Ảnh minh họa
Xuất khẩu của Trung Quốc đã sụt giảm nghiêm trọng trong tháng 6 với tốc độ nhanh nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát cách đây 3 năm. Nguyên nhân là bởi nền kinh tế toàn cầu suy yếu gây áp lực ngày càng lớn đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc.
Dữ liệu từ Cục Hải quan Trung Quốc cho biết các chuyến hàng xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 12,4% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái sau khi giảm 7,5% trong tháng 5. Sau khi có dấu hiệu khởi sắc trong quý đầu tiên, đà phục hồi của nền kinh tế quốc gia này đã có dấu hiệu chậm lại. Các nhà phân tích hiện cũng đang hạ dự báo của họ về nền kinh tế trong nửa cuối năm 2023.
Nền kinh tế Trung Quốc có tác động mạnh đến nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó bao gồm mặt hàng sắt thép. Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2023, Việt Nam đã xuất khẩu 1.006.491 tấn sắt thép các loại, đạt trị giá hơn 813 triệu USD, giảm 11,2% về lượng và giảm 12,6% so với tháng 5/2023.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu sắt thép các loại của cả nước đạt hơn 5,3 triệu tấn, tương ứng với kim ngạch hơn 4,25 tỷ USD, tăng 12,2% về lượng tuy nhiên giảm 14,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, xuất khẩu sắt thép sang Trung Quốc có một cú giảm sâu trong nửa đầu năm 2023. Cụ thể trong tháng 6, xuất khẩu sắt thép các loại sang Trung Quốc chỉ đạt 478 tấn, tương ứng với kim ngạch 496.296 USD, tăng 104% về lượng và tăng 58% về trị giá so với tháng 6/2022.
Mặc dù tăng trong tháng 6 tuy nhiên tính chung trong nửa đầu năm, xuất khẩu sắt thép các loại sang Trung Quốc đạt 3.014 tấn, tương ứng với kim ngạch hơn 4,6 triệu USD, giảm mạnh 1.583% về lượng và giảm 629% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trong cả năm 2022, Trung Quốc đã chi hơn 64 triệu USD để nhập khẩu sắt thép của Việt Nam với 99.188 tấn, giảm mạnh 2.556% về lượng và giảm 2.503% về trị giá so với năm 2021.
Theo Reuters, hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc đã bị thu hẹp trong những tháng gần đây. Nhập khẩu chất bán dẫn của Trung Quốc đã giảm 13,6% trong tháng 6, chậm hơn so với mức giảm 15,3% trong tháng 5 nhưng báo hiệu nhu cầu hạn chế của các nhà sản xuất Trung Quốc đối với các linh kiện tái xuất dưới dạng thành phẩm. Nhu cầu về nguyên liệu thô cũng có dấu hiệu suy yếu, với nhập khẩu đồng giảm 16,4% trong tháng 6 so với một năm trước đó.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), xu hướng giảm trong hoạt động xây dựng của Trung Quốc, vốn đã chậm lại kể từ tháng 4 do lĩnh vực bất động sản yếu hơn dự kiến, được cho là sẽ tiếp tục sang tháng 6, khiến giá thép Trung Quốc chịu áp lực.
Nhu cầu thép và giá thép Trung Quốc có thể tăng trở lại trong tháng 8 - tháng 9, do thúc đẩy tài khóa đối với lĩnh vực cơ sở hạ tầng và tác động lan tỏa của nó đối với ngành sản xuất. Tuy nhiên đà tăng có thể khiêm tốn, trừ khi việc cắt giảm sản lượng thép do Chính phủ bắt buộc có thể được kích hoạt.