Trung Quốc “vũ khí hóa” nông sản và tiền tệ để đối phó với Mỹ?

Phương Anh |

Trung Quốc vừa thông báo tạm thời ngừng mua các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ, thì phía Mỹ lại vừa chính thức liệt Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ.

Cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung đang liên tiếp chứng kiến những diễn biến căng thẳng mới khi Trung Quốc vừa thông báo tạm thời ngừng mua các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ và không loại trừ khả năng tăng thuế đối với loại hàng hóa này. Giữa lúc “cọ xát” thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, phía Mỹ lại vừa chính thức liệt Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, cáo buộc nước này phá giá đồng Nhân dân tệ làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tiền tệ tồn tại song song với cuộc chiến thương mại.

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 6/8 thông báo, các doanh nghiệp của nước này đã ngừng mua nông sản của Mỹ. Ngoài ra, Ủy ban thuế quan của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cũng đang xem xét khả năng tăng thuế nhập khẩu đối với nguồn cung nông sản của Mỹ, các giao dịch đã được ký kết mua sau ngày 3/8. Đây được xem là đòn đáp trả mạnh tay trước quyết định của Mỹ về việc áp thuế 10% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD.

Nông sản từ lâu được xem như một trong những điểm mấu chốt gây nhiều tranh cãi trong mâu thuẫn thương mại Mỹ- Trung, bên cạnh các vướng mắc khác liên quan tới vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hay việc Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ fentanyl, loại thuốc giảm đau bị quan chức Mỹ cáo buộc là nguyên nhân gây nhiều trường hợp tử vong do sử dụng quá liều.

Việc Trung Quốc ra đòn mạnh tay, lấy nông sản nhập khẩu làm công cụ đối phó với Mỹ được giới quan sát nhận định rằng, phải chăng Bắc Kinh đang mất dần sự kiên nhẫn trong việc sử dụng chiến lược ngoại giao mềm mỏng với Washington. Dẫu vậy, Trung Quốc vẫn hy vọng Mỹ sẽ nghiêm túc thực hiện các điều khoản đã nhất trí giữa lãnh đạo hai nước và “sẽ tạo điều kiện cho sự hợp tác song phương cùng có lợi trong lĩnh vực nông nghiệp”.

Ông Tùng Lương, Tổng thư ký Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia cho biết: “Tôi hy vọng phía Mỹ có thể tuân nguyên tắc cơ bản về việc xây dựng lòng tin, làm điều gì đó có lợi hơn để tăng cường uy tín của mình thay vì bất cứ điều gì phương hại tới người khác mà không đem lại lợi ích gì, đồng thời không đưa ra lời buộc tội vô căn cứ để loại bỏ trở ngại, tạo môi trường hợp tác tốt hơn cho Mỹ và Trung trong buôn bán nông sản, đặc biệt là liên quan tới hàng nông sản xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc”.

Trong khi, một diễn biến khác cũng cho thấy chiều hướng làm leo thang bất đồng giữa hai siêu cường kinh tế khi Mỹ chỉ trích việc Trung Quốc cho phép nhân dân tệ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ. Bộ Tài chính Mỹ sáng nay thông báo “Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ”.

Trước đó, trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trăm cũng nhấn mạnh: "Trung Quốc để giá đồng tiền của họ rơi xuống mức gần như thấp nhất lịch sử. Đây được gọi là thao túng tiền tệ" và rằng động thái này "sẽ khiến Trung Quốc suy yếu rất nhiều theo thời gian".

Trước đó, nhiều chuyên gia cho rằng, khó có khả năng Trung Quốc dùng tiền tệ làm "vũ khí" để giải quyết tranh chấp thương mại với Mỹ bởi lẽ có nhiều yếu tố gây áp lực lên đồng Nhân dân tệ và hơn nữa việc cho phép đồng nội tệ yếu đi không phải là không mang đến rủi ro cho Trung Quốc. Song tới thời điểm này những căng thẳng liên quan tới vấn đề tiền tệ đã rõ ràng hơn.

Dù không thể khẳng định chắc chắn các chính sách về tiền tệ của Trung Quốc, trong đó có việc để đồng nội tệ rớt giá có đủ để làm thổi bùng lên một cuộc chiến tiền tệ trong thời gian tới hay không song chắc chắn sẽ khiến Tổng thống Trump có những động thái chỉ trích Trung Quốc về ý đồ giảm giá nội tệ nhằm thúc đẩy xuất khẩu, dẫn đến xu thế thương mại không công bằng theo quan điểm của chính quyền Mỹ. Và điều này ít nhiều sẽ làm phức tạp thêm cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung vốn vẫn chưa tìm được lối thoát./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại