Trung tướng Trần Văn Vệ: Cục CSHS vẫn hỗ trợ Công an TP. HCM phá án

Hoàng Đan |

Theo Trung tướng Vệ, quan điểm chỉ đạo của Bộ Công an là phải điều tra, xử lý nghiêm minh các đối tượng đâm tử vong 2 "hiệp sĩ" và làm 3 người khác bị thương ở TP Hồ Chí Minh.

Sẽ xử lý nghiêm minh nhóm cướp sát hại "hiệp sĩ"

Sáng 17/5, Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, đơn vị đã cử lực lượng Cục Cảnh sát Hình sự (C45) tập trung, phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh vào cuộc điều tra, làm rõ.

Theo tướng Vệ, quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã nêu rõ, phải điều tra, xử lý nghiêm minh các đối tượng gây ra vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này để răn đe, phòng ngừa tội phạm.

Quyền Tổng Cục Cảnh sát thông tin thêm, hiện nay có một "phân viện của Cục Cảnh sát Hình sự phía Nam với hơn 30 cán bộ, chiến sĩ" vẫn thường xuyên phối hợp, hỗ trợ Công an TP Hồ Chí Minh phá các vụ án, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

Một số ý kiến nêu vì sao chưa tăng cường, hỗ trợ lực lượng cảnh sát cho TP Hồ Chí Minh trong việc bắt cướp, tướng Vệ cho hay, vấn đề này thuộc quyền của Bộ Công an quyết định nên ông không bình luận thêm.

Trung tướng Trần Văn Vệ: Cục CSHS vẫn hỗ trợ Công an TP. HCM phá án - Ảnh 1.

Hiện trường sự việc các "hiệp sĩ" bị nhóm cướp tấn công gây hậu quả nặng nề.

Cơ sở pháp lý cho các nhóm "hiệp sĩ" đang rất khó

Trao đổi với PV, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho biết, mô hình "hiệp sĩ" được thành lập ở một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương.

Tướng Hồng nhìn nhận, các tổ chức, nhóm "hiệp sĩ" trong chừng mực nào đó hoạt động có hiệu quả, nhưng để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động này là rất khó.

Ông nói, hiện nay, đã có quy định về lực lượng bảo vệ an ninh trật tự và hình thức liên quan đến phong trào bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.

Với mô hình "hiệp sĩ" nhiều khi mang tính tự phát, nên chưa có quy định chặt chẽ, đủ tầm để tổ chức đúng với vai trò, vị trí của họ.

Từ vụ việc 2 "hiệp sĩ" bị cướp đâm tử vong, theo ông, cần đặt ra vấn đề nghiên cứu rất kỹ sự tồn tại, hoạt động của các nhóm này.

Theo tướng Hồng, nếu để lực lượng "hiệp sĩ" hoạt động cần có quy định để hạn chế tính tự phát, bên cạnh đó, quản lý làm sao tránh bị lạm dụng và đảm bảo an toàn, tránh thiệt hại cho họ cũng như người xung quanh khi tham gia truy bắt tội phạm.

Về một số ý kiến đề nghị trang bị các phương tiện, công cụ hỗ trợ cho nhóm "hiệp sĩ", tướng Hồng cho rằng, trong Luật quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ vừa được Quốc hội thông qua, các "hiệp sĩ" không phải đối tượng được trang bị, do vậy, cần xem xét kỹ.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng nhìn nhận, hành động của các nhóm, đội "hiệp sĩ" hoàn toàn đúng và là nhân tố tích cực trong việc đấu tranh, chống tội phạm ở TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, hoạt động của họ đang theo kiểu "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", do đó, các cơ quan chức năng cần xem xét, hỗ trợ để giúp họ làm đúng pháp luật hỗ trợ người dân cũng như bảo vệ an toàn tính mạng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại