Trung Quốc xây kênh đào sau 700 năm, sẽ thay đổi 'cuộc chơi' với ASEAN?

Hữu Hiển |

Việc xây dựng Kênh đào Bình Lục được kỳ vọng sẽ mở ra một tuyến đường thủy thuận lợi cho giao thương giữa Trung Quốc và ASEAN, thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và các nước ASEAN phát triển toàn diện.

Trung Quốc xây kênh đào sau 700 năm, sẽ thay đổi cuộc chơi với ASEAN? - Ảnh 1.

Kênh đào Bình Lục là dự án xương sống của Hành lang trên biển và đất liền mới phía Tây Trung Quốc, và là một dự án mang tính bước ngoặt nhằm đẩy nhanh việc đưa Trung Quốc phát triển thành một quốc gia mạnh về giao thông vận tải.

Dự án bắt đầu từ cửa sông Bình Đường thuộc khu vực hồ chứa Tây Tân của thành phố Hoành Châu, Nam Ninh, đi vào Vịnh Bắc Bộ dọc theo sông Khâm Giang qua thị trấn Lục Ốc của huyện Linh Sơn, thành phố Khâm Châu, đều thuộc Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây.

Vị trí của dự án này chỉ cách cửa khẩu Móng Cái, Việt Nam, gần 100km theo đường chim bay, hoặc gần 690km nếu tính đường bộ.

Tổng chiều dài dự án là 134,2 km, tổng chi phí dự án ước tính khoảng 72,7 tỷ nhân dân tệ (CNY, 10,1 tỷ USD). Toàn tuyến được xây dựng theo tiêu chuẩn đường thủy nội địa cấp I, cho phép tàu thuyền 5.000 tấn.

Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, ông Hồ Hoa Bình - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc - cho biết: “Dự án được triển khai chủ yếu là để phát triển vận tải biển, kết hợp với cấp nước, tưới tiêu, kiểm soát lũ lụt và cải thiện môi trường sinh thái nước. Việc xây dựng dự án có lợi cho việc nâng cao năng lực và hiệu quả vận chuyển của Hành lang trên biển và đất liền mới phía Tây Trung Quốc. Hàng hóa ở khu vực Tây Nam được vận chuyển ra biển qua Kênh đào Bình Lục ngắn hơn khoảng 560 km so với hàng hóa đi ra biển qua Quảng Châu. Ước tính chi phí vận chuyển dọc theo Hành lang trên biển và đất liền mới phía Tây Trung Quốc sẽ tiết kiệm hơn 5,2 tỷ CNY (722 triệu USD) mỗi năm.”

Thời gian xây dựng Kênh đào Bình Lục là 52 tháng và các công trình chính dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào cuối năm 2026. Trong năm 2023 sẽ hoàn thành khoản đầu tư 18 tỷ CNY (2,5 tỷ USD) và tổng khối lượng đất đá đào lên ước tính hơn 100 triệu m3.

Ông Hồ Hoa Bình cho biết, tiến độ dự án Kênh đào Bình Lục đã bước vào giai đoạn mới, bắt đầu xây dựng trên toàn bộ mặt bằng. Tính đến giữa tháng 7, hơn 1.800 cán bộ và 6.600 công nhân của 18 đơn vị xây dựng, 15 đơn vị giám sát đã có mặt tại công trường, cùng với 2.789 máy móc và thiết bị cỡ lớn như tàu hút cát, máy xúc đào liên hợp; đã giải ngân 13,621 tỷ CNY (1,9 tỷ USD) và đào được 45,093 triệu m3 đất đá.

Trung Quốc xây kênh đào sau 700 năm, sẽ thay đổi cuộc chơi với ASEAN? - Ảnh 2.

Tuyến đường thủy lớn đầu tiên sau 700 năm tại Trung Quốc

Ngay từ xa xưa, chính quyền phong kiến Trung Quốc đã chú trọng xây dựng cầu đường, vì sự kết nối tạo điều kiện thuận lợi cho dòng người, hàng hóa và cả tài sản. Nhưng chỉ một số ít triều đại có đủ khả năng để xây dựng kênh đào vốn đòi hỏi một lượng lớn lao động và khả năng làm chủ công nghệ.

Hơn 2.200 năm trước, dưới triều đại nhà Tần, Tần Thủy Hoàng - hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc - đã cho xây dựng Kênh đào Linh Cừ dài 36,4 km. Dự án lớn của Tần Thủy Hoàng đã kết nối sông Tương ở tỉnh Hồ Nam - một nhánh của sông Dương Tử dài 6.300 km - và sông Li ở Quảng Tây, phía nam Trung Quốc.

Công trình này sau này được phát triển thành Đại Vận Hà dài 1.800 km – được công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO. Đại Vận Hà được hoàn thành hơn 700 năm trước, dưới triều đại nhà Nguyên, nhằm mục đích kết nối trung tâm thương mại Hàng Châu ở phía đông Trung Quốc và thủ đô Bắc Kinh.

Tính đến hiện tại, khi Kênh đào Bình Lục bắt đầu được xây dựng, đã không có kênh đào nào khác được xây mới ở Trung Quốc.

Trung Quốc xây kênh đào sau 700 năm, sẽ thay đổi cuộc chơi với ASEAN? - Ảnh 3.

Thúc đẩy giao thương Trung Quốc – ASEAN

Theo ông Hồ Hoa Bình, tuyến đường thủy nội địa phục vụ thương mại trong nước và quốc tế của Trung Quốc hiện chỉ có hai lối đi ra biển là Cửa khẩu Dương Tử và Cửa khẩu Châu Giang. Những cửa khẩu này phù hợp hơn cho thương mại nội địa giữa các khu vực phía Đông, Trung và Tây của Trung Quốc, cũng như thương mại quốc tế giữa Trung Quốc với các nước khác ở Đông Bắc Á, Bắc và Nam Mỹ.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn thiếu các luồng vận tải thủy giữa các tỉnh miền Trung, miền Tây với các tỉnh ven biển Tây Nam, cũng như giữa Trung Quốc với các nước ASEAN, chưa đáp ứng tốt nhu cầu giao thương quốc tế ngày càng tăng giữa các tỉnh miền Trung, miền Tây Trung Quốc với các nước ASEAN.

Ông Hồ Hoa Bình đánh giá, việc xây dựng Kênh đào Bình Lục được kỳ vọng sẽ mở ra một tuyến đường thủy thuận lợi cho giao thương giữa Trung Quốc và ASEAN, thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và các nước ASEAN phát triển toàn diện.

ASEAN - với dân số 600 triệu người - đã và đang là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Trung Quốc đã tăng cường hợp tác song phương với cơ chế đối thoại thường niên, Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gồm 15 thành viên, bao gồm Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand.

Trong các cuộc gặp với Ngoại trưởng các nước ASEAN tại Jakarta (Indonesia) hồi đầu tháng 7/2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi hợp tác toàn diện để làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược song phương và xây dựng cộng đồng cùng chung vận mệnh. Hai bên đã tổ chức ba vòng đàm phán kể từ tháng 2/2023 để cập nhật thỏa thuận thương mại tự do hiện có, góp phần làm tăng lưu lượng trao đổi về người và hàng hóa.

Dự án sau khi hoàn thành dự kiến có thể vận chuyển 108 triệu tấn hàng hóa vào năm 2035 và 130 triệu tấn vào năm 2050. Nó sẽ cho phép các tàu container hoặc tàu chở hàng rời đi từ thành phố thủ phủ Nam Ninh của Quảng Tây, Trung Quốc đến Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia và các nước Đông Nam Á khác trong vài tuần.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Hoa Bình nhận định: “Với việc thực thi đầy đủ RCEP, giao thương giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ trở nên thường xuyên hơn, đồng thời việc thực hiện các ưu đãi về thuế quan và quy tắc xuất xứ sẽ tạo hiệu ứng thúc đẩy sáng tạo thương mại và nhượng quyền thương mại, góp phần mở rộng quy mô thương mại.”

Ông bày tỏ kỳ vọng, tận dụng cơ hội từ RCEP, việc xây dựng Kênh đào Bình Lục sẽ góp phần thiết lập chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng mới giữa Trung Quốc với Việt Nam, cũng như các nước ASEAN khác, mở rộng hơn nữa danh mục các mặt hàng miễn thuế, phấn đấu cắt giảm thuế đối với ô tô và phụ tùng ô tô, xe máy, hóa chất, cơ điện và sản phẩm gang thép… ở hai nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại