Trung Quốc xuất xưởng siêu tàu khoan sâu 11.000m: Tận thu 'vàng trắng' bị phân tử nước nhốt lại?

Trang Ly |

"Giấc mơ" của Trung Quốc đang tìm kiếm thứ gì ở đại dương?

Ngày 20/12, Maritime-executive thông tin, Trung Quốc vừa tổ chức buổi lễ đặt tên và khánh thành tàu khoan siêu sâu mang tên Meng Xiang (Giấc mơ) nhằm phục vụ việc khoan dầu khí và thăm dò khoa học.

Thực chất, theo SCMP, tàu khoan siêu sâu tân tiến nhất thế giới Meng Xiang sẽ phục vụ sứ mệnh mang tính đột phá nhằm khai thác “băng cháy” giàu năng lượng từ đáy đại dương cho Trung Quốc.

Tàu khoan siêu sâu "made in China" - có khả năng đạt tới độ sâu 11.000 mét, tương đương chiều sâu của rãnh Mariana sâu nhất trên hành tinh - có thể biến những tính toán của Bắc Kinh thành hiện thực.

Trung Quốc xuất xưởng siêu tàu khoan sâu 11.000m: Tận thu 'vàng trắng' bị phân tử nước nhốt lại?- Ảnh 1.

Buổi lễ khánh thành tàu khoan siêu sâu Meng Xiang tại xưởng đóng tàu Huangpu Wenchong ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: QIU HAIJIE/FOR CHINA DAILY

China Daily cho biết, tàu có lượng giãn nước 33.000 tấn, dài 179,8 mét, rộng 32,8 mét, tầm hoạt động 15.000 hải lý (27.780 km) và hoạt động trong 120 ngày liên tục mà không cần quay lại cảng. Tàu có khả năng chống chịu siêu bão cấp 16 có tốc độ gió 53 mét/giây.

Tân Hoa Xã dẫn các nguồn tin cho biết, với khả năng khoan biển hàng đầu thế giới, Meng Xiang sẽ khoan xuyên qua lớp vỏ Trái đất và vào lớp phủ phía trên, góp phần thăm dò và khai thác tài nguyên năng lượng biển, an ninh năng lượng quốc gia và xây dựng năng lượng hàng hải.

Băng cháy là gì?

Sự quan tâm của Trung Quốc đối với băng cháy đã tăng lên kể từ đợt khai thác thử nghiệm thành công kéo dài 60 ngày vào năm 2017 và cuộc thử nghiệm đầy hứa hẹn vào năm 2020. Vậy nguồn năng lượng này là gì mà có thể có khả năng thay thế than?

Trung Quốc xuất xưởng siêu tàu khoan sâu 11.000m: Tận thu 'vàng trắng' bị phân tử nước nhốt lại?- Ảnh 2.

Hình minh họa về băng cháy. Ảnh: Internet

Băng cháy được phát hiện lần đầu tiên ở Liên Xô vào những năm 1960. Nó trông giống như băng, đúng như tên gọi của nó, nhưng khi nhiệt độ tăng lên hoặc áp suất giảm xuống, nó sẽ phân hủy thành nước và khí tự nhiên.

Phó giáo sư Praveen Linga từ Khoa Hóa học và Kỹ thuật phân tử sinh học tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết: “Băng cháy trông giống như các tinh thể băng nhưng nếu bạn phóng to ở cấp độ phân tử, bạn sẽ thấy các phân tử metan bị các phân tử nước nhốt lại”.

Theo các nhà khoa học, băng cháy được tạo ra bởi sự bài tiết của vi khuẩn sống ở những nơi khó hỗ trợ sự sống như vùng vực thẳm hoặc vùng đất đóng băng vĩnh cửu (mặt đất đóng băng vĩnh viễn).

Cấu trúc này ổn định ở nhiệt độ rất thấp và áp suất rất cao. Trong điều kiện nhiệt độ và áp suất bình thường, nó phân hủy, giải phóng khí metan, khí tự nhiên thông thường và nước. Một mét khối băng cháy tương đương với không dưới 164 mét khối khí đốt tự nhiên.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, cho đến nay băng cháy là nguồn hydrocarbon dồi dào nhất trên thế giới.

Hiện nay, Trung Quốc và Nhật Bản, hai quốc gia có mức tiêu thụ năng lượng cao và trữ lượng hydrocarbon khan hiếm, là những quốc gia quan tâm nhất đến việc phát triển tiềm năng sử dụng thương mại cho nguồn băng cháy.

Các quốc gia dẫn đầu khác trong việc thăm dò băng cháy là Ấn Độ và Hàn Quốc, những nước cũng không có trữ lượng dầu mỏ riêng. Trong khi Mỹ và Canada cũng đang hoạt động trong lĩnh vực này, họ đã tập trung thăm dò khí metan hydrat dưới lớp băng vĩnh cửu ở cực bắc Alaska và Canada.

Trở ngại lớn nhất

Trong khi khí hydrat được coi là nhiên liệu tiềm năng trong tương lai do sự phong phú và cường độ năng lượng của nó, những lo ngại về môi trường đã được đặt ra.

Theo các nhà khoa học, nếu quá trình khai thác không được thực hiện bằng công nghệ khai thác tiên tiến có thể dẫn đến rò rỉ khí nhà kính gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với hiện tượng nóng lên toàn cầu, vì loại khí này có tác động tiềm tàng đến biến đổi khí hậu cao hơn nhiều so với CO2. Chưa hết, metan còn làm tăng độ axit của đại dương, đe dọa sinh vật biển.

Khí metan rất dễ nổ nên việc khai thác có thể gây ra rủi ro lớn. Một vụ tràn khí metan hàng loạt dưới đáy biển có thể gây thảm họa cho môi trường. Đây là trở ngại lớn nhất cho quá trình khai thác băng cháy dưới đáy biển.

Trung Quốc đặt mục tiêu đạt mức phát thải carbon cao nhất vào năm 2030 và đạt mức trung hòa carbon vào năm 2060.

Vì mục tiêu đầy tham vọng này nên Trung Quốc đang tìm nhiều cách để thực hiện.

Tham khảo: CGTN, China Daily

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại