Phi cơ lớn nhất thế giới
Được cất giữ ở một khoang nhỏ của căn cứ không quân thời Xô Viết ở ngoại ô Kiev là chiếc máy bay hàng đầu của hãng thiết kế huyền thoại Antonov. Một kiệt tác được thiết kế và chế tạo trong những năm 1980 vào thời tàn lụi của Liên Xô.
An-225, có biệt danh 'Mriya' (tiếng 'Ước mơ') ở Ukraine, là chiếc máy bay lớn nhất từng bay trên trái đất. Đã 30 năm tuổi, và gần đây đã được nâng cấp để phục vụ thêm 20 năm nữa, An-225 hiếm khi cất cánh. Thay vào đó, nó nằm im lặng dưới một vòm thép khổng lồ.
Tuy nhiên, các nhân viên kỹ thuật vẫn định kỳ chăm sóc nó. Việc bị sử dụng ít ỏi không liên quan gì đến tuổi của An-225. Nó phải nằm bẹp chỉ đơn giản vì người ta có ít nhu cầu đối với dịch vụ chuyên môn hóa cao và tương đối đắt tiền này.
Mặc dù máy bay đang trong tình trạng tốt nhưng có rất ít công việc đòi hỏi phải vận chuyển thứ gì đó quá lớn. Và nếu muốn sử dụng An-225 thì chi phí sẽ khoảng 30.000 USD một giờ.
Năm 2016, An-225 chỉ có 2 lần phục vụ dài trong 3 tháng đi vòng trái đất. Phần thời gian còn lại, nó nằm ở sân bay Gostomel, nơi từng một thời là sân bay thử nghiệm bí mật hàng đầu của Antonov.
Khởi đầu được chế tạo để chuyên chở tàu con thoi Buran của Liên Xô, chiếc An-225 buộc phải tìm ra mục đích mới để vận chuyển hàng hóa sau khi Liên Xô sụp đổ - Alexander Galunenko, người đầu tiên lái máy bay này cho hay.
"Khi Liên Xô sụp đổ, chương trình đã ngừng lại và việc cấp tài chính cũng dừng vì nhu cầu đối với máy bay này không còn" - Galunenko nói. Lần đầu tiên ông lái An-225 vào ngày 21/12/1988, sau hơn một thập kỷ làm phi công thử nghiệm của Liên Xô.
Bất cứ ai muốn thuê chiếc An-225 thì phải trả 30.000 USD một giờ
Galunenko nhớ lại vẻ ngỡ ngàng khi lần đầu tiên đưa máy bay khổng lồ này qua thăm Mỹ.
"Chúng tôi được mời đến một cuộc trình diễn hàng không ở Oklahoma và các phương tiện truyền thông báo rằng sẽ có máy bay lớn nhất thế giới để thu hút đông người tới", ông nói.
"Mọi người đều nghĩ rằng máy bay lớn nhất thế giới là của hãng Boeing. Chúng tôi phải nói với họ là nó do hãng Antonov chế tạo, thế rồi họ hỏi, 'Antonov là ở đâu?' Chúng tôi nói, 'Đó là một hãng ở Kiev', vì vậy họ hỏi 'Kiev là gì?' Chúng tôi trả lời, 'Kiev là ở Ukraine,' và dĩ nhiên họ hỏi, 'Nhưng Ukraine là gì?'"
Ông Galunenko cuối cùng đành rút bản đồ của mình ra và chỉ Ukraine cho nhiều du khách tò mò. "Tôi lấy bút và khoanh tròn vị trí Kiev để cho họ biết," Galunenko cười. "Chúng tôi đã phải trình diễn máy bay của chúng tôi để giảng một bài học địa dư cho người Mỹ".
Tại một buồng được trang trí với các mô hình của tất cả máy bay mà hãng đã chế tạo trong 71 năm lịch sử của mình, kỹ sư trưởng của chiếc An-225 - Nikolay Kalashnikov nói với BBC rằng ông dành cả cuộc đời chuyên nghiệp của mình cho hãng Antonov. Nhưng việc chế tạo Mriya là đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của ông.
"Bây giờ thật khó để nói, nhưng hồi đó nó thật là ấn tượng. Khó có thể tưởng tượng rằng một cỗ máy lớn như vậy có thể bay được" - Kalashnikov nói.
Mặc dù chiếc Ruslan An-124 đã là máy bay chở hàng có kích thước rất ấn tượng vào thời điểm đó nhưng Kalashnikov và đội của ông đã triển khai sửa đổi cấu trúc để tăng lực cất cánh tối đa.
Họ đã thêm hai động cơ, các hàng cơ cấu hạ cánh, kéo dài thân máy bay và thiết kế lại đuôi để đáp ứng yêu cầu quan trọng nhất, nhằm đảm bảo tàu con thoi Buran và tên lửa phát động Energia có thể trượt ra khỏi máy bay khi đang bay rồi bay vào trong vũ trụ.
Alexander Galunenko là người đầu tiên lái chiếc máy bay An-225.
"Nó có thể chở mọi thứ, tàu con thoi và tất cả các thành phần của tên lửa", giám đốc điều hành hãng Antonov Airlines - Mikhail Kharchenko cho biết tại văn phòng của ông ở sân bay Gostomel, "Ý tưởng này đã không biến mất. Mỹ hiện đang nghiên cứu một chương trình xuất phát bay từ trên không".
Ở thời đó, các sứ mệnh không gian của Liên Xô được xuất phát từ nơi mà bây giờ là Nam Kazakhstan, tại sân bay vũ trụ Baikonur. Vì vậy, nhiệm vụ của An-225 là mang các tên lửa đẩy từ Moscow và chở Buran đến Baikonaur.
Họ tính toán rằng chương trình An-225 sẽ rẻ hơn so với việc xây dựng một đường cao tốc vượt hai con sông và qua vùng Urals chỉ để di chuyển những bộ phận nói trên.
Kharchenko tin rằng máy bay Mriya vẫn có tiềm năng rất lớn, dù đã lâu đời, và không chỉ vì khả năng vận tải khổng lồ của nó. Ông nghĩ rằng vẫn còn cơ hội để phát triển An-225 thành bệ phóng thích hợp ở trên không .
"Khoảng 90% năng lượng của tên lửa đẩy được sử dụng để đạt tới độ cao 10km" giám đốc điều hành nói, "Nếu chúng ta lấy một chiếc tàu vũ trụ, đặt nó lên lưng Mriya và bay lên đến độ cao 10km, thì chúng ta có thể phóng nó vào không gian từ đó. Trên quan điểm chi phí thì lợi ích kinh tế là rất lớn nếu ta phóng từ độ cao 10km".
Mặc dù thừa nhận rằng vẫn phải điều chỉnh một chút nhưng Kharchenko tin rằng đây là hướng đi tốt nhất cho chiếc máy bay hàng đầu của công ty ông. Và không phải chỉ có ông nghĩ như vậy.
Kế hoạch của Trung Quốc
Vào năm 2016, Tập Đoàn Công Nghiệp Hàng Không Trung Quốc (AICC), một công ty nhà nước về quốc phòng và hàng không vũ trụ của Trung Quốc, đã ký thỏa thuận hợp tác với hãng Antonov cho chương trình An-225. Nếu mọi việc diễn ra như kế hoạch thì bầu trời sẽ sớm tràn ngập phi đội An-225 của Trung Quốc.
"Ý tưởng ban đầu và nghiên cứu giai đoạn đầu của An-225 đã bắt đầu vào năm 2009" chủ tịch của AICC, Zhang Yousheng, cho BBC Future biết. "Quá trình tiếp xúc, làm việc chính thức với Antonov bắt đầu vào năm 2011, và sau đó từ 2013 đến 2016 là giai đoạn tăng tốc của dự án".
Công ty Trung Quốc không quan tâm đến việc mua chiếc máy bay An-225 đang bay được. Trong 30 năm qua, họ đã nghiên cứu tính khả thi của việc hiện đại hóa chiếc máy bay An-225 khác còn lại. Đây là một kết cấu máy bay chưa hoàn tất nằm trong nhà chứa tại khuôn viên của hãng khổng lồ Antonov ở trung tâm thành phố Kiev trong 30 năm qua.
Máy bay này, khi được hiện đại hóa, có thể mang lại cho Trung Quốc khả năng vận tải hạng nặng hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, thậm chí còn lớn hơn cả của quân đội Mỹ.
Theo Zhang, chiếc An-225 sẽ là tâm điểm của một kế hoạch lớn đầy tham vọng để bổ sung thêm vào 1.000 máy bay chở hàng nặng trong 10 năm tới.
Tuy nhiên chở hàng nặng không phải là khả năng duy nhất họ đeo đuổi.
"An-225 có thể mang tàu vũ trụ đến độ cao lớn, và có thể phóng vệ tinh thương mại ở bất kỳ độ cao nào dưới 12.000 m", Zhang nói với BBC, "Thời điểm phóng của nó khá linh hoạt, chính xác, và có thể nhanh chóng đưa vệ tinh vào quỹ đạo dự định, làm giảm đáng kể chi phí phóng vệ tinh".
Người Trung Quốc đang đi vào ngành công nghiệp phóng vệ tinh sinh lợi nhuận và nó đã tăng gấp đôi doanh thu từ 2006 đến 2015, theo số liệu của AICC.
Thỏa thuận mua bán kết cấu máy bay An-225 cũng giống như việc Trung Quốc đã mua một chiếc thân máy bay vận tải của Ukraine cách đây gần 20 năm. Thân máy bay này, ban đầu được Liên Xô đưa vào sử dụng, đã được chế tạo lại và hiện đại hóa trong 2 thập niên cho đến khi nó được quân đội Trung Quốc công bố "sẵn sàng chiến đấu" vào tháng 11/2016.
Nếu kế hoạch này tiến triển, thì máy bay Mriya sẽ tìm thấy cuộc sống mới trên bầu trời cho AICC của Trung Quốc, còn Ukraine sẽ mất đi một phần nhỏ nhưng mang tính biểu tượng trong ngành công nghiệp hàng không của mình. Những người làm máy bay có cảm xúc lẫn lộn về triển vọng mất chương trình này với người Trung Quốc.
"Người Trung Quốc muốn mua máy bay của chúng tôi và không có gì nguy hại trong việc này, song tất nhiên không ai muốn bán nó", Kalashnikov nói, "Mriya không tách rời khỏi Ukraine, nó giống như con của chúng tôi, và cháu chắt chúng tôi luôn tự hào về nó".