Chính phủ các quốc gia đánh cá hàng đầu trên thế giới, nổi bật là Trung Quốc, cần cắt giảm trợ cấp cho các đội tàu công nghiệp để giảm bớt nạn đánh bắt quá và cứu đại dương
Lời kêu gọi được đưa ra trong một cuộc nghiên cứu quốc tế được tiến hành bởi các chuyên gia tại Hội Địa lý quốc gia ở Washington, Trường ĐH California (Mỹ), Trường ĐH British Columbia (Canada) và Trường ĐH Tây Úc. Lý do là bởi các khoản tiền trợ cấp nói trên đang giúp duy trì hoạt động đánh bắt xa bờ mang tính tận diệt. Ông Enric Sala, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, đặc biệt lo ngại về những hành vi đánh bắt đe dọa hủy hoại hệ sinh thái biển, như giăng lưới vét cá dưới đáy biển.
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Science Advances hôm 7-6, khoảng 54% ngành công nghiệp đánh bắt cá xa bờ sẽ không đạt lợi nhuận với quy mô như hiện nay nếu không có những khoản trợ cấp lớn của chính phủ. Nghiên cứu ghi nhận rằng chi phí đánh bắt xa bờ trên toàn cầu trong năm 2014 là từ 6,2-8 tỉ USD. Kết quả tài chính năm đó dao động từ lỗ 364 triệu USD đến lãi 1,4 tỉ USD.
Theo thống kê, Trung Quốc trợ cấp 148 triệu USD cho các đội tàu đánh bắt xa bờ năm 2014, chiếm 10% toàn cầu. Khoản tiền này chủ yếu dùng để mua nhiên liệu cho tàu cá hoạt động ở vùng biển xa. Trong bối cảnh nguồn hải sản gần bờ giảm sút những năm qua, ngư dân Trung Quốc được khuyến khích tiến ra ngoài khơi xa hoặc đi vào các vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác.
Theo nghiên cứu trên, đội tàu xa bờ của Trung Quốc đã đánh bắt được 1,32 triệu tấn hải sản - nhiều nhất thế giới. Khu vực đánh bắt đem lại nhiều lợi nhuận nhất cho Trung Quốc là Tây Bắc Thái Bình Dương. Dù vậy, hầu hết ngư trường khác có vẻ như đều khiến tàu cá nước này thua lỗ. Tàu cá Trung Quốc chịu lỗ nhiều nhất khi hoạt động ở phía Tây Nam Đại Tây Dương - bình quân 98 triệu USD, tính luôn cả khoản trợ cấp của Bắc Kinh.
Điều đáng lo là ngư dân Trung Quốc có liên quan đến không ít vụ đụng độ với tàu cá và lực lượng tuần duyên các nước khi hoạt động xa bờ. Hồi tháng 3-2016, lực lượng tuần duyên Argentina đã đánh chìm một tàu cá Trung Quốc hoạt động bên trong lãnh hải của mình. Nguy cơ đụng độ này có thể gia tăng khi Ngân hàng Thế giới dự báo nhu cầu hải sản ở Trung Quốc sẽ tăng 30% vào năm 2030.
Vào năm ngoái, Bộ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc Hàn Trường Phú buộc phải thừa nhận thực trạng đánh bắt cá quá mức đã làm cạn kiệt nguồn thủy hải sản trong nước và khẳng định đã đến lúc cắt giảm đội tàu đánh cá - hiện có quy mô lớn nhất thế giới - để bảo vệ nguồn cá. Thêm vào đó, ông Hàn nhấn mạnh việc đánh bắt cá của Trung Quốc ở các đại dương phải tuân thủ các quy định chặt chẽ, chịu sự giám sát và có tinh thần kỷ luật tự giác, "dần dần loại bỏ các phương cách đánh bắt lạc hậu, hủy hoại môi trường".
Theo tờ South China Morning Post, Bắc Kinh từng cho thấy ý định có những bước đi nhằm bảo vệ môi trường biển, như hướng đến mục tiêu giảm ít nhất 20% hoạt động đánh bắt trên đại dương và khống chế số tàu đánh cá đại dương ở mức 3.000 chiếc vào năm 2020. Ngoài ra, hồi tháng 12-2017, Trung Quốc đã cùng với 8 quốc gia và Liên minh châu Âu nhất trí không đánh bắt cá ở Bắc Cực trong vòng ít nhất 16 năm để bảo vệ môi trường. Ông Sala nhận định động thái này là sự khởi đầu tốt nhưng vẫn còn nhiều việc cần phải làm.