Trong thông báo ngày 8/9, CNSA cho biết lễ ký diễn ra đầu tháng này, đánh dấu việc Nam Phi chính thức tham gia chương trình Trạm nghiên cứu mặt trăng quốc tế (ILRS).
Thông báo của CNSA nhấn mạnh, điều này cho thấy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng được mở rộng, góp phần thúc đẩy tiến bộ khoa học và công nghệ vũ trụ của mỗi nước.
Hai bên sẽ tiến hành hợp tác sâu rộng trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, triển khai kỹ thuật, vận hành và ứng dụng ILRS.
Ngoài ra, trong khuôn khổ hợp tác của Nhóm BRICS (gồm Trung Quốc, Nam Phi, Brazil, Nga và Ấn Độ) về phát triển hệ thống vệ tinh viễn thám, hai cơ quan trên đã hợp tác về trao đổi và ứng dụng dữ liệu viễn thám, cũng như các trạm vệ tinh Trái đất.
Có thể thấy, cuộc đua lên mặt trăng của các cường quốc đang trở nên khốc liệt hơn còn bởi kho tài nguyên trên mặt trăng có thể đạt giá trị hơn 1 triệu tỷ USD.
Các nhà khoa học phát hiện ra những phân tử Hydroxyl bao gồm hydro và oxy trải rộng trên bề mặt mặt trăng và tập trung ở các cực. Chúng không chỉ quan trọng đối với sự sống của con người mà còn có thể được sử dụng làm nhiên liệu tên lửa.
Ngoài ra, trên mặt trăng còn có Helium-3. Đây là một đồng vị của Heli rất hiếm trên Trái đất. Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ ước tính, có khoảng 1 triệu tấn Helium-3 trên mặt trăng.
Còn theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu, đồng vị này có thể cung cấp năng lượng hạt nhân trong lò phản ứng nhiệt hạch và vì nó không phóng xạ nên sẽ không tạo ra chất thải nguy hiểm.
Nghiên cứu của tập đoàn Boeing còn cho biết thêm, các kim loại đất hiếm, được sử dụng trong điện thoại thông minh, máy tính và công nghệ tiên tiến, hiện có trên mặt Trăng. Ngoài đất hiếm, mặt trăng còn có rất nhiều khoáng chất khác bao gồm bazan, sắt, thạch anh, silicon, bạch kim, palladium, rhodium, titan...