Tướng Bùi Văn Thành đã ưu ái cho Vũ "nhôm" như thế nào?
Theo kết luận của Bộ Chính trị, Trung tướng Bùi Văn Thành, với cương vị Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an trực tiếp phụ trách Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, nguyên Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng uỷ Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật.
Cá nhân Trung tướng Thành đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm tại Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật.
Tướng Thành vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước và Quy chế làm việc của Bộ Công an, ký văn bản của Bộ Công an đề xuất bán chỉ định một số cơ sở nhà, đất an ninh không đúng quy định pháp luật; ký một số văn bản không thuộc trách nhiệm được phân công.
Bên cạnh đó, theo kết luận của Bộ Chính trị, Trung tướng Bùi Văn Thành đã tự ý ký quyết định cho Phan Văn Anh Vũ tham gia đoàn đi nước ngoài và đề nghị cấp hộ chiếu ngoại giao cho Phan Văn Anh Vũ không đúng đối tượng, không đúng tiêu chuẩn.
Từ các vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng, Bộ Chính trị đã quyết định cách hết các chức vụ trong Đảng đối với Trung tướng Bùi Văn Thành và giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính, giáng cấp bậc hàm đối với Trung tướng Thành.
Cùng với Trung tướng Bùi Văn Thành, Bộ Chính trị cũng xác định rõ các vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng của Thượng tướng Trần Việt Tân, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an.
Bộ Chính trị quyết định cách chức vụ trong Đảng và giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính, giáng cấp bậc hàm đối với Thượng tướng Tân.
Thẩm quyền giáng cấp với tướng Thành, tướng Tân
Trả lời về thẩm quyền giáng cấp bậc hàm đối với Trung tướng Bùi Văn Thành và Thượng tướng Trần Việt Tân, ông Bùi Văn Xuyền (Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho hay, theo Hiến pháp 1992 và Luật Công an nhân dân cũ, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền phong, thăng cấp sĩ quan cấp Thiếu tướng, Trung tướng, còn cấp Thượng tướng, Đại tướng là do Chủ tịch nước phong.
Tuy nhiên, Hiến pháp năm 2013 quy định, Chủ tịch nước quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng. Tại Luật Công an nhân dân năm 2014 nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng. Chủ tịch nước phong, thăng cấp bậc hàm cấp tướng đối với sĩ quan Công an nhân dân.
Ngoài ra, Luật Công an nhân dân ghi rõ, người có thẩm quyền phong, thăng cấp bậc hàm nào thì có thẩm quyền tước, giáng cấp bậc hàm đó; mỗi lần chỉ được thăng, giáng một cấp bậc hàm, trừ trường hợp đặc biệt mới xét thăng, giáng nhiều cấp bậc hàm.
Như vậy, theo quy định của Hiến pháp và Luật Công an nhân dân, đối với hai trường hợp của Trung tướng Bùi Văn Thành, Thượng tướng Trần Việt Tân, việc giáng cấp bậc hàm sẽ do Chủ tịch nước quyết định trên cơ sở tờ trình của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, ông Xuyền nêu rõ, theo Hiến pháp, Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thứ trưởng, chức vụ tương đương thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Còn Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Công an nhân dân 2014 quy định: Thủ tướng là người bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng trong Công an nhân dân.
Về trường hợp của Trung tướng Bùi Văn Thành, ông hiện đã bị cách hết tất cả các chức vụ trong Đảng, hiện ông còn chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an. Bộ Chính trị đã giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính với tướng Thành.
Đối với Thượng tướng Trần Việt Tân, dù là đã về hưu nhưng cũng bị Bộ Chính trị cách chức trong Đảng và giao Ban cán sự Đảng Chính phủ tiếp tục bị xem xét xử lý về hành chính.
Trước đó, năm 2014, Trung tướng Bùi Văn Thành được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công an, ông được Chủ tịch nước thăng cấp hàm từ Thiếu tướng lên Trung tướng.
Còn năm 2011, Thượng tướng Trần Việt Tân được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công an và năm 2013 được Chủ tịch nước thăng cấp hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng. Năm 2016 ông Tân nghỉ hưu.
Trước đó, theo Bộ Công an, Phan Văn Anh Vũ tức (Vũ "nhôm") đã vi phạm pháp luật Việt Nam và bỏ trốn tại nơi cư trú.
Ngày 21/12/2017, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra Quyết định truy nã đối với Phan Văn Anh Vũ; khi bỏ trốn Phan Văn Anh Vũ đã vi phạm Luật Di trú của Singapore và bị trục xuất.
Ngày 4/1/2018, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiến hành tiếp nhận bắt bị can Phan Văn Anh Vũ và tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến vụ án "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước", "Trốn thuế", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm"), ngày 17/4/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phan Hữu Tuấn (SN 1955, trú tại quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục 5, Bộ Công an, đã nghỉ hưu) về hành vi "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước" quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cùng với đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Hữu Bách, cán bộ Bộ Công an, sinh năm 1963, trú tại quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, về hành vi "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước" quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo kế hoạch, ngày 30-31/7, TAND Hà Nội dự kiến mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án "cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước" với bị can Phan Văn Anh Vũ và các đồng phạm.
Theo cơ quan điều tra, ông Vũ "nhôm" còn là bị can tại một số vụ án khác, trong đó có vụ án sai phạm mua bán nhà đất công sản tại Đà Nẵng và nhiều địa phương.
Khi mở rộng điều tra vụ án này, Bộ Công an đã khởi tố bị can với ông Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng giai đoạn năm 2006-2011), Văn Hữu Chiến (cựu Chủ tịch UBND Đà Nẵng năm 2011-2014) cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai, theo điều 219 và 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.