Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động có những điều đặc biệt như bổ sung Không cảnh, Thủy cảnh giúp lực lượng này hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh Quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.
Trung tướng Phạm Quốc Cương, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an đã có trao đổi với chúng tôi về những điểm quan trọng này.
- Được biết Bộ Công an vừa hoàn thiện xin ý kiến các Bộ, ban ngành về Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động và dự kiến trong tháng 06/2021 sẽ báo cáo Chính phủ, xin Trung tướng cho biết vì sao lại có đề xuất xây dựng Luật này?
Trung tướng Phạm Quốc Cương, Anh hùng Lực lượng VTND, Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an: Như bạn đã biết, ngày 23/12/2013, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 đã thông qua Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để lực lượng Công an nhân dân nói chung và Cảnh sát cơ động nói riêng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, trong đó Cảnh sát cơ động đã phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt áp dụng biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là triển khai thực hiện phương án tác chiến xử lý kịp thời các hoạt động gây phương hại đến an ninh trật tự, bạo loạn, khủng bố, biểu tình trái pháp luật; trấn áp tội phạm có sử dụng vũ khí, đấu tranh triệt phá các băng, ổ nhóm tội phạm có tổ chức; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội; các sự kiện trọng đại của đất nước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, tình hình chính trị thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo, khủng bố quốc tế, biểu tình, bạo loạn; các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia... ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, trật tự tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Vì vậy, nhiệm vụ đối với Cảnh sát cơ động ngày một nặng nề hơn, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có Luật để tạo hành lang pháp lý đủ mạnh cho tổ chức hoạt động của lực lượng Cảnh sát cơ động trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh Quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Ngoài ra, hiện nay, Pháp lệnh Cảnh sát cơ động đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần được khắc phục, để đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng Cảnh sát cơ động tiến thẳng lên hiện đại. Trên cơ sở đó, Bộ Công an đã lập hồ sơ đề nghị và được Chính phủ, Quốc hội ban hành nghị quyết về việc xây dựng dự án Luật Cảnh sát cơ động.
- Một điểm mới đáng chú ý trong Dự thảo Luật CSCĐ lần này, Bộ Công an có đề xuất bổ sung thêm lực lượng Không cảnh, Thuỷ cảnh vào cơ cấu các lực lượng thuộc Cảnh sát cơ động, vậy vì sao phải bổ sung thêm lực lượng này và lực lượng này sẽ làm nhiệm vụ gì?
Trung tướng Phạm Quốc Cương: Có nhiều cơ sở để đề xuất bổ sung lực lượng này vào cơ cấu tổ chức của Cảnh sát cơ động. Nhưng quan trọng nhất đó là chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11, 12, 13, phần về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong đó đã xác định, Cảnh sát cơ động là một trong các lực lượng thuộc Công an nhân dân được ưu tiên đầu tư tiến thẳng lên hiện đại. Do đó, việc bổ sung lực lượng Không cảnh, Thủy cảnh vào cơ cấu các lực lượng thuộc Cảnh sát cơ động cũng là thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, đồng thời đây là căn cứ pháp lý để xây dựng các lực lượng chuyên trách trong từng lĩnh vực hoạt động gắn với yêu cầu thực tiễn trong thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động.
Ngoài ra, theo quy định của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh có nêu rõ, Cảnh sát cơ động được trang bị các loại phương tiện cơ giới đường không, đường thủy phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự.
Từ các cơ sở trên, Bộ Công an đã thành lập các đơn vị Không cảnh, Thủy cảnh thuộc Cảnh sát cơ động. Trong đó, đơn vị Không cảnh có quyết định thành lập vào năm 2019 và giao cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động trực tiếp quản lý, huấn luyện và sử dụng.
Về nhiệm vụ, có thể hiểu lực lượng Không cảnh, Thủy cảnh là đơn vị Cảnh sát cơ động sử dụng trang bị, phương tiện cơ giới đường không, trang bị, phương tiện cơ giới đường thủy để thực hiện nhiệm vụ vận chuyển cán bộ, chiến sỹ, vũ khí, trang bị, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm trong tình huống đột xuất ở các địa hình mà các phương tiện khác không thể tiếp cận được, như tại địa hình khó khăn, hiểm trở, thiên tai, bão lũ giao thông bị chia cắt… Mặt khác, trước tình hình các tổ chức khủng bố, tội phạm trên thế giới ngày càng có nhiều phương thức, thủ đoạn mới, sử dụng, trang bị thiết bị hiện đại, đòi hỏi lực lượng thực thi pháp luật, trong đó Cảnh sát cơ động phải được trang bị hiện đại để tác chiến kịp thời.
Không cảnh, Thuỷ cảnh với trang bị tàu bay, tàu thuỷ sẽ làm nhiệm vụ tuần tra, thị sát, trinh sát, cơ động chiến đấu, phòng chống tội phạm khủng bố, giải cứu con tin, cứu nạn, cứu hộ… trong trường hợp cấp bách nhất mà các phương tiện khác không thể ứng phó nhanh được. Trên thế giới, các lực lượng đặc nhiệm, cảnh sát tại nhiều nước đã được trang bị máy bay để thực hiện nhiệm vụ rất kịp thời và hiệu quả.
Trong dự thảo lần đầu, Bộ Công an có để tên lực lượng Không cảnh, Thuỷ cảnh là lực lượng Không quân, Thuỷ quân, vậy tại sao trong dự thảo lần 2, tên gọi của lực lượng này lại có sự thay đổi thưa Trung tướng?
Trung tướng Phạm Quốc Cương: Việc điều chỉnh tên gọi nêu trên để đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát cơ động nói chung; cũng như chức năng, nhiệm vụ riêng của các đơn vị này theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an. Vì vậy, trong quá trình xây dựng Luật Cảnh sát cơ động, chúng tôi đã đề xuất thay đổi tên gọi là lực lượng Không cảnh, Thủy cảnh và tên gọi này cũng để tránh sự trùng dẫm về tên gọi của các lực lượng Không quân, Hải quân thuộc Bộ Quốc phòng.
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam thuộc Bộ Quốc Phòng làm nhiệm vụ trên biển, trong tương lai lực lượng Cảnh sát cơ động, Bộ Công an cũng sẽ được trang bị tàu thủy để làm các nhiệm vụ tác chiến đặc biệt.
- Vậy trong tương lai, Cảnh sát cơ động Không cảnh sẽ đảm nhiệm các nhiệm vụ sử dụng máy bay để chiến đấu trực tiếp hay phải cần sự hỗ trợ từ Bộ Quốc phòng?
Trung tướng Phạm Quốc Cương: Trước mắt về công tác đào tạo phi công và cán bộ chuyên môn cho đơn vị Không cảnh, Bộ Công an đã đề nghị với Bộ Quốc phòng tuyển chọn một số cán bộ có chuyên môn đang công tác ở Bộ Quốc phòng chuyển sang và giữ vai trò nòng cốt ở đơn vị Không cảnh Công an nhân dân.
Tiếp sau đó, sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng tuyển chọn và đào tạo cán bộ của lực lượng Công an nhân dân phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị Không cảnh. Sau khi cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát cơ động được đào tạo bài bản, làm chủ được máy bay, đơn vị Không cảnh sẽ tự chủ trong việc quản lý, điều hành bay phục vụ công tác và chiến đấu.
Hiện nay, Bộ Công an đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương về Dự án Quản lý, sử dụng máy bay trực thăng của lực lượng Công an nhân dân. Trong đó, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu với Bộ Công an triển khai dự án đảm bảo đúng lộ trình để đơn vị Không cảnh sớm đi vào hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Được biết hiện nay các tình huống đánh bắt khủng bố, giải cứu con tin trên máy bay được lực lượng Đặc nhiệm huấn luyện trong máy bay mô hình, vậy trong thời gian tới các bài tập này có được nâng cao để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới?
Trung tướng Phạm Quốc Cương: Đối với Cảnh sát cơ động nói chung và Cảnh sát đặc nhiệm nói riêng thì công tác huấn luyện giữ vai trò quyết định đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị, thời gian huấn luyện thường chiếm khoảng 80% quỹ thời gian trong năm của các đơn vị.
Đối với lực lượng đặc nhiệm thuộc Cảnh sát cơ động, đây là lực lượng được huấn luyện tinh nhuệ trong các điều kiện khắc nghiệt, trang bị hiện đại để thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt như tác chiến chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp tội phạm nguy hiểm có sử dụng vũ khí nóng. Có thể nói đây là "quả đấm thép" của lực lượng Công an nhân dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm.
Trực thăng của lực lượng Không quân Việt Nam thuộc Bộ Quốc phòng trong một lần diễn tập ở Tp Hà Nội, trong tương lai lực lượng Cảnh sát cơ động cũng sẽ được trang bị loại phương tiện này để chiến đấu, làm nhiệm vụ đặc biệt.
Đối với công tác huấn luyện tình huống đánh bắt khủng bố, giải cứu con tin trên máy bay, đây mới là một bài tập chiến thuật của lực lượng đặc nhiệm, ngoài ra lực lượng này còn được huấn luyện kỹ năng chiến đấu đánh bắt khủng bố, giải cứu trên nhiều loại địa hình, địa bàn cũng như nhiều loại phương tiện khác nhau (tàu bay, tàu thủy, ôtô…) để cán bộ chiến sĩ có sức khỏe bền bỉ, dẻo dai, kỹ năng chiến đấu thành thục, điêu luyện sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ khi có mệnh lệnh.
Đồng thời, các bài tập tình huống của lực lượng đặc nhiệm cũng thường xuyên được nghiên cứu điều chỉnh, thay đổi, cập nhật đưa vào huấn luyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sát với thực tế chiến đấu.
- Vậy quá trình xây dựng lực lượng Không cảnh Bộ Công an đã tính đến loại máy bay nào, cần những tính năng gì, giá thành ra sao thưa Trung tướng?
Trung tướng Phạm Quốc Cương: Hiện nay trên thế giới đã có rất nhiều quốc gia đã trang bị trực thăng cho cảnh sát để làm nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, cứu nạn, cứu hộ với nhiều chủng loại khác nhau. Loại máy bay mà Bộ Công an hướng tới để trang bị cho lực lượng Không cảnh cũng sẽ phải là loại hiện đại và trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo nhiều nguồn khác nhau như các loại máy bay truyền thống của Nga hoặc của Mỹ, các nước châu Âu… Mỗi loại máy bay có các tính năng khác nhau, thông số kỹ thuật khác nhau và phù hợp với các điều kiện, hoàn cảnh khác nhau.
Trên cơ sở tham khảo chúng tôi sẽ tính toán lựa chọn loại máy bay trực thăng nào phù hợp nhất, giá thành tốt nhất và đặc biệt đảm bảo phù hợp với điều kiện khí hậu, tác chiến, khai thác sử dụng bảo trì, bảo dưỡng của Cảnh sát cơ động Việt Nam. Còn về việc khi nào mua, mua như thế nào thì thực hiện theo lộ trình của Dự án đã được Chính phủ phê duyệt và đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Thời gian qua lực lượng Cảnh sát cơ động được trang bị nhiều loại phương tiện hiện đại và cảnh sát cơ động đặc nhiệm đã thuần thục các bài huấn luyện chống khủng bố, đánh bắt tội phạm, giải cứu con tin.
- Thưa Trung tướng, vì sao Dự thảo Luật bổ sung thêm quyền cho Cảnh sát cơ động như được mang vũ khí lên tàu bay, tàu thủy, được ngăn chặn thiết bị bay không người lái gây nguy hiểm đến người đang làm nhiệm vụ?
Trung tướng Phạm Quốc Cương: Một trong những nhiệm vụ quan trọng của lực lượng Cảnh sát cơ động đó là tác chiến chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp các loại tội phạm nguy hiểm có sử dụng vũ khí; vũ trang bảo vệ các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao, khoa học-kỹ thuật; các hội nghị, sự kiện quan trọng của đất nước...
Do đó, việc giao thẩm quyền cho Cảnh sát cơ động được mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay, tàu thủy nhằm tạo cơ sở pháp lý cho Cảnh sát cơ động triển khai các loại vũ khí, trang bị để kịp thời tác chiến khi có tình huống khủng bố xảy ra.
Đối với thẩm quyền ngăn chặn, vô hiệu hóa các phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác chỉ trong trường hợp các phương tiện này tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác và các mục tiêu bảo vệ. Còn các trường hợp khác sẽ do các lực lượng chức năng khác đảm nhiệm theo quy định của pháp luật.
- Việc tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên đường và quyền huy động, trưng dụng phương tiện của CSCĐ trong dự Luật có điểm gì khác biệt so với hiện hành, thưa Trung tướng?
Trung tướng Phạm Quốc Cương: Tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động đã được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và Pháp lệnh Cảnh sát cơ động. Tại dự thảo Luật Cảnh sát cơ động lần này, về cơ bản các quy định về việc tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát cơ động vẫn như hiện tại; tuy nhiên đã có sự điều chỉnh về kỹ thuật lập pháp đó là tuần tra vũ trang. Sự điều chỉnh này nhằm thể hiện rõ tính đặc thù của Cảnh sát cơ động và phân biệt rõ nhiệm vụ trong tuần tra, kiểm soát đối với các lực lượng khác như: Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự…
Lực lượng Cảnh sát cơ động trong một lần diễu hành, xuất quân, bảo vệ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 hồi đầu năm 2021.
Đối với việc huy động người, phương tiện, thiết bị, tại dự thảo Luật đã quy định cụ thể các trường hợp cấp bách Cảnh sát cơ động được huy động đó là: để ngăn chặn, xử lý hoạt động phá rối an ninh, bạo loạn, khủng bố, bắt cóc con tin; trấn áp tội phạm có sử dụng vũ khí; giải tán các vụ tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự, biểu tình trái pháp luật; đuổi bắt người và phương tiện vi phạm pháp luật, cấp cứu người bị nạn; chống dịch bệnh nghiêm trọng.
Sau khi huy động người, phương tiện, Cảnh sát cơ động cũng phải có trách nhiệm hoàn trả phương tiện, thiết bị sau khi trường hợp cấp bách chấm dứt cũng như chế độ, chính sách đối với người được huy động, trách nhiệm đền bù trong trường hợp phương tiện, thiết bị được huy động bị hư hỏng, mất mát.
Các quy định về việc huy động của Cảnh sát cơ động rất chặt chẽ, theo đúng chức năng, nhiệm vụ, đồng thời đảm bảo tính thống nhất với văn bản pháp luật có liên quan, tính minh bạch, công khai, tránh trường hợp lạm quyền của Cảnh sát cơ động.
- Ngoài Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh vừa được biên chế, Bộ Tư lệnh có đề xuất loại động vật nghiệp vụ nào nữa để đào tạo, huấn luyện phục vụ quá trình chiến đấu hay không?
Trung tướng Phạm Quốc Cương: Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay trên thế giới động vật nghiệp vụ được lực lượng thực thi pháp luật các nước sử dụng rộng rãi với nhiều loại khác nhau, trong đó phổ biến nhất là chó và ngựa… phục vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm rất hiệu quả.
Tại Việt Nam, động vật nghiệp vụ chủ yếu là chó nghiệp vụ đã được đã được các lực lượng Công an, Quân đội, Hải quan... sử dụng với chức năng là loại công cụ hỗ trợ đặc biệt phục vụ cho các hoạt động nghiệp vụ, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, đấu tranh truy bắt tội phạm, phát hiện mua túy, truy vết, hỗ trợ tuần tra, kiểm soát.
Đối với Cảnh sát cơ động, lực lượng huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ đã có quá trình hơn 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng này đã có nhiều đóng góp tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Hiện nay, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đang quản lý, huấn luyện và sử dụng 02 loại động vật nghiệp vụ là chó nghiệp vụ và ngựa nghiệp vụ rất hiệu quả.
Trong thời gian tới, căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh Quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nếu cần thiết phải bổ sung thêm loại động vật nghiệp vụ mới thì Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động sẽ nghiên cứu, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an quyết định.
Lần đầu dự thảo Luật đề cập tới việc hợp tác quốc tế của CSCĐ, vì sao lại có đề xuất này thưa ông?
Trung tướng Phạm Quốc Cương: Hợp tác quốc tế là một trong những nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động đã được quy định tại Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, thực tế trong nhiều năm qua, lực lượng Cảnh sát cơ động đã hợp tác với các lực lượng chức năng của một số nước như Nga, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc ...v.v.
Tuy nhiên, trước bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các vấn đề an ninh mang tính toàn cầu như khủng bố, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao… tác động đến hầu hết các quốc gia. Do đó, việc tăng cường hợp tác giữa các quốc gia nói chung, trong đó có hợp tác của lực lượng thực thi pháp luật các nước là yêu cầu mang tính tất yếu.
Tại dự thảo Luật, đã quy định nguyên tắc và nội dung hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động như: Trao đổi thông tin trong thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động; phối hợp phòng, chống tội phạm khủng bố, bắt cóc con tin, chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia và các hành vi vi phạm pháp luật khác; phối hợp tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; hỗ trợ, chuyển giao trang bị, phương tiện, khoa học và công nghệ tăng cường năng lực của Cảnh sát cơ động…
Các quy định này nhằm tạo ra hành lang pháp lý cho Cảnh sát cơ động trong việc thực hiện hợp tác quốc tế với lực lượng thực thi pháp luật các nước trên thế giới sâu rộng và hiệu quả hơn.
Cùng Luật CSCĐ, Đề án xây dựng lực lượng CSCĐ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, vậy ông có thể cho biết, trong 10 năm tới lực lượng CSCĐ sẽ như thế nào?
Trung tướng Phạm Quốc Cương: Xây dựng Cảnh sát cơ động chính quy, tinh nhuệ, hiện đại là chủ trương của Đảng, Nhà nước nhằm tăng cường sức mạnh, khả năng sẵn sàng chiến đấu của Cảnh sát cơ động đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với công tác bảo vệ an ninh Quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, theo phương châm "xây dựng Cảnh sát cơ động chính quy là động lực, nâng cao trình độ tinh nhuệ về tác chiến là then chốt và hiện đại hóa vũ khí trang bị kỹ thuật là trọng tâm".
Nếu nói đến 10 năm tới, với những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước theo định hướng của Đảng, Nhà nước thì không chỉ riêng lực lượng Cảnh sát cơ động, mà lực lượng CAND sẽ được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Theo đó, có thể hình dung lực lượng Cảnh sát cơ động sẽ được kiện toàn tổ chức, biên chế từ Trung ương đến địa phương, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động được giáo dục và rèn luyện toàn diện cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tác phong, năng lực, trình độ pháp luật và nghiệp vụ; có ý chí chiến đấu cao, có năng lực chỉ huy và tác chiến trong mọi điều kiện, hoàn cảnh nhiệm vụ đặt ra.
Bên cạnh đó, chắc chắn lực lượng CSCĐ sẽ được Nhà nước đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống doanh trại, thao trường, bãi tập cũng như được đầu tư các trang thiết bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện chiến đấu hiện đại ngang tầm khu vực và trên thế giới để Cảnh sát cơ động huấn luyện làm chủ, phát huy tốt uy lực cao nhất nhằm đảm bảo tính cơ động nhanh, chiến đấu hiệu quả, thích ứng với mọi loại địa hình, địa vật và các tình huống.
Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư Lệnh Cảnh sát cơ động (ở giữa) đang báo cáo về công tác huấn luyện của Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ Binh sau một năm thuần hóa với lãnh đạo Bộ Công an tại Tp Sông Công, tỉnh Thái Nguyên.
- Việc cấm cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động có hành vi sách nhiễu, gây khó khăn đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong khi thi hành nhiệm vụ được hiểu như thế nào? Trường hợp người dân phát hiện Cảnh sát sách nhiễu phản ánh ở đâu?
Trung tướng Phạm Quốc Cương: Xuất phát từ quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhiều hoạt động của Cảnh sát cơ động tác động trực tiếp đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do đó, dự thảo luật quy định nghiêm cấm cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động có hành vi sách nhiễu. Hành vi sách nhiễu đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân được hiểu là khi thi hành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động có hành vi gây khó khăn, phiền hà vì mục đích cá nhân.
Việc quy định như vậy ngoài cấm các hành vi vi phạm của cán bộ, chiến sỹ mà còn để nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động chống chủ nghĩa cá nhân, tránh xa những biểu hiện lệch lạc, sai trái, xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát cơ động trung với nước, hiếu với dân, được Nhân dân tin yêu, quý trọng.
Trường hợp người dân phát hiện Cảnh sát sách nhiễu có thể phản ánh ở bộ phận tiếp dân của các cơ quan Công an gần nhất.
- Với việc xây dựng Luật CSCĐ, Bộ Công an mong đợi gì ở lực lượng CSCĐ trong thời gian tới?
Trung tướng Phạm Quốc Cương: Việc xây dựng Luật Cảnh sát cơ động là một bước quan trọng để thể chế hóa chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh nói chung; pháp luật về tổ chức, hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân nói riêng nhằm xây dựng vững chắc nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân.
Việc Luật Cảnh sát cơ động nếu được thông qua, chúng tôi kỳ vọng sẽ được tháo gỡ những khó khăn, bất cập của pháp luật hiện hành về quyền thực thi nhiệm vụ của cảnh sát cơ động và sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc để Cảnh sát cơ động thực hiện tốt chức năng là lực lượng chuyên trách, nòng cốt trong thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh Quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Đặc biệt, việc luật hóa các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động đảm bảo phù hợp với yêu cầu của Hiến pháp; quy định cụ thể việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phù hợp với đặc thù của lực lượng; quy định nguyên tắc, nội dung, cơ chế chỉ huy trong phối hợp của Cảnh sát cơ động với các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương; hợp tác quốc tế của Cảnh sát động; bảo đảm điều kiện cho hoạt động của Cảnh sát cơ động…
Đồng thời, với việc Quốc hội ban hành Luật Cảnh sát cơ động sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc an ninh Quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập và đối ngoại của đất nước.