Trung Quốc xây đường hầm dài nhất thế giới kết nối với Trung Á

Hoàng Trang |

Theo tiêu chuẩn hiện tại, Trung Quốc đang xây dựng đường hầm cao tốc dài nhất thế giới.

Trung Quốc xây đường hầm dài nhất thế giới kết nối với Trung Á - Ảnh 1.

Đường hầm cao tốc Tianshan Shengli đang trong quá trình xây dựng. Nó sẽ là đường hầm dài nhất thế giới và tăng cường kết nối giữa Trung Quốc và Trung Á. Ảnh: Weibo

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SMCP) đưa tin dự án này sẽ đi qua một trong những dãy núi dài nhất hành tinh, đồng thời mở ra những con đường mới để trao đổi giữa khu tự trị Tân Cương của đất nước này và khu vực Trung Á.

Truyền thông Trung Quốc cho biết một đoạn quan trọng của Đường cao tốc Urumqi-Yuli là đường hầm Tianshan Shengli sẽ đóng vai trò tuyến giao thông then chốt giữa nửa phía Nam và phía Bắc của khu vực.

Khi được thông xe vào cuối tháng 10/2025, nó sẽ giúp giảm thời gian di chuyển qua Dãy núi Thiên Sơn xuống còn khoảng 20 phút. Bên cạnh đó, hành trình từ thủ đô Urumqi đến Korla - hai thành phố đông dân nhất khu vực - sẽ rút ngắn từ hơn 7 giờ xuống còn khoảng 3 giờ.

Đường hầm này dự kiến có tổng chiều dài 22,1km khi hoàn thành và là đường hầm dài nhất đang được xây dựng.

Nhà kinh tế Xu Tianchen tại The Economist Intelligence Unit, cho biết: “Việc hoàn thành chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho tăng trưởng kinh tế và thương mại ở khu vực kém phát triển của Tân Cương”.

Ông Xu cho biết thêm khi Trung Quốc xây dựng mối quan hệ ngoại giao và kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Á, khu vực này sẽ ngày càng trở thành điểm tựa quan trọng, vừa là thị trường cuối cùng vừa là điểm trung chuyển. Mặt khác cũng giúp tăng khả năng phát triển cơ sở hạ tầng nhiều hơn để tăng cường kết nối, trong đó có việc xây dựng Đường sắt Trung Quốc - Kyrgyzstan - Uzbekistan.

“Sáng kiến Vành đai và Con đường đã được điều chỉnh để tập trung nhiều hơn vào rủi ro hoạt động và lợi nhuận đầu tư. Theo nghĩa đó, Trung Á mang lại sự kết hợp giữa rủi ro và lợi nhuận hợp lý, đặc biệt là với nguồn dự trữ năng lượng dồi dào và tình hình an ninh chấp nhận được”, ông Xu nói.

Trên thực tế, Tân Cương đã trở thành một điểm nóng về địa chính trị giữa Trung Quốc và các nước phương Tây, sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp dụng các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu riêng đối với khu vực này với nhiều cáo buộc khác nhau.

Nhưng 10 tháng đầu năm, kim ngạch ngoại thương của khu vực này vẫn đạt mức cao kỷ lục 287 tỷ nhân dân tệ (40,5 tỷ USD), tăng gần 50% so với một năm trước đó.

Trung Quốc cũng đã cố gắng phát huy các lợi thế địa lý đặc biệt của Tân Cương – đặc biệt là đường biên giới chung với 8 quốc gia, trong đó có Nga, Mông Cổ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Pakistan. Tất cả đều là thành viên cốt lõi của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Peng Peng, Chủ tịch điều hành của Hiệp hội Cải cách Quảng Đông cho biết mạng lưới giao thông mới sẽ tăng cường liên kết cơ sở hạ tầng rộng lớn hơn của Tân Cương với Trung Á.

“Con đường mới có thể đa dạng hóa các phương thức thương mại và thậm chí mở rộng sang trao đổi văn hóa và du lịch hơn nữa”, ông Peng nói.

Giới chức khu tự trị Tân Cương cũng tiết lộ kế hoạch thành lập một trung tâm thương mại tự do mới vào đầu tháng này - một minh chứng cho tham vọng của Bắc Kinh nhằm mở rộng ảnh hưởng kinh tế của mình.

Theo thông báo trên trang web Quốc vụ viện Trung Quốc, có thể phải mất tới 5 năm để Tân Cương chính thức trở thành khu vực thương mại tự do.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại