The Times (Anh) ngày 23/8 cho biết, Trung Quốc bắt đầu xây dựng một căn cứ quân sự ở thị trấn Obock, Cộng hòa Djibouti - đất nước nằm ở Đông Phi. Đây được coi là "điểm chi viện chiến lược" trong "chuỗi ngọc trai" của Trung Quốc.
Điều đặc biệt, Obock nằm ở phía bắc vịnh Tadjoura, cách Camp Lemonnier - căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở châu Phi chỉ 13 km.
Theo giới phân tích, sau khi hoàn thành vào năm 2017, căn cứ này dự kiến trở thành nơi cung cấp vũ khí, tàu chiến, bảo dưỡng máy bay và rất có thể lực lượng thủy quân lục chiến hoặc đặc nhiệm Trung Quốc sẽ hiện diện tại đây.
Chỉ là "điểm chi viện chiến lược"?
Căn cứ quân sự Trung Quốc ở Djibouti qua vệ tinh. (Ảnh: China Topix)
Trung Quốc luôn tỏ thái độ cẩn trọng khi đề cập đến căn cứ Djibouti. Mới gần đây, nước này tuy đã thừa nhận xây dựng "căn cứ ở nước ngoài" nhưng đều né tránh hai từ "quân sự" và thường gọi là "điểm chi viện chiến lược" hay "căn cứ hậu cần nước ngoài".
Theo Đa chiều (Mỹ), hiện nay, ngoài "điểm chi viện chiến lược" tại Djibouti được Bắc Kinh công nhận, các điểm chi viện chiến lược khác đều tồn tại dưới hình thức phi quân sự tại châu Phi.
Quân đội Trung Quốc nhất mực tuyên bố: "Bắc Kinh theo đuổi chính sách quốc phòng phòng ngự, không xưng bá, không tranh bá, không mở rộng quân sự."
Năm 2015, khi thông tin Bắc kinh xây dựng căn cứ quân sự tại Djibouti được tiết lộ, quân đội nước này vẫn một mực khẳng định "không có bất cứ căn cứ quân sự nào được dựng tại nước ngoài". Tuy nhiên, theo giới quan sát, chính sách trên đã được Bắc Kinh "bí mật" công khai.
Tháng 11/2015, một phần cơ sở cảng Darwin được các doanh nghiệp Trung Quốc thuê với thời hạn 99 năm.
Cảng Darwin được đánh giá có hệ thống cơ sở quân sự hoàn thiện, với sân bay rộng lớn có thể chứa các loại hình máy bay chiến đấu và thuận tiện cho tàu chiến cập bến.
Đặc biệt, đây là thành phố nằm gần châu Á nhất của Australia, là điểm chi viện quan trọng nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương của liên minh Mỹ - Australia.
Một số chuyên gia quân sự gọi đây là "căn cứ Guam thứ hai".
Cũng theo giới quan sát, các điểm chi viện chiến lược ở nước ngoài của Trung Quốc hiện nay có chung hai đặc điểm.
Thứ nhất, có ý nghĩa nhất định trong cục diện tại Ấn Độ Dương, được phương Tây gọi là chiến lược "chuỗi ngọc trai".
Thứ hai, nằm trong chiến lược của Bắc Kinh tại Tây Thái Bình Dương.
Theo như cách sắp xếp, "điểm chi viện chiến lược" xa nhất của Bắc Kinh kéo dài đến tận thành phố cảng Darwin, Australia.
"Đây không phải là một sắp xếp tùy ý", Đa chiều nhấn mạnh.
Chiến lược này đã gây lo ngại cho các nước trong khu vực cũng như các nước có tuyến giao thông đi qua khu vực này.
Đặc biệt với Ấn Độ, "chuỗi ngọc trai" giống như "chiếc thòng lọng" bao vây Ấn Độ, ngăn cản ảnh hưởng của New Delhi đối với khu vực Ấn Độ Dương truyền thống.
Chiến lược này cũng ảnh hưởng đến lợi ích của Nhật Bản khi họ cần một tuyến giao thông an toàn và ổn định từ vùng Vịnh qua Ấn Độ Dương, qua biển Đông rồi đến Nhật. Bởi 90% dầu mỏ Nhật nhập khẩu đi qua vùng biển Nam Á và biển Đông.
"Djibouti không phải là căn cứ quân sự theo đúng nghĩa. Nó là nơi để bộ đội nghỉ ngơi, hồi phục, điều chỉnh nhưng nó đích thực là chỗ đứng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương", một chuyên gia an toàn hàng hải Ấn Độ nhận định.
Tuy nhiên, Bắc Kinh một mực phủ nhận sự tồn tại của một "chuỗi ngọc trai" và bao biện, đó là những cảng biển thương mại thuần túy và Trung Quốc đầu tư xây dựng các cảng nhằm bảo vệ tuyến hàng hải của nước này.
Đa chiều tiết lộ, Bắc Kinh những năm gần đây ra sức thuê mua các bến cảng, bến tàu trên toàn thế giới.
Giới quan sát cho hay, sự hiện diện tại các bến cảng này chứng minh, Trung Quốc đang tìm kiếm lợi ích lớn hơn. Đồng thời, việc tăng cường và công khai lực lượng quân đội tại khu vực này cho thấy đây không phải chỉ là sự "khoe mẽ".
"Kinh doanh bằng gươm"
Trung Quốc hiện nay có hai tuyến đường "chi viện chiến lược" mang tính định hướng được họ tuyên bố là xuất phát từ yêu cầu bảo vệ lợi ích cốt lõi của kinh tế, năng lượng quốc gia.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, hai tuyến đường mang tính định hướng này một phần xuất phát từ nhu cầu kinh tế, phần còn lại xuất phát từ yêu cầu chiến lược quân sự.
Có ý kiến cho rằng, qua đánh giá quyền, lợi ích trên biển và nhu cầu sách lược về cảng biển cho thấy cách làm của Bắc Kinh rất giống với nước Anh cuối thế kỷ 18.
Đế quốc Anh khởi nguồn với các thuộc địa và "trạm thương mại ở nước ngoài" do Anh thiết lập từ cuối thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 18.
Ở giai đoạn đỉnh cao, họ trở thành đế chế lớn nhất trong lịch sử với sức mạnh dẫn đầu thế giới trong hơn một thế kỷ và cai trị đến 1/5 dân số thế giới.
Tuy nhiên, Trung Quốc "kinh doanh bằng gươm" chứ không phải "mang gươm đi kinh doanh" như Anh.
Trung tâm phân tích hải quân Mỹ nhận định, trong vài năm tới, số lượng và sức mạnh của hải quân Trung Quốc sẽ đứng hàng đầu thế giới. Tình hình phát triển giống như hải quân Nhật Bản trước Chiến tranh thế giới II.
Tàu hộ vệ tên lửa lớp Type 054A Duy Phường cập cảng Djibouti thực hiện nhiệm vụ sơ tán ngày 1/4/2015. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Truyền thông Anh đã sớm e ngại về một cuộc xung đột lớn có thể xảy ra ở biển Đông.
Trung Quốc muốn xây dựng lực lượng hải quân với quy mô nhất định, có thể hoạt động ở các vùng biển gần như biển Đông và Hoa Đông, cũng có thể vươn tới các vùng biển khác trên thế giới.
Hơn nữa, khoảng 30% lượng giao dịch thương mại toàn cầu đi qua biển Đông, với tư cách là cường quốc thương mại trên thế giới, Trung Quốc tất yếu muốn nắm quyền kiểm soát khu vực giao thương tấp nập này.
Báo Giải phóng quân - cơ quan ngôn luận của Quân ủy trung ương Trung Quốc, nói rằng trong thế kỷ 21, hải quân nước này cần "mở rộng không gian sứ mệnh mới, đánh thắng chiến tranh trên biển, hoàn thành đa dạng các nhiệm vụ và nâng các năng lực tác chiến ở các lĩnh vực mới".
Mới đây, hãng Nikkei (Nhật Bản) đưa tin, Trung Quốc đang tự đóng mới một tàu sân bay tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh.
Cơ quan tình báo Mỹ dự đoán, "Trung Quốc sẽ nhanh chóng trở thành một nước thành thạo trong việc sản xuất tàu sân bay".
Theo giới phân tích, tàu chiến sau khi hạ thủy, quan trọng nhất chính là bến đỗ.
Nếu trong các cuộc xung đột tương lai, Trung Quốc cần tàu chiến như thế nào thì sẽ cần bến đỗ như vậy. Do đó, các tiền đồn nằm trên trục "chi viện chiến lược" hiện nay đều có ý nghĩa phục vụ cho mục đích quân sự này.
"Một phần trong bức tranh kinh tế toàn cầu được Trung Quốc dựng lên với cách thức "kinh doanh bằng gươm" chính nhằm phục vụ cho những xung đột quân sự trong tương lai.
Có thể trong thời khắc tất yếu, Bắc Kinh sẽ biến những "điểm chi viện chiến lược" này trở thành những căn cứ quân sự đúng nghĩa", Đa chiều nhấn mạnh.
Chiến lược "chuỗi ngọc trai" chỉ sách lược triển khai an ninh hàng hải - quân sự của Bắc Kinh nhằm phục vụ tham vọng mở rộng ảnh hưởng từ châu Á sang châu Phi.
Thuật ngữ này được Mỹ đưa ra lần đầu tiên vào năm 2005 trong báo cáo mật mang tên Tương lai của năng lượng châu Á.
"Chuỗi ngọc trai" chỉ các căn cứ quân sự, cảng biển của Trung Quốc nằm rải rác như những hạt ngọc trai.
Chúng chạy theo tuyến đường hàng hải trên biển bắt đầu từ đảo Hải Nam qua biển Đông, eo biển Malacca, sang Ấn Độ Dương… đến tận châu Phi (Somali) và Vịnh Ba Tư, đặc biệt là các nước dọc vùng biển Ấn Độ Dương như Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka...