PV: Tôi nghe người ta kháo nhau, trứng ung có tác dụng cường dương. Tin đồn này có đúng không, thưa ông?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Tin đồn này hoàn toàn có cơ sở khoa học. Nhưng trước tiên, chúng ta nên biết trứng ung là gì rồi mới nói tiếp được.
Trứng vịt đem ấp khoảng 7-9 ngày, thì sự phân hoá của phôi đã gần hoàn chỉnh. Các "mầm" chân mỏ đầu cổ mắt mũi, tim gan phèo phổi lông cánh… đã hình thành, nhưng chưa thấy được đâu, vì chỉ mới là mầm. Giai đoạn này có thể soi trứng để biết hột nào có cồ, hột nào không, phôi nào chết, phôi nào sống… Trứng loại ra ở giai đoạn này gọi là trứng ung.
Ở Âu Mỹ trứng bán ở siêu thị là trứng không thụ tinh, bảo quản không kỹ, trứng bị hư cũng gọi là trứng ung.
Như vậy trứng ung là trứng có phôi bị hư, hoặc là trứng không thụ tinh bị hư trong khoảng 8-9 ngày đầu kể từ khi ấp. Cả hai đều có ít hoặc nhiều mùi trứng ung.
(Ảnh minh họa)
PV: Trứng ung có mùi khó chịu, liệu có phải là do chất độc nào gây ra không?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Chất gây ra mùi trứng ung là khí sulfur hydrogen (H2S).
Lòng trắng trứng chỉ toàn là protein, lòng đỏ chứa nhiều dưỡng chất, nhưng đa số cũng là protein. Khi ấp trứng, một số trứng phát triển không bình thường, protein của trứng bị tác động bởi các vi khuẩn gây hư, bằm ngang chặt dọc protein vô kỷ luật, thành những mảnh nhỏ đủ kiểu.
Một trong những mảnh nhỏ đó là khí H2S, có mùi đặc trưng của trứng ung. Thời gian bằm chặt càng kéo dài khí H2S phát sinh càng nhiều, mùi trứng ung càng nồng, biến chất càng rõ.
PV: Nhưng đó là trứng đem ấp, còn trứng không có trống thì sao?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Trong quá trình tồn trữ trứng, có sự trao đổi nước và các chất khoáng giữa lòng trắng và lòng đỏ làm màng lòng đỏ bị yếu đi, sau cùng bị rách, lòng đỏ hoà vào lòng trắng.
Do đó, dù là trứng không thụ tinh bảo quản không tốt, nhất là để ở nhiệt độ cao khoảng trên 30 độ cũng gặp hiện tượng này, tức là protein bị bằm ngang chặt dọc vô kỷ luật, chứ chẳng riêng gì trứng ung do ấp.
PV: Vì sao trứng ung lại được cho rằng có tác dụng cường dương vậy thưa ông? Ý tôi muốn hỏi là chất gì trong trứng khiến người ta nghĩ thế?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Có lẽ là do khí trứng ung H2S, mà chắc là thế. Năm 2008, một nhóm khoa học gia Mỹ và Ý, nghiên cứu tác động của khí H2S trên chuột (đã gây mê), thì thấy H2S làm giãn cơ trơn dương vật ở chuột. Giãn cơ để máu dồn về là yếu tố cần thiết để cương cứng xảy ra.
PV: Đấy là mới thử trên chuột, nhưng chuột đâu phải là người…
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Đừng vội thở dài… Họ cũng thí nghiệm trên cái "của nợ" thứ thiệt ở người, và cho kết quả tương tự. Chỉ có điều là cái "của nợ" ấy là thứ vất đi của những người chuyển giới. Khoa học tiếc của, nhặt lấy làm thí nghiệm. Dĩ nhiên với thứ vô tri vô giác ấy chỉ được xem như nghiên cứu ở dạng in vitro (trong ống nghiệm), chứ không phải trên một con người sống động.
Thần dược Viagra dựa trên sự dồn máu của nitric oxide (NO). Công dụng giãn cơ giãn mạch của khí H2S cũng tương tự như khí nitric oxide. Cả hai chất này đều có trong cơ thể người, nhưng cơ chế hoạt động khác nhau. Cho đến nay khoa học vẫn chưa hiểu rõ 2 chất này phối hợp, tung hứng với nhau như thế nào để đạt tới lợi ích "thần thánh" đó.
(Ảnh minh họa)
PV: Đấy là phân tích theo khoa học. Còn cá nhân ông có nghĩ trứng ung có khí H2S có thể làm tăng bản lĩnh đàn ông?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Tôi chỉ nói là có cơ sở khoa học, chứ không nói trứng ung có hiệu quả. Chưa có nghiên cứu nào khẳng định hiệu quả của trứng ung có thể hoàn thành sứ mạng thần thánh đó cả. Muốn biết, bạn có thể thăm dò mấy bà hay mua trứng ung. Hỏi mấy bà chứ đừng hỏi mấy ông. Đàn ông thường hoang tưởng bên bàn rượu, tôi không tin.
PV: Đúng đấy. Mới hôm nọ, tôi đi chợ gặp một bà trông quý phái đi gom hết trứng ung ở chợ. Tôi thắc mắc bà ấy mua trứng ung về làm gì vì thời nay có ai nuôi lợn nữa đâu thì bà ấy bảo mua về cho... chồng ăn. Mà báo chí, cũng nói nhiều bà đến tận trại ấp trứng để đặt mua. Chắc tác dụng phải tốt nên quý bà mới đổ xô đi mua, ông nhỉ?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Các bài thuốc dân gian thường đi trước khoa học, nhất là những vấn đề "sung sướng" như thế này. Chẳng phải bên ta, mà bên Tây cũng thế.
Núi lửa cũng phát sinh khá nhiều khí H2S, chứ không chỉ có trứng ung. Cách nay vài năm, thiên ạ ùn ùn kéo nhau tới vùng núi lửa Solfatara ở Pozzuoli bên Ý, nơi thoang thoảng mùi khí H2S để du hí. Họ mướn chỗ đậu xe lộ thiên, có bạt che tứ bề, tự do hít thở mùi trứng ung, hưởng thụ ơn trời và mây mưa ngay trong xe..
Hiệu quả "cường dương" nhờ hít thở H2S hay ăn trứng ung chưa được khoa học xác nhận. Tuy nhiên, những người say mê ảo tưởng thì hiệu ứng giả dược (placebo) biết đâu lại công hiệu.
Hiện nay khoảng 1/3 đàn ông bị rối loạn cương dương không đáp ứng với thuốc viagra, thì việc phát triển một loại thuốc mới dựa trên sulfur hydrogen H2S, thay vì dựa trên nitric oxide là điều khoa học đang nghĩ đến. Còn ăn trứng ung có mối liên hệ đến cường dương vẫn chỉ là suy đoán thế thôi, chứ chưa có nghiên cứu trực tiếp từ việc ăn trứng ung.
(Ảnh minh họa)
PV: Ban nãy tôi có hỏi ông khí H2S có độc không, ông quên chưa trả lời. Đứng về khía cạnh vệ sinh an toàn thực phẩm, có nên ăn trứng ung không, thưa ông?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: H2S là khí độc, nhưng gây độc qua đường hô hấp, và phải ở nồng độ cao và tiếp xúc lâu dài. Những nơi sản xuất dầu hoả, lò than, khí đốt, nhà máy giấy, cống rãnh… thì ô nhiễm khí H2S bị kiểm soát chặt.
Khí H2S cũng phát sinh tự nhiên trong cơ thể người, nhất là ở ruột già, một phần bị oxýt hoá thành sulfate (vô hại), một phần thải ra qua đường trung tiện.
H2S trong trứng ung không phải là vấn đề đáng kể về an toàn, tôi muốn nói là ăn trứng ung, chứ không phải hít thở thường xuyên trứng ung. Hầu như không có trường hợp nào ngộ độc do H2S gây ra qua thực phẩm cả.
Thậm chí, hiện nay người ta còn đang nghiên cứu sử dụng H2S với liều lượng thích hợp để điều trị tiểu đường, đột quỵ, đau tim, mất trí nhớ…
PV: Ngoài khí H2S, còn chất độc nào trong trứng ung không?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Cần phân biệt 2 loại vi khuẩn: vi khuẩn gây hư và vi khuẩn gây bệnh. Trong trứng ung có cả 2 loại vi khuẩn này, và điều quan tâm chính là vi khuẩn gây bệnh.
Loại vi khuẩn gây bệnh rất dễ nhiễm vào trứng là salmonella, nhất là đối với trứng chưa thụ tinh bị ung, lòng đỏ lẫn với lòng trắng. Các cơ quan an toàn đều kiểm soát salmonella rất nghiêm ngặt với trứng, vì người dùng thường hay ăn trứng ốp la, hay nửa tái nửa chín.
Nhưng trứng ung hay hột vịt lộn thì không đáng ngại, vì phải luộc trứng. Luộc kỹ khoảng 15-20 phút, thì chẳng có con salmonella nào hy vọng sống sót cả.
Vi khuẩn gây hư lại làm cho thực phẩm trở nên có mùi khó ngửi, như mùi trứng ung chẳng hạn, rồi thì màu sắc, nhày nhớt cấu trúc (dai, dòn xốp,…), đều bị biến đổi, thấy là hết dám ăn, nhưng lại rất ít khi gây hại cho con người.
Điều lo ngại với trứng ung, đó là sự biến chất (degradation) của protein diễn biến phức tạp, có thể sinh ra độc chất trong quá trình phân rã protein, nếu trứng ung đế quá lâu, bốc mùi nồng nặc. Nhưng như thế nào là quá lâu để phát sinh độc chất gây hại, và hại tới đâu thì không dễ xác định.
Tuy nhiên sự biến chất do vi khuẩn gây hư cũng làm mức dinh dưỡng ít nhiều bị suy giảm.
PV: Nếu thế, không nên ăn trứng ung vì có thể có độc do biến chất phải không ông?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Ở Phi Luật Tân, trứng ung là món ăn rất phổ biến. Trứng ấp từ 9 đến 12 ngày mà phôi phát triển loạng quạng đều bị loại ra và gọi là penoy. Do tiêu thụ sớm, nên trứng ung (penoy) không có hoặc có rất ít mùi trứng thối, lòng trắng lòng đỏ có khi hoà vào nhau.
Khách du lịch phương Tây đến Phi, muốn thưởng thức đặc sản địa phương, không dám ăn hột vịt lộn (balut), thì xoay qua ăn trứng ung, thấy vị béo ngậy, nên về viết blog, viết facebook khen ngon.
Trong an toàn thực phẩm, rất dễ để trả lời "Không ăn được". Thà nói "Không", thì không ai để ý, dù chưa thấy ai bị ngộ độc cả. Nhưng nếu nói "Được", thì phạm húy an toàn thực phẩm, dễ bị quy chụp là xúi dại, dễ bị ném đá như chơi.
Do đó, cần phải sòng phẳng với trứng ung những điểm sau:
Đã có trường hợp nào ngộ độc do ăn trứng ung luộc chín chưa, kể cả ngộ độc cấp tính và mãn tính?
Với trứng ung sau 9-12 ngày ấp, như trứng penoy mà dân Phi Luật Tân thường ăn thì có sao không? Cho đến nay, tôi chưa tìm thấy bất cứ cảnh báo nào về ngộ độc do ăn penoy cả.
PV: Các loại mắm, mắm cá, mắm tôm, mắm cáy, nước mắm,…vẫn có sự biến chất của protein thì có ăn được không? Nói như ông có nghĩa là cứ yên tâm mà ăn trứng ung, đúng không ạ?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Thì bạn cứ tưởng tượng mình là dân Phi đang ăn vặt món penoy (cười..). Ăn vì thưởng thức vị ngon vị béo hay có mùi H2S nhè nhẹ của trứng 9-12 ngày thì chắc không sao. Còn mua cho người khác ăn để tìm "giấc mơ lãng mạn" thì lại là chuyện khác. Ép người ta ăn 3 - 4 trái trứng ung một lúc, thì cũng nên nhớ, trứng có nhiều cholesterol đấy.
PV: Nhân nói về kinh nghiệm dân gian, thì các cụ xưa cho rằng có 1 thứ nên kiêng để không ảnh hưởng đến sức mạnh giường chiếu, đó là rau răm. Mấy bà còn doạ cho chồng uống "sinh tố rau răm" nếu ông chồng vì sung sức quá mà đi lang chạ ở bên ngoài. Có thực rau răm gây yếu như xưa nay vẫn hiểu không thưa ông?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Rất ít công trình nghiên cứu về rau răm. Khoa học chỉ mới xác định rau răm có tính kháng khuẩn, kháng nấm, mà cũng chỉ mới nghiên cứu ở bước đầu thôi. Tuyệt đối không có gợi ý nào về bệnh xìu cả.
Rau răm được dùng như gia vị , tăng mùi, tăng vị cho món ăn chính. Các nước Đông Nam Á cũng dùng rất nhiều rau răm, nhưng chưa nước nào mắc khẩu nghiệp như Việt Nam, đổ cho rau răm cái tội ác ôn đó.
(Ảnh minh họa)
PV: Phải nói, ước mơ bổ thận, tráng dương của quý ông thật là không giới hạn. Họ không ngần ngại ăn uống bất cứ thứ gì để mong có tác dụng giường chiếu. Nghe nói, họ ăn cả tiết canh tôm hùm với hy vọng khoẻ như... hùm đấy. Ông có cho rằng tin đồn ăn cái tiết canh đó rồi như hùm là đúng không?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Không đúng. Chừng nào thấy mấy bà đi chợ mua tôm hùm không cần trả giá, tôi mới tin.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!