Cánh tay robot vớt một hiện vật bằng sứ trong chuyến khảo cổ dưới đáy Biển Đông mà Trung Quốc thực hiện. (Ảnh: CCTV)
Ba xác tàu này được tìm thấy ở vùng biển nằm giữa bờ biển phía Nam của Trung Quốc và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đài CCTV đưa tin ngày 4/9.
Theo bản tin, một nhóm nhà khoa học và kỹ sư từ hơn 10 viện nghiên cứu sử dụng công nghệ giám sát quy mô rộng đã xác định hơn 60 hiện vật bằng gốm, sứ bằng đất sét, xu bằng đồng và ván gỗ được đưa lên bờ từ độ sâu khoảng 3.000m.
Chen Chuanxu, nhà khoa học phụ trách dự án và đang cộng tác với Viện Khoa học và Kỹ thuật biển sâu của Trung Quốc, cho biết nhóm đã tìm kiếm ở nơi sâu hơn ba lần so với các cuộc trước đây, nhưng đạt được độ chính xác lớn hơn nhờ kết hợp giữa robot và con người.
Chen nói với CCTV rằng sóng siêu âm được sử dụng để xác định vị trí vật thể quan tâm, sau đó chụp ảnh chúng bằng tàu lặn không người lái.
Các thước phim do nhóm lặn ghi lại và được chiếu trên CCTV cho thấy nhóm này dùng laser quét vỏ tàu, thu thập mẫu trầm tích để đưa lên phân tích, dùng cánh tay tự động để nhấc những đồ vật dễ vỡ như đồ gốm và sứ lên.
Deng Qijiang, phó giám đốc viện khảo cổ dưới nước thuộc Cục Di sản văn hóa quốc gia Trung Quốc, nói với CCTV rằng cần điều tra thêm để xác định thời gian và đặc điểm các tàu. Tuy nhiên, chuyến tìm kiếm vừa qua đã “thiết lập bộ quy trình điều tra khảo cổ dưới đáy biển sâu, sẽ mở đường cho việc tìm kiếm và khám phá nhiều hơn cổ vật văn hóa dưới đáy biển trong tương lai”, ông Deng nói.
Chính phủ Trung Quốc có một kế hoạch tham vọng trong 5 năm về triển khai các cuộc tìm kiếm khảo cổ trên khắp đại dương của thế giới, dọc theo con đường tơ lụa trên biển từ Đông Nam Á đến châu Phi cho đến năm 2025.
Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và biến thành một tiền đồn quân sự. Việt Nam nhiều lần tuyên bố có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, và mọi hoạt động của các bên tại hai quần đảo này nếu không có sự đồng ý của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị.
Theo SCMP