Theo Live Science, các sinh vật hóa thạch ở Trung Quốc có thể đại diện cho lớp sinh vật đa bào đầu tiên của hành tinh. Quan trọng hơn, với niên đại 1,6 tỉ năm, chúng đã đẩy lùi sự xuất hiện của nhóm sinh vật này sớm hơn tận 70 triệu năm so với hiểu biết trước đây.
Được đặt tên là Qingshania magnifica, loài sinh vật có dạng sợi kỳ lạ này được thu thập từ Hệ tầng Chuanlinggou ở ngoại ô TP Thiên Tân.
Một số mẫu có bào tử, cho thấy chúng là những vi sinh vật có khả năng sinh sản vô tính.
Theo nhà khoa học Lanyun Miao từ Viện Địa chất và cổ sinh vật học Nam Kinh, đồng tác giả, những vi sinh vật sợi này cho thấy mức độ phức tạp nhất định và sự biến đổi hình dáng đáng ngạc nhiên.
Bởi lẽ, theo dòng thời gian được biết đến trước đây, 3,9 tỉ năm trước Trái Đất mới có các sinh vật đơn bào cực nhỏ nhưng chưa có nhân tế bào.
Đến 1,65 tỉ năm trước, các sinh vật nhân chuẩn (cũng là đơn bào nhưng tế bào có nhân) mới được ghi nhận trong hồ sơ trầm tích ở miền Bắc Trung Quốc và Úc.
Nếu thực sự mốc 1,65 tỉ năm của sinh vật nhân chuẩn là đúng, thì cách chúng tiến lên sinh vật đa bào chỉ trong vòng 50 triệu năm ngắn ngủi thực sự là một bước nhảy vọt tiến hóa cực lớn.
Theo bình luận độc lập của PGS Jack Craig, chuyên gia về gene tiến hóa, người không tham gia vào nghiên cứu, đa bào là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ định nghĩa nào về sự sống phức tạp hiện đại.
"Do đó việc thiết lập lại khoảng thời gian cho một sự kiện nền tảng như vậy sẽ có tác động đáng kể đến cách chúng ta nghĩ về dòng dõi mà cuối cùng sẽ phát sinh loài người" - PGS Craig nhấn mạnh.