Nguyễn Ái Quốc ở Pháp (1917 - 1923)
Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, các nước đế quốc thắng trận họp ở Véc-xai (gần Thủ đô Pa-ri) ngày 18 - 6 - 1919 để chia lại thị trường thế giới.
Nguyễn Ái Quốc thay mặt những người Việt Nam yêu nước sống ở Pháp đã đưa tới hội nghị bản Yêu sách của nhân dân An Nam đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ, quyền bình đẳng và quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam.
Những yêu sách nói trên không được chấp nhận, nhưng việc làm đó đã có tiếng vang lớn đối với nhân dân Việt Nam, nhân dân Pháp và nhân dân các thuộc địa Pháp.
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp năm 1920
Tháng 7 - 1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê-nin, từ đó Người hoàn toàn tin theo Lê-nin, dứt khoát đứng về Quốc tế thứ ba.
Tại Đại hội của Đảng Xã hội Pháp họp ở Tua (12 - 1920), Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành việc gia nhập Quốc tế thứ ba và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, đánh dấu bước ngoặt trong hoạt động cách mạng của Người từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lê-nin và đi theo con đường cách mạng vô sản.
Năm 1921, được sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp. Nguyễn Ái Quốc cùng một số ngươi yêu nước của các thuộc địa Pháp sáng lập Hội liên hiệp thuộc địa ở Pa-ri để đòan kết các lực lượng cách mạng chống chủ nghĩa thực dân, thông qua tổ chức đó truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin đến các dân tộc thuộc địa.
Tờ báo Người cùng khổ do Nguyễn Ái Quốc làm chủ nhiệm (kiêm chủ bút) đã vạch trần chính sách đàn áp, bóc lột dã man của chủ nghĩa đế quốc nói chung và đế quốc Pháp nói riêng, thức tỉnh các dân tộc bị áp bức nổi dậy đấu tranh tự giải phóng.
Nguyễn Ái Quốc còn viết nhiều bài cho các báo Nhân đạo (của Đảng Cộng sản Pháp), Đời sống công nhân (của Tổng Liên đoàn lao đông Pháp)... và cuốn sách Bản án chế độ thực dân Pháp. Mặc dù bị nhà cầm quyền Pháp tìm mọi cách ngăn chặn, cấm đoán, các sách báo nói trên vẫn được bí mật chuyển về Việt Nam.
Nguyễn Ái Quốc ở Liên Xô (1923 – 1924)
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ V Quốc tế cộng sản ở Liên Xô năm 1924
Tháng 6 - 1923, Nguyễn Ái Quốc rời nước Pháp sang Liên Xô dự Hội nghị Quốc tế nông dân và được bầu vào Ban Chấp hành. Sau đó, Người ở lại Liên Xô một thời gian, vừa làm việc, vừa nghiên cứu học tập.
Tại Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản (1924), Nguyễn Ái Quốc trình bày lập trường, quan điểm của mình về vị trí, chiến lược của cách mạng ở các nước thuộc địa; về mối quan hệ giữa phong trào công nhân ở các nước đế quốc với phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa; về vai trò và sức mạnh to lớn của giai cấp nông dân ở các nước thuộc địa.
Những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về cách mạng giải phóng thuộc địa trong thời đại đế quốc chủ nghĩa và cách mạng vô sản mà Nguyễn Ái Quốc tiếp nhận, truyền bá vào nước ta từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, là một bước chuẩn bị quan trọng về chính trị và tư tưởng cho sự thành lập chính đảng vô sản ở Việt Nam trong giai đoan tiếp sau.
Nguyễn Ái Quốc ở Trung Quốc (1924 – 1925)
Sau một thời gian ở lại Liên Xô học tập và nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng đảng kiểu mới, cuối năm 1924 Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc). Người đã tiếp xúc với các nhà cách mạng Việt Nam có mặt tại đây, cùng một số thanh niên mới từ trong nước sang để thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trong đó tổ chức Cộng sản đoàn làm nòng cốt (6 - 1925).
Báo Thanh niên – tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam
Nguyễn Ái Quốc trực tiếp mở nhiều lớp huấn luyện chính trị để đào tạo một số thanh niên Việt Nam trở thành những cán bộ cách mạng. Báo Thanh niên được xuất bản (1925) làm cơ quan tuyên truyền của Hội.
Các bài giảng của Người trong các lớp đào tạo cán bộ ở Quảng Châu sau đó được tập hợp lại và in thành sách Đường Kách mệnh (đầu năm1927), vạch ra những phương hướng cơ bản của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Một số người được chọn đi học trường Đại học Phương Đông ở Liên Xô, một số được cử đi học quân sự ở Liên Xô hoy Trung Quốc, còn phần lớn lên đường về nước hoạt động.
Tác phẩm Đường Kách mệnh, báo Thanh niên đã được bí mật chuyển về trong nước, đúng vào lúc phong trào yêu nước và dân chủ đang sổi nổi từ Nam ra Bắc trên cơ sở giai cấp công nhân đang lớn mạnh nên càng có điều kiện đi sâu vào quần chúng.
Đến trước Đại hội đại biểu lần thứ nhất (5 - 1929), Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã có tổ chức cơ sở ở hầu khắp cả nước. Ngoài ra, một số đoàn thể quần chúng như Công hội, Nông hội, Hội học sinh, Hội phụ nữ... cũng được tổ chức.
Năm 1928, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên có chủ trương "vô sản hoá" - đưa hội viên vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền cùng sống và lao động với công nhân để tự rèn luyện, đồng thời truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tổ chức và lãnh đạo công nhân đấu tranh.
Bài viết nhằm giúp cho độc giả nào chưa có điều kiện tìm hiểu lịch sử nước nhà có thêm kiến thức tham khảo, theo tinh thần "Dân ta phải biết Sử ta". Nguồn: SGK Sử lớp 9, tr 61-62-63-64.