà lãnh đạo của nhân dân" nhưng chính sách kinh tế của ông Tập vẫn chưa được đề cập, một nhà nghiên cứu cho biết.

"Cuối cùng, Hội nghị Trung ương lần thứ tư đã được triển khai nhưng tại sao lại không đề cập đến vấn đề kinh tế đã thu hút sự chú ý của toàn cầu là chủ đề chính?", một nhà nghiên cứu giấu tên khác nói với Nikkei.

Trong một thông cáo được đưa ra hôm thứ Sáu, Bộ Chính trị tuyên bố, quyết định tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ 4 vào tháng 10 để thảo luận về những vấn đề quan trọng liên quan đến việc giữ vững và cải tiến hệ thống xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc và đạt được tiến bộ trong việc hiện đại hóa hệ thống và năng lực quản trị.

Từ "kinh tế" không được nhắc đến.

Khi hội nghị trung ương lần thứ 3 kết thúc vào tháng 2/2018, truyền thông Trung Quốc đã đưa tin rầm rộ rằng, hội thứ trung ương lần thứ 4 sẽ là cơ hội để Trung Quốc áp dụng chính sách kinh tế cơ bản vô cùng quan trọng.

Nhưng sau khi bị trì hoãn, hội nghị lần thứ 4 chuẩn bị diễn ra, nhưng vấn đề sống còn - chính sách kinh tế cơ bản - đã được bỏ ra ngoài lịch trình nghị sự.

Hàm ý đằng sau sự thay đổi

Nhắc tới một phát ngôn của Phó Thủ tướng Lưu Hạc tại hội nghị tài chính hôm 31/8, tờ Nikkei đưa ra giả thuyết lý giải sự thay đổi trong chương trình nghị sự của hội nghị TƯ 4.

Tại hôi nghị tài chính, ông Lưu đã đề cập về các biện pháp kích thích tài chính táo bạo, cắt giảm lãi suất và chính sách tài khóa mạnh mẽ. Điều này đồng nghĩa với việc thừa nhận và tự chỉ trích các biện pháp kinh tế "thắt lưng buộc bụng" nhằm hạn chế "núi nợ" của Trung Quốc - do chính ông Lưu là người thúc đẩy - là những quyết sách sai.

Thực tế, đã có các ý kiến cho rằng, chính sách này là nguyên nhân khiến nền kinh tế thứ 2 thế giới chậm lại.

Khi Bộ Chính trị họp vào cuối tháng 7, cơ quan này đã lưu ý rằng "áp lực giảm đối với nền kinh tế trong nước đang gia tăng", đưa ra tín hiệu khủng hoảng về tình trạng xấu đi của nền kinh tế Trung Quốc.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia này giảm xuống còn 6,2% trong thời điểm từ tháng 4 - tháng 6. Ở một số nơi khác, các chủ sở hữu nhà máy tư nhân nhỏ ở khu vực phía đông của Trung Quốc xung quanh Thượng Hải đã chứng kiến việc các đơn đặt hàng sụt giảm mạnh.

Phó Thủ tướng Lưu Hạc là người chịu trách nhiệm chính đàm phán thương mại với Mỹ, nên nếu các chính sách đối nội của ông bị nghi ngờ, điều này sẽ ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán sắp diễn ra với Mỹ.

Ông Tập, người có quyền lực chính trị mạnh nhất, cần ước lượng được vấn đề phức tạp này. Đây là lý do tại sao vấn đề kinh tế được loại khỏi chương trình nghị sự, Nikkei bình luận.

Ngoài ra, Trung Quốc đang đối mặt với một loạt các thách thức khó khăn, đặc biệt là cuộc khủng hoảng trong mối quan hệ với Mỹ và tình trạng bất ổn ở Hồng Kông.

Để chống lại một cuộc chiến thương mại kéo dài, Trung Quốc phải tăng cường quản lý và xác nhận sự thống nhất nội bộ của đảng. Vì vậy, quản trị quốc gia của Trung Quốc trở thành vấn đề trung tâm của hội nghị TƯ lần thứ 4.

Hướng đi này gợi nhớ đến bầu không khí thịnh hành vào thứ tư cuối cùng của phiên họp toàn thể năm 2014, quyết định theo đuổi chiến dịch chống tham nhũng khốc liệt của ông Tập.

Tuy nhiên, không nhất thiết cuộc họp TƯ lần thứ 4 Đại hội 19 sẽ hoàn toàn "né" các vấn đề kinh tế. Từ ngữ trong thông báo của Bộ Chính trị vẫn để ngỏ một "khe cửa hẹp", báo Nhật bình luận.

Nội dung cải tiến "chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc" được liệt kê như một chủ đề trung tâm. Nội dung này hiện vẫn chưa rõ ràng và có thể được liên hệ tới các vấn đề kinh tế.

Lý tưởng nhất, ông Tập sẽ thúc đẩy "chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc", một thuật ngữ được đặt ra từ thời Đặng Tiểu Bình, phù hợp với xã hội toàn cầu hóa ngày nay và kết hợp một số cải cách cơ cấu mà phía Mỹ yêu cầu trong các phiên đàm phán.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại