Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm BRICS tại Ấn Độ vào cuối tuần qua, một thỏa thuận liên chính phủ đã được ký kết cho phép New Delhi có thể bắt đầu sở hữu hệ thống phòng không tiên tiến S-400 Triumph do Nga sản xuất vào năm 2020.
Theo Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, thỏa thuận về việc chuyển giao hệ thống S-400 cho Ấn Độ là một chỉ dấu quan trọng cho thấy Nga mong muốn tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với các đồng minh chính.
"S-400 là hệ thống mới nhất của chúng tôi. Chúng tôi đang trang bị nó cho lực lượng vũ trang của mình và chúng tôi mới chỉ dành ngoại lệ cho các đồng minh thân thiết nhất như Ấn Độ và Trung Quốc", ông Rogozin nhấn mạnh.
Quả thật trước Ấn Độ, Trung Quốc là nước đầu tiên mà Nga cho phép xuất khẩu hệ thống S-400. Tạp chí The Diplomat (Mỹ) cho hay vào mùa Xuân năm 2015, Nga đã đồng ý bán cho Trung Quốc sáu hệ thống S-400 Triumph với trị giá hợp đồng khoảng 3 tỷ USD.
Như thông tin của TASS (Nga) thì thời gian giao hàng là trong vòng từ 12-18 tháng còn theo tiết lộ của quan chức Nga, vào đầu năm 2017, Nga sẽ chuyển cho Trung Quốc bốn hệ thống S-400 đầu tiên.
Không rõ Trung Quốc sẽ bố trí S-400 ở đâu, nhưng thông tin trên tờ The Economic Time điện tử (Ấn Độ) cho biết trong năm hệ thống S-400 mua của Nga, New Delhi sẽ bố trí ba hệ thống chống lại Pakistan và hai hệ thống chống lại Trung Quốc, gồm một ở phía Đông và một ở phía Tây Đường Kiểm soát thực tế (LoAC).
Theo tờ Đa chiều của Mỹ, từ việc Nga bán S-400 và trước đó là máy bay chiến đấu Su-27, Su-30MK, Su-35; hệ thống phòng không S-300, tàu ngầm lớp Kilo và trực thăng vũ trang Mi-171 có thể thấy những thứ vũ khí được nhìn nhận như một đối sách chiến lược của Trung Quốc và Nga nhằm chống lại Mỹ, cuối cùng lại trở thành "sản phẩm đại trà".
Chỉ cần Trung Quốc có thể mua vũ khí từ Nga thì Moskva liền mở bán chúng ra bên ngoài, thậm chí là có tính năng tiên tiến hơn loại bán cho Trung Quốc.
Đặc biệt, các nước láng giềng có quan hệ căng thẳng với Trung Quốc có thể bất cứ lúc nào cũng có được những thứ vũ khí mà Trung Quốc coi là "mũi nhọn", bỏ công sức gian khổ đàm phán với Nga kèm theo không ít điều kiện về kinh tế, chính trị.
Nói cách khác, Trung Quốc chưa kịp nhận hàng, càng không kịp "giương oai" với các nước láng giềng, Nga liền mở bán sản phẩm đó cho các nước xung quanh Trung Quốc.
Những loại vũ khí tiên tiến của Nga sẽ giúp các nước láng giềng của Trung Quốc điều gì? Trong một bài viết được tờ Đa chiều trích dẫn, chuyên gia quân sự Trung Quốc Trần Quang Văn cho biết phía Nga nói Su-35 có thể đối phó với F-35 của Mỹ. F-35 là loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 4, đương nhiên, có thể đối phó với J-20 của Trung Quốc.
Như vậy, trước khi Trung Quốc có được phiên bản xuất khẩu tiêm kích tàng hình thế hệ năm T-50, các nước láng giềng của Trung Quốc như Ấn Độ vẫn có năng lực đối phó với ưu thế về máy bay tàng hình do Trung Quốc nhập khẩu cũng như sản xuất.
Đối với hệ thống S-400, một khi được bố trí ở biên giới với Trung Quốc, ưu thế của các loại tên lửa đạn đạo tầm trung, tầm ngắn của Trung Quốc như Đông Phong-16B và Đông Phong-21C sẽ bị giảm mạnh trước năng lực chống tên lửa mạnh mẽ của S-400.
Bên cạnh đó, máy bay chiến đấu hiện đại của Trung Quốc cũng rất khó để có thể chắc chắn giành được ưu thế trên không nếu đối thủ sở hữu S-400.
Theo bài báo, Nga rõ ràng không muốn Trung Quốc "một mình lớn mạnh", cũng không muốn để nước láng giềng lớn nhất, đồng thời là đối thủ cạnh tranh tiềm tàng có thể muốn làm gì thì làm với những loại vũ khí tiên tiến mua từ Nga.
Moskva càng không muốn để Trung Quốc phát triển thành một mối đe dọa nào đó. Ngoài ra, Nga còn không muốn các đồng minh truyền thống của mình như Ấn Độ rơi vào tình trạng "chiếu dưới" sau khi Trung Quốc có được vũ khí tiên tiến từ Nga.
Điều này không phù hợp với lợi ích chiến lược của Nga. Moskva cần những nước này để kiềm chế Trung Quốc về mặt chiến lược.