"Trung Quốc vẫn chưa chịu mua": Bắc Kinh dền dứ, Mỹ sốt sắng lo kèo đã cam kết bị lật

An An |

Nhiều chuyên gia thương mại Mỹ dấy lên nghi ngờ rằng, với việc hòa hoãn trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc, Washington có thể đã "mất nhiều hơn được"

Trung Quốc chưa thu mua nông sản

Sau khi kết thúc cuộc đàm phán với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Osaka, Nhật Bản vào tháng 6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Trung Quốc sẽ lập tức bắt đầu thu mua nông sản từ Mỹ để đổi lấy việc Washington ngừng áp thuế với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo The New York Times, tính đến thời điểm hiện tại, phía Trung Quốc vẫn chưa thực hiện cam kết này.

"Trong thời gian đàm phán, Bắc Kinh không những đã từ chối tiến hành bất kỳ cam kết rõ ràng nào về việc thu mua nông sản Mỹ mà còn cho rằng, việc thu mua quy mô lớn phụ thuộc vào sự tiến bộ để đạt được một thỏa thuận thương mại cuối cùng nhưng một thỏa thuận như vậy vẫn rất xa xôi", NYT dẫn nguồn tin tiết lộ.

Điều này khiến các chuyên gia thương mại Mỹ dấy lên nghi ngờ rằng, với việc hòa hoãn trong chiến tranh thương mại, Washington có thể đã "mất nhiều hơn được".

"Trung Quốc sẽ thu mua một lượng lớn thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp và họ sẽ sớm bắt đầu, gần như ngay lập tức bắt đầu", ông Trump cho biết vào ngày 29/6, "Chúng tôi sẽ cung cấp cho họ một danh sách các sản phẩm mà chúng ta hy vọng họ sẽ mua. Nông dân của chúng ta sẽ được hưởng lợi rất nhiều".

Nhưng kể từ sau cuộc họp, Bắc Kinh vẫn chưa tiến hành thu mua quy mô lớn bất kỳ mặt hàng nông sản nào của Mỹ.

Hôm thứ Ba, Cố vấn kinh tế trưởng Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết Mỹ hy vọng Trung Quốc bắt đầu thu mua đậu nành, lúa mì và các sản phẩm năng lượng tiềm năng nhưng chưa được thực hiện.

Trung Quốc vẫn chưa chịu mua: Bắc Kinh dền dứ, Mỹ sốt sắng lo kèo đã cam kết bị lật - Ảnh 1.

Trung Quốc chưa nhập khẩu đậu nành Mỹ như cam kết. Ảnh: Reuters

"Nhằm thể hiện thành ý, Tổng thống đã ám chỉ rằng chúng tôi sẽ ngừng áp đặt bất kỳ khoản thuế mới nào", Kudlow nói. "Bây giờ, chúng tôi hy vọng song song với các cuộc đàm phán, Chủ tịch Tập Cận Bình ngay lập tức và nhanh chóng phải có hành động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là sự chân thành nhưng cũng là giao dịch đúng nghĩa".

"Tôi chưa thấy họ làm điều đó", ông Kudlow, "Nhưng điều đó thực sự là một phần của các cuộc đàm phán".

Washington hy vọng và sốt sắng

Nhưng mới đây, Washington lại có hy vọng về việc Trung Quốc thu mua nông sản quy mô lớn. Bởi vào ngày 9/7, Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc về đối thoại kinh tế toàn diện Trung-Mỹ Lưu Hạc và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn đã điện đàm với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin để trao đổi quan điểm về việc thực hiện sự đồng thuận của hai nguyên thủ quốc gia đã đạt được tại Osaka.

Trước đó, về vấn đề giao dịch nông sản Trung-Mỹ, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong khẳng định rằng:

"Hai nước Trung-Mỹ có sự bổ sung mạnh mẽ trong lĩnh vực thương mại nông sản và không gian hợp tác rộng lớn. Trong thời gian qua, do xung đột thương mại Trung-Mỹ nên trao đổi nông sản song phương cũng bị ảnh hưởng, đây là điều mà chúng tôi không muốn thấy. Trao đổi nông sản là một vấn đề quan trọng cần được thảo luận bởi cả hai bên. Hy vọng rằng cả hai bên sẽ tìm ra giải pháp cho các vấn đề dựa trên lợi ích cơ bản của nhân dân hai nước và trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau".

Trước đó, truyền thông Trung Quốc cho rằng, thu mua nông sản Mỹ là "lá bài đàm phán đặc biệt của Bắc Kinh".

Theo NYT, khả năng chiến tranh thương mại kéo dài không những đã làm rung chuyển thị trường chứng khoán mà còn ảnh hưởng tới cuộc vận động tranh cử nhiệm kỳ Tổng thống tiếp theo của ông Trump.

Vì vậy, khi Tổng thống Trump đạt được một lệnh "đình chiến" trong cuộc gặp gỡ với ông Tập, rất nhiều người đã nhen nhóm hy vọng.

"Tổng thống Trump luôn cố gắng làm giảm bớt ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại đối với nông dân Mỹ bởi khoảng một phần ba thu hoạch của họ xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong khi, nông dân chiếm phần quan trọng trong lực lượng cử tri ủng hộ Tổng thống Trump nhưng họ đã bị ảnh hưởng khi Mỹ áp đặt thuế đối với Trung Quốc".

Trung Quốc đã trả đũa vào các sản phẩm của Mỹ, bao gồm cả đậu nành và các doanh nghiệp nước này cũng dần ngừng mua các sản phẩm của Mỹ, thay vào đó họ chuyển hướng sang Brazil và nhiều nước khác.

Một vài ngày trước khi hai nhà lãnh đạo Trung-Mỹ gặp nhau tại Osaka, Trung Quốc đã mua một số lượng lớn đậu nành như một cử chỉ thiện chí rõ ràng. Ngày 28/6, Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố rằng, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã mua 544.000 tấn đậu nành, đơn hàng lớn nhất kể từ cuối tháng 3 đến nay.

Nhưng kể từ đó, không có thông tin thêm về các đơn hàng tiếp theo.

Ông Eswar Prasad, Giáo sư về thương mại quốc tế Đại học Cornell cho biết các quan chức Trung Quốc khẳng định rằng bất kỳ các trao đổi tiếp theo nào cũng chỉ là một phần của thỏa thuận, chứ không phải nhượng bộ đơn phương.

"Về nguyên tắc, Trung Quốc cam kết thu mua hàng hóa Mỹ nhiều hơn, bao gồm nông sản nhưng [điều này chỉ xảy ra] khi các cuộc đàm phán thương mại đạt được một số tiến bộ," ông Prasad nhận định. "Nếu cuộc đàm phán thương mại bị phá vỡ, Trung Quốc sẽ không thực hiện đầy đủ các cam kết."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại