Trong bài viết trên tờ The Diplomat, chuyên gia Daniel Russel, Phó Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội Châu Á, trợ lý ngoại trưởng dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, mô tả Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc đang từng bước được "vũ khí hóa".
Điều này đặt ra những thách thức cho vị thế quyền lực và ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu.
"Vũ khí hóa"
Đã hơn bảy năm trôi qua kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) vào năm 2013. Khởi điểm là định hướng xây dựng Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa và Con đường Tơ lụa trên biển, sáng kiến của Bắc Kinh nay đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực, từ không gian, không gian mạng cho đến y tế toàn cầu.
Trong các lĩnh vực hàng hải và trên bộ, BRI hiện đang có nhiều cảng nước sâu ở vị trí chiến lược với các tuyến đường biển và các vị trí án ngữ hàng hải quan trọng.
Thực tế là một số dự án cảng BRI ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không có vẻ khả thi về mặt thương mại, khiến giới quan sát đặt ra câu hỏi về động cơ đầu tư vào các tài sản cơ sở hạ tầng này của Trung Quốc.
Mặc dù Chính phủ Trung Quốc kiên định nhấn mạnh rằng BRI hoàn toàn là một sáng kiến phát triển hòa bình, "đôi bên cùng có lợi", nhưng có không ít quan điểm vẫn tỏ ra hoài nghi.
Tốc độ hiện đại hóa quân sự nhanh chóng của Trung Quốc, chương trình hợp nhất dân sự-quân sự và lập trường ngày càng quyết đoán trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã làm dấy lên nghi ngờ về BRI và lợi ích chiến lược của sáng kiến đối với Trung Quốc.
Cùng với những cáo buộc về "ngoại giao bẫy nợ", một số nhà phê bình cảnh báo rằng các dự án như cảng Hambantota ở Sri Lanka hay cảng Gwadar ở Pakistan là một phần của mạng lưới các căn cứ hải quân tiềm năng "Chuỗi Ngọc trai" dọc theo bờ Ấn Độ Dương.
Rõ ràng là các khu vực hàng hải nói trên có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và an ninh của Trung Quốc. Vì 40% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc có nguồn gốc từ ngoại thương, hơn 60% thương mại và 80% dầu nhập khẩu của Trung Quốc di chuyển bằng đường biển.
Sẽ không có gì ngạc nhiên khi ngân sách của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân (PLAN) Trung Quốc đã tăng lên đáng kể, cùng với chiến lược viễn dương, vượt ra ngoài vùng biển sát bờ để hướng tới bảo vệ các tuyến đường biển quan trọng và các lợi ích ở nước ngoài.
Địa bàn hoạt động của PLAN hiện đã mở rộng ra ngoài cái gọi là "chuỗi đảo thứ hai", khu vực trải dài từ Nhật Bản đến Guam và đến Indonesia. Căn cứ nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc - và duy nhất cho đến nay - là ở Djibouti, nằm ở lối vào eo biển Bab-el-Mandeb dẫn đến Kênh đào Suez và các thị trường châu Âu.
BRI được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố từ năm 2013.
Dọc theo Con đường Tơ lụa trên biển, các dự án cảng của BRI đã tăng cường khả năng hoạt động của PLAN đi xa hơn. Các cảng BRI ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không phải là căn cứ hải quân, nhưng chúng thường có chức năng thương mại và quân sự lưỡng dụng.
Cái mà Bắc Kinh gọi là "hợp nhất dân sự-quân sự" hiện đã được hệ thống hóa trong các luật và quy định yêu cầu các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài phải được xây dựng theo các thông số kỹ thuật quân sự của quân đội và yêu cầu các doanh nghiệp do Trung Quốc sở hữu phải hỗ trợ các hoạt động của quân đội.
Được các nhà hoạch định Trung Quốc gắn nhãn là "điểm mạnh chiến lược", các cảng này kết hợp các tính năng tăng cường tiện ích quân sự tiềm năng và mở rộng mạng lưới hậu cần của quân đội để tạo điều kiện tăng cường sức mạnh ra viễn dương của Trung Quốc.
Hành động của Mỹ
Với vai trò là cường quốc ảnh hưởng hàng đầu trên toàn cầu, đứng dưới góc độ của Mỹ, sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối lo ngại hàng đầu.
Theo chuyên gia Daniel Russel, nếu chỉ nhìn vào những "điểm mạnh chiến lược" này thì Mỹ sẽ bỏ lỡ nguy cơ thực sự, bởi chúng là thành phần của một bộ cơ sở hạ tầng, kinh tế và các tài sản khác đang được Bắc Kinh tập hợp để làm nền tảng cho ảnh hưởng và đòn bẩy ở các quốc gia chủ nhà trong BRI.
Thành phần này bao gồm Con đường Tơ lụa kỹ thuật số, với mạng lưới của Huawei và công nghệ giám sát "Thành phố thông minh". Nó cũng bao gồm "Hành lang Thông tin Không gian BRI" với hệ thống vệ tinh Beidou.
Bên cạnh đó là các yếu tố trên đất liền, hàng hải, kỹ thuật số và không gian của BRI được kết hợp với các mối quan hệ tài chính và thương mại, ngoại giao tích cực và nhanh chóng, nhằm mở rộng sự tham gia quân sự và bán vũ khí của Trung Quốc trên khắp khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Một báo cáo gần đây với tên gọi "Vũ khí hóa Sáng kiến Vành đai và Con đường" của Viện Chính sách Xã hội Châu Á đã chỉ ra rằng những xu hướng này đang góp phần vào sự xuất hiện của một hệ sinh thái Trung Quốc, sẽ cản trở khả năng hoạt động hiệu quả của Mỹ trong khu vực hơn cả so với tiềm năng của các căn cứ quân sự mà Trung Quốc đang có.
Tuy nhiên, xu hướng cả khu vực phải nằm trong ảnh hưởng của Trung Quốc không phải là tất yếu và cũng không phải là không thể đảo ngược.
Chuyên gia Daniel Russel tin rằng, Mỹ và các đối tác có thể cạnh tranh và bỏ xa Trung Quốc - không phải trong cuộc đua xây dựng cơ sở hạ tầng như cách mà nước này làm - mà thông qua một chiến lược nhất quán, chặt chẽ, đáng tin cậy, toàn diện và hợp tác đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Đầu tiên và quan trọng nhất, Mỹ bắt buộc phải thu hẹp khoảng cách giữa những tuyên bố hùng hồn về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở với hành động trên thực tế và tăng cường nguồn tài trợ.
Về mặt quân sự, điều này bao gồm tăng cường ngoại giao quân sự và củng cố mối quan hệ quân sự giữa các quốc gia liên quan. Trong đó, các chính sách đã được thử nghiệm như đào tạo quân sự sẽ mang lại những hiệu quả về dài hạn.
Còn về ngắn hạn, mang tính cấp bách hơn, về mặt chính trị, kinh tế và công nghệ, Mỹ sẽ phải chứng minh rằng nước này có tính đến lợi ích hợp pháp của các đối tác và khơi dậy niềm tin mới vào cam kết và năng lực của mình, đánh vào điểm yếu của Trung Quốc hiện tại, khi các chương trình của nước này bị cáo buộc là gây ra sự phụ thuộc.
Để thành công trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc, Mỹ cần phải tài trợ đầy đủ cho các cơ quan, chương trình phát triển và các vấn đề quốc tế của Mỹ, vốn là nền tảng cho tầm vóc ngoại giao và quyền lực mềm/thông minh của nước này.
Việc củng cố ảnh hưởng của Mỹ đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ vào các mối quan hệ giữa người với người, bao gồm thông qua các chương trình trao đổi và các sáng kiến khác nhau.
Và ngoài việc tăng cường các liên minh và quan hệ đối tác đặc biệt như nhóm "Bộ tứ" với các quốc gia cùng chí hướng như Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, Mỹ cần phải trở lại lấp đầy khoảng trống trước đó tạo ra khi bỏ qua các diễn đàn quốc tế và bỏ qua các tổ chức khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Cuối cùng, Mỹ không nên từ bỏ chính sách ngoại giao với Trung Quốc. Đối thoại chiến lược cấp cao và bền vững là một công cụ không thể thiếu để đặt ra các giới hạn, ngăn chặn thách thức, xóa tan quan niệm sai lầm, xây dựng lòng tin và giảm thiểu rủi ro thông qua việc ngăn chặn hoặc quản lý khủng hoảng
Đây đều là những công cụ mà Mỹ đã sử dụng hiệu quả trong quá khứ và không thể loại bỏ lúc này - đặc biệt là vào thời điểm Trung Quốc đang "vũ khí hóa" dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn nhất mà thế giới từng biết.