Nối tiếp thành công của sứ mệnh đưa tàu vũ trụ không người lái đổ bộ nửa tối Mặt Trăng - sứ mệnh Chang'e-4 hồi tháng 1/2019 - Trung Quốc tiếp tục thành công với Chang'e-5 khi đưa tàu đổ bộ đáp xuống bề mặt Mặt Trăng với hy vọng mang mẫu đất đá của vệ tinh này về Trái Đất nghiên cứu.
Cơ quan Vũ trụ Trung Quốc (CNSA) cho biết tàu đổ bộ hạ cánh lúc 15:11 GMT (23:11 Giờ Chuẩn Trung Quốc). Vị trí chính xác được báo cáo là 51,8 độ Kinh Tây và 43,1 độ Vĩ Bắc.
Tính cho đến nay, đã 44 năm kể từ lần cuối cùng nhân loại đạt được điều này. Đó là sứ mệnh Luna 24 của Liên Xô, với mẫu đất đá Mặt Trăng chỉ nặng dưới 200g.
Khác với sứ mệnh trước đó của Trung Quốc, lần đổ bộ này được các kênh truyền hình Trung Quốc chiếu trực tiếp.
Tàu vũ trụ Chang'e-5 nặng 8,2 tấn được phóng lên từ sân bay vũ trụ Wenchang ở miền nam Trung Quốc vào ngày 24/11 (giờ địa phương).
Tàu đổ bộ là một trong bốn robot trong sứ mệnh của Chang'e-5. Tàu này có nhiệm vụ thu thập và gửi mẫu đất đá trên bề mặt Mặt Trăng về Trái Đất trước cuối năm 2020. Nếu thành công, đây sẽ là lần đầu tiên một quốc gia mang đá Mặt Trăng trong hơn 40 năm qua về Trái Đất (Vào thập kỷ 1970, Mỹ là quốc gia mang nhiều mẫu vật đất đá Mặt Trăng về nghiên cứu, nhưng các mẫu này đều thuộc nửa sáng Mặt Trăng).
Minh họa tàu đổ bộ thuộc Chang'e-5 xuống bề mặt Mặt Trăng. Nguồn: CNSA
Tàu đổ bộ dự kiến sẽ dành vài ngày tới để kiểm tra môi trường xung quanh và thu thập vật liệu bề mặt. Nó có một số công cụ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc này, bao gồm máy ảnh, máy đo quang phổ, radar, muỗng và máy khoan.
Cánh tay robot của tàu đổ bộ được lập trình để khoan sâu khoảng 1,8 mét vào bề mặt Mặt Trăng để thu thập 2 kg đá và bụi Mặt Trăng - hay còn gọi là regolith - từ một khu vực chưa được khám phá trước đây: Một đồng bằng núi lửa có tên Mons Rümker.
Sau đó, cánh tay robot sẽ chuyển mẫu đến một mô-đun nằm ở phần đầu tàu đổ bộ. Khi mẫu được đảm bảo an toàn, mô-đun đó sẽ cất cánh để gặp tàu quỹ đạo của sứ mệnh Chang'e-5, hiện đang quay quanh Mặt Trăng.
Nếu mọi việc suôn sẻ, bộ ba robot sau đó sẽ quay trở lại Trái Đất cùng đá Mặt Trăng, dự kiến sẽ hạ cánh xuống Nội Mông vào giữa tháng 12/2020.
"Đây là một nhiệm vụ thực sự táo bạo", David Draper, Phó trưởng nhà khoa học tại NASA, nói với New York Times. "Họ sẽ di chuyển tàu đổ bộ xuống khu vực mà nhân loại chưa từng đạt đến và sẽ thu thập mẫu đất đá hiếm có để nắm được nhiều điều quan trọng về lịch sử Mặt Trăng."
Thành công của Chang'e-5 là nối tiếp 2 cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng trước đó của Trung Quốc - đó là Chang'e-3 năm 2013 và Chang'e-4 năm 2019. Cả hai nhiệm vụ trước đó đều kết hợp tàu đổ bộ tĩnh và máy bay nhỏ.
Các mẫu đá Mặt Trăng trước đây do Mỹ và Liên Xô (thời Chiến tranh Lạnh) thu thập đã khiến các nhà khoa học kết luận rằng núi lửa đã hoạt động trên bề mặt Mặt Trăng khoảng 3 tỷ năm trước. Nhưng các nhà khoa học ước tính rằng các khu vực như đồng bằng núi lửa Mons Rümker có thể đã tổ chức hoạt động núi lửa gần đây nhất là 1,2 tỷ năm trước, dựa trên quan sát bề mặt Mặt Trăng - Xiao Long, một nhà địa chất hành tinh tại Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc ở Vũ Hán, nói với Nature.
Phân tích đá Mặt Trăng có thể giúp các nhà khoa học hành tinh hiểu được cách Mặt Trăng có thể duy trì hoạt động của núi lửa trong hàng tỷ năm.
Clive Neal, một nhà địa chất học tại Đại học Notre Dame ở Indiana, Mỹ nói với Nature: "Mặt Trăng nhỏ, vì vậy động cơ nhiệt của nó đã cạn kiệt từ lâu".
Các mẫu vật Mặt Trăng cũng có thể giúp các nhà khoa học xác định tuổi của các khu vực trên các hành tinh khác như sao Hỏa. Các nhà nghiên cứu điều tra điều này bằng cách phân tích tuổi của các mẫu đá Mặt Trăng, sau đó đếm các miệng núi lửa/hố va chạm trên các khu vực của Mặt Trăng mà từ đó các mẫu đó được thu thập. Nhiều miệng núi lửa hơn cho thấy một khu vực cũ hơn, vì có nhiều thời gian để các tác động tích tụ hơn, và Hệ Mặt Trời sơ khai hoạt động dữ dội hơn nhiều so với hiện tại.
Cho đến nay, các nhà khoa học mới chỉ có thể nghiên cứu các mẫu đá Mặt Trăng từ các vùng Mặt Trăng có tuổi đời ít nhất 3 tỷ năm. Bởi vì đồng bằng Mons Rümker có vẻ còn trẻ hơn nhiều, các mẫu từ khu vực có thể giúp các nhà khoa học ước tính chính xác hơn tuổi của khu vực.
Sau đó, các nhà khoa học có thể ước tính tuổi của các khu vực hành tinh khác bằng cách so sánh có bao nhiêu miệng núi lửa mà bề mặt của chúng có so với Mặt Trăng.
Sứ mệnh Chang'e-5 được phóng vào sáng sớm ngày 24/11, theo giờ địa phương. Địa điểm hạ cánh là Mons Rümker - một quần thể núi lửa lớn ở Oceanus Procellarum trên Mặt Trăng (rộng 3.200 km, ở rìa phía tây Mặt Trăng, khu vực này chiếm phần lớn nửa tối của Mặt Trăng). Mons Rümker cao từ 200–1300 m so với bề mặt xung quanh. Các phân tích quang phổ chỉ ra rằng Mons Rümker được bao phủ bởi bazan - Nhà địa chất Xiao Long phân tích.
Chang'e-5 là sứ mệnh thứ sáu trong một loạt sứ mệnh đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm khám phá Mặt Trăng. Quốc gia này đặt tham vọng xây dựng một căn cứ cho người ở trên Mặt Trăng.
Đây là lần thứ ba CNSA hạ cánh một robot đổ bộ trên bề mặt Mặt Trăng. Cơ quan này hiện có 7 tàu vũ trụ hoạt động trên Mặt Trăng hoặc trên quỹ đạo của nó, theo phóng viên Andrew Jones của SpaceNews.
NASA cũng có tham vọng tương tự để thiết lập một căn cứ vĩnh viễn trên Mặt Trăng, nhưng họ vẫn chưa thực hiện các nhiệm vụ trước Mặt Trăng cần thiết để đạt được mục tiêu đó. Cơ quan này đã không hạ cánh bất cứ thứ gì lên Mặt Trăng kể từ năm 1972.
Tuy nhiên, NASA và công ty thám hiểm không gian SpaceX của Elon Musk đã gửi thành công hai phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trong năm 2020, đánh dấu lần đầu tiên Mỹ tự đưa phi hành gia lên ISS kể từ năm 2011 - khi dự án tàu con thoi kết thúc. Sứ mệnh này đã mở đường cho con người hạ cánh lên Mặt Trăng một lần nữa. NASA đặt mục tiêu thực hiện vào năm 2024.
Ý tưởng về Trại cơ sở Artemis của NASA. Nguồn: NASA
Cơ quan này cũng có kế hoạch gửi tàu thăm dò đầu tiên của mình đến cực nam của Mặt Trăng để xác định trữ lượng băng vào năm 2023.
Để chuẩn bị cho sự cư trú của con người trên Mặt Trăng, NASA đã soạn thảo Hiệp định Artemis - một loạt các cam kết nhằm giữ cho hoạt động thám hiểm không gian hòa bình, hợp tác và bền vững. 9 quốc gia đã ký hiệp định trong năm 2020, nhưng Trung Quốc không nằm trong số đó.
NASA đã không thể hợp tác hoặc phối hợp với Trung Quốc kể từ khi Quốc hội Mỹ cấm cơ quan này làm như vậy vào năm 2011.
Tuy nhiên, Phó quản trị viên NASA Thomas Zurbuchen đã gửi lời chúc mừng đến Trung Quốc vì đã hạ cánh thành công robot đổ bộ thuộc sứ mệnh Chang'e-5 vào thứ Ba ngày 1/12.
"Đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng", ông viết trên Twitter. "Khi các mẫu thu thập được trên Mặt Trăng được trả về Trái Đất, chúng tôi hy vọng mọi người sẽ hiểu được tầm quan trọng từ việc nghiên cứu loại tài nguyên quý giá này".
Trước đó, sứ mệnh Chang'e-4 của Trung Quốc đã cho tàu đổ bộ xuống miệng núi lửa Von Kármán, đường kính 180 km, thuộc lưu vực Nam Cực-Aitken. Với đường kính lên đến 2.414km, bao phủ gần 1/4 bề mặt Mặt Trăng, lưu vực Nam Cực-Aitke là một trong những hố núi lửa lớn nhất trong Hệ Mặt Trời.
Từng có câu hỏi đặt ra rằng: Tại sao Trung Quốc chọn nơi Chang'e-4 hạ cánh đặc biệt tại một trong những miệng núi lửa lâu đời nhất và sâu nhất của Mặt Trăng? - Câu trả lời rất đơn giản: Ở nửa tối của Mặt Trăng, các nhà khoa học Trung Quốc có thể "thoải mái" nhìn xa hơn vào không gian vì sóng vô tuyến của Trái Đất không thể xâm nhập vào khu vực này của Mặt Trăng, từ đó, không gây nhiễu quá trình quan sát vũ trụ ở tầm xa hơn của các nhà khoa học Trung Quốc.
Bloomberg năm 2019 nhận định, kỳ tích của Trung Quốc là một bước nhảy vọt lớn đối với một quốc gia từ lâu đã được xem là một đối thủ yếu trong cuộc đua vũ trụ.
Nếu sứ mệnh Chang'e-5 thành công, Trung Quốc sẽ là quốc gia thứ ba mang được mẫu vật từ Mặt Trăng trở về Trái Đất trong lịch sử (cùng với Mỹ, Liên Xô từng làm thời Chiến tranh Lạnh) và là quốc gia thứ hai làm được như vậy với robot.
Bài viết sử dụng nguồn: Business Insider, BBC, Bloomberg
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.