Kể từ khi ra đời vào năm 2002 (ban đầu gọi là giải U16 Đông Nam Á), tính đến nay giải đấu khu vực này đã được tổ chức tổng cộng 14 lần (năm 2009 và 2014 không được tổ chức). Trong 13 lần trước đó, đã có tổng cộng 7 đội bóng bước lên ngôi vô địch gồm: Nhật Bản, Australia, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Trong số này, Việt Nam và Thái Lan đang là những đội bóng có thành tích tốt nhất khi đều 3 lần vô địch (Myanmar 2 lần lên ngôi vô địch còn Nhật Bản, Australia, Malaysia, Indonesia mỗi quốc gia vô địch 1 lần). Trong khi đội bóng xứ sở chùa Vàng lên ngôi vào các năm 2007, 2011 và 2015 thì đội tuyển của chúng ta đăng quang vào các năm 2006, 2010 và 2017.
Tuy nhiên xét về thành tích tổng cộng thì Việt Nam hiện vẫn đang đứng sau Thái Lan. Bởi chúng ta chỉ có 1 lần về nhì ở giải đấu này (năm 2016), trong khi người Thái có tới 3 lần giành ngôi á quân (vào các năm 2005, 2017, 2018).
Nếu Việt Nam hoặc Thái Lan lên ngôi ở giải năm nay thì sẽ trở thành đội bóng độc chiếm ngôi vị số 1 trong lịch sử giải U15 Đông Nam Á với 4 lần đăng quang.
HLV Đinh Thế Nam và các học trò trước khi lên đường sang Thái Lan dự giải (ảnh: VFF).
Có 1 chi tiết đáng lưu ý là trong 2 lần được AFF chọn là quốc gia chủ nhà của giải U15 Đông Nam Á trước đây, Thái Lan đều đã không thể bước lên ngôi cao nhất. Ở giải đấu năm 2005, đội bóng xứ sở chùa Vàng lọt vào chung kết nhưng thất bại 3-4 trong loạt sút luân lưu 11m trước Myanmar sau khi hai đội hòa nhau 1-1 trong thời gian thi đấu chính thức.
Đến năm 2017, Thái Lan một lần nữa lại gục ngã "trước cổng thiên đường" khi để thua Việt Nam 2-4 ở loạt đấu súng sau khi hai đội không thể ghi được bàn thắng nào vào lưới của nhau sau 90 phút giao tranh.
Lịch sử dường như không ủng hộ bóng đá Thái Lan lên ngôi trên sân nhà. Chúng ta hãy cùng chờ xem thầy trò HLV Đinh Thế Nam có tận dụng được yếu tố này để giúp bóng đá Việt Nam vượt mặt bóng đá Thái Lan, trở thành đội bóng giàu thành tích nhất ở giải U15 Đông Nam Á hay không?