Cuốn sách kinh điển của Trung y là "Hoàng đế nội kinh" từng chỉ rõ: Tim thông với lưỡi, tỳ thông với miệng, phổi thông với mũi, gan thông với mắt, thận thông với tai. Điều này cũng cho thấy cổ nhân từ thời xa xưa đã tìm ra sự liên hệ giữa ngũ quan với lục phủ ngũ tạng.
1. Nhìn lưỡi chẩn bệnh về tim
Trung y cho rằng, hình thái, màu sắc, độ linh hoạt và khả năng cảm nhận vị giác của lưỡi đều có thể phản ánh tình trạng của tim.
Nếu lưỡi có sắc hồng nhuận, chuyển động linh hoạt, vị giác nhạy bén có nghĩa là trái tim đang ở trạng thái khỏe mạnh.
Ngược lại, nếu đầu lưỡi nứt nẻ, sinh lở loét, có cảm giác đau đớn đồng nghĩa với việc cơ thể đang mắc chứng "tâm hỏa" (Trung y dùng để chỉ chứng bệnh lòng phiền, miệng khát, mạch nhanh, đầu nhức).
Lưỡi phát ban rất có thể là do lượng máu cung cấp cho tim bị ngưng trệ. Lưỡi màu hồng nhưng có sắc thâm, tối là triệu chứng tâm âm hư. Lưỡi bóng nhẫy, nhạt màu lại là triệu chứng của tâm dương hư.
Muốn bảo vệ trái tim, ngoài việc nghỉ ngơi điều độ, đi khám định kỳ, bạn còn có thể sử dụng một vài phương pháp điều dưỡng từ một số loại dược liệu như hạt sen, đương quy, hoàng kỳ…
Tình trạng của lưỡi cũng phản ánh tình trạng của tim. (Ảnh minh họa).
2. Nhìn môi chẩn bệnh về tỳ
Tỳ là một cơ quan đặc nằm bên trái của vị (dạ dày) có chức năng hấp thu và vận chuyển chất dinh dưỡng. Tỳ và vị hợp tác với nhau để hấp thu thức ăn và chuyển vận chất dinh dưỡng.
Trong khi đó, miệng là nơi cửa ngõ để thức ăn tiến vào cơ thể, đồng thời có khả năng phản ánh tình trạng của tỳ vị.
Nếu tỳ vị khỏe mạnh, khí huyết đầy đủ, môi sẽ hồng hào, căng mọng. Nếu tỳ vị hư yếu, khí huyết không đủ, môi sẽ nhợt nhạt, khô nứt.
Ăn quá nhạt sẽ khiến tỳ vị bị hư, ăn quá ngọt lại khiến tỳ vị thấp nhiệt. Môi sưng phù hoặc khóe miệng lở loét đa số là chứng tỳ nhiệt hoặc tỳ hỏa.
Để cải thiện tình trạng của tỳ và tỳ vị, bạn nên chú trọng điều chỉnh chế độ ẩm thực, hạn chế ăn đồ sống, đồ nguội thức ăn nhiều dầu mỡ. Có thể kết hợp dùng những dược liệu bổ tỳ ích khí như đảng sâm, củ từ, hạt ý dĩ, bách hợp, đậu cô ve…
3. Nhìn mũi chẩn bệnh về phổi
Trung y cho rằng phổi thông với mũi, chỉ khi có phổi điều hòa ổn định, mũi mới có thể phát huy công năng khứu giác và hô hấp một cách bình thường.
Xét trên góc độ lâm sàng, tình trạng ngạt mũi chảy nước mắt chủ yếu là do phong hàn làm tổn thương phổi. Mũi thường xuyên bị đỏ là bởi phổi bị nóng. Tương tự như vậy, mũi bị khô và thường xuyên chảy máu xuất phát từ nguyên nhân âm hư hỏa vượng.
Nói cách khác, mỗi khi phổi gặp phải vấn đề, khứu giác của mũi sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến tình trạng ho khan, khó thở….
Để cải thiện tình trạng của lá phổi, bạn nên chú ý tới nhiệt độ phòng, tăng cường tập luyện thể dục, tích cực ăn trái cây, rau củ. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng củ cải trắng nấu canh, đun trà, ăn sống… đều có thể đạt được công dụng nhuận phế, tiêu đờm.
4. Nhìn mắt chẩn bệnh về gan
Theo Trung y, công năng của mắt phụ thuộc vào tình trạng khí huyết ở gan. Nếu gan có khí huyết không đủ, mắt không được nuôi dưỡng đầy đủ sẽ dẫn tới tình trạng mắt mờ, quáng gà…
Gan hỏa thịnh có thể xuất hiện tình trạng mắt đỏ, sưng đau. Gan thận âm hư sẽ làm khô mắt.
Khi ở vào những tình trạng trên, ngoại trừ việc chú ý vệ sinh và cung cấp đủ dưỡng chất cho mắt, bạn có thể tận dụng những dược liệu như câu kỷ tử, hoa cúc trắng… để đạt được công dụng bổ mắt, dưỡng gan.
Không chỉ là "cửa sổ của tâm hồn", đôi mắt còn có tác dụng phản ánh tình trạng của lá gan. (Ảnh minh họa).
5. Dựa vào thính lực chẩn bệnh về thận
Thận và thính lực có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Thận đủ khí huyết, thính lực sẽ rất nhạy bén.
Khi có các dấu hiệu như váng đầu, ù tai, thính lực suy giảm, tai điếc, đi kèm với đó là những triệu chứng như đau xương sống, thắt lưng, tiểu nhiều lần… thì đồng nghĩa với việc công năng thận của bạn đang bị suy giảm nghiêm trọng.
Lúc này, bạn cần chú ý nghỉ ngơi điều độ, tiết chế chuyện phòng the, tích cực vận động, ngủ đủ giấc, đồng thời sử dụng các dược phẩm bổ thận đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ để đạt được kết quả tốt nhất.
*Theo Sina Health