Trung Quốc tung "cú đạp" mới khuấy động thị trường, đáp trả Mỹ: Ai kẹt giữa căng thẳng?

Thúy Khương |

Nikkei Asian Review đưa tin, Trung Quốc mới đưa ra luật kiểm soát xuất khẩu, có hiệu lực từ 1/12 để củng cố cơ chế hiện có, bảo vệ lợi ích quốc gia trước áp lực ngoại thương.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Luật sẽ tăng cường kiểm soát của Bắc Kinh đối với dòng chảy hàng hóa, công nghệ và dịch vụ. Dưới góc nhìn về an ninh quốc gia, nó làm dấy lên những lo ngại về các rào cản thương mại khi Bắc Kinh tìm kiếm hợp tác với các nước khác.

Luật này được Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc thông qua vào ngày 17/10, được đưa ra 1 năm sau khi Mỹ có các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhắm vào các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei và ByteDance.

Các sản phẩm quân sự, vật liệu hạt nhân và các mặt hàng có công dụng kép trong các lĩnh vực quân sự và dân sự nằm trong số các danh mục được kiểm soát theo luật.

Luật mới có ảnh hưởng rộng

Theo Nikkei, ảnh hưởng của luật này rất rộng rãi vì nó liên quan đến các nhà xuất khẩu, các nhà cung cấp dịch vụ trung gian như giao nhận hàng hóa, cũng như những người mua hàng hóa ở nước ngoài.

Trong khi chính phủ vẫn chưa công bố danh sách các mặt hàng bị kiểm soát, các doanh nghiệp dự kiến sẽ cần thêm nguồn lực để đáp ứng các nhu cầu mới.

Các nhà phân tích tại Mondaq - công ty tư vấn tại Anh cho biết: "Hiện tại, luật còn rất mơ hồ và thiếu độ chính xác cần thiết để thực thi ngoài khuôn khổ cơ bản đã vạch ra."

Nikkei cho hay luật đã khuấy động sự không chắc chắn của thị trường ngay cả trước khi được thực thi.

Giá kim loại đất hiếm - nguyên liệu thô được sử dụng để sản xuất các thiết bị điện tử bao gồm điện thoại thông minh, đã tăng vọt vào tháng 11. Dự đoán mặt hàng này sẽ bị đưa vào danh sách mặt hàng bị kiểm soát.

Nikkei Asia dẫn lời chuyên gia Nathan Bush từ công ty luật DLA Piper, Singapore cho biết, mặc dù có bản chất toàn diện, nhưng luật kiểm soát xuất khẩu lần này không phải là quá mới vì Bắc Kinh từ lâu đã có các biện pháp hạn chế xuất khẩu các sản phẩm nhạy cảm.

Các đối tác thương mại liên quan đến các mặt hàng hạn chế của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng

Chuyên gia Bush nói: "Bắc Kinh đáp trả Danh sách Thực thể của Washington bằng bước phát triển quan trọng trong luật kiểm soát xuất khẩu mới," ông đề cập đến các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống lại các công ty công nghệ Trung Quốc với lý do an ninh quốc gia.

Ông Nathan Bush bổ sung, nếu ông Joe Biden lên làm Tổng thống Mỹ, việc lấy xuất khẩu như một hình thức trừng phạt kinh tế sẽ vẫn là "động lực chính" của quan hệ Trung Quốc - Mỹ trong tương lai gần. Không chỉ Mỹ mà Bắc Kinh cũng có thể hạn chế xuất khẩu với bất kỳ nước nào mà họ cho là đã hành động trái với lợi ích quốc gia của Trung Quốc, ông nói.

Nikkei đánh giá, hành động này dường như đang gửi những tín hiệu trái chiều tới các đối tác thương mại của Trung Quốc. Do luật yêu cầu các doanh nghiệp phải xin giấy phép cho các mặt hàng không được niêm yết có thể nhạy cảm với an ninh quốc gia, nên có thể tạo thêm đòn bẩy cho Bắc Kinh trong các lĩnh vực như chuyển giao công nghệ.

Ông Bush nói: "Nguy cơ bị đưa vào danh sách đen theo luật có thể ngăn cản các công ty nước ngoài tham gia các hoạt động thương mại hoặc quan hệ công chúng không phù hợp với các chính sách của chính phủ Trung Quốc."

Với việc Trung Quốc hiện ngang hàng với Mỹ về các công cụ trừng phạt, các công ty không thuộc Mỹ có thể thấy ràng buộc, ông Bush nói. Những nhóm như vậy "có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt nặng nếu tiếp tục kinh doanh với các công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen, hoặc có nguy cơ khiến Bắc Kinh phẫn nộ bằng cách cắt đứt quan hệ."

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại