Loại tên lửa không đối không này do Viện nghiên cứu quang - điện Lạc Dương phát triển. Nguyên mẫu đầu tiên được chế tạo vào năm 2013. PL-10 có chiều dài 3m, khối lượng 105kg và tầm bắn 20km.
PL-10 được trang bị đầu dò hồng ngoại đa kênh với khả năng chống nhiễu và có thể đánh trúng mục tiêu ở ngoài tầm ngắm.
Một số hình ảnh tên lửa PL-10E tại Triển lãm Hàng không Chu Hải 2016.
Ưu điểm chính của loại tên lửa này là nó được trang bị động cơ kiểm soát vector lực đẩy giúp đạt được độ linh hoạt cao. Các chuyên gia của cả Trung Quốc và phương Tây đều cho rằng PL-10 hiện nay là dòng tên lửa không đối không tầm ngắn hiện đại nhất của Không quân Trung Quốc.
Các chỉ số dẫn bắn tên lửa có thể được hiển thị trên thiết bị gắn ở mũ phi công. PL-10 dự kiến được trang bị trên các máy bay chiến đấu thế hệ 5 J-20 cũng như J-11 của Trung Quốc.
Việc Trung Quốc trưng bày công khai tên lửa không đối không tầm ngắn PL-10 cho thấy dường như công tác phát triển loại tên lửa này đã hoàn tất và nước này sắp chuyển sang chế tạo hàng loạt.
Theo website hàng không Aviators, nếu đối đầu với J-20, tiêm kích F-22 của Mỹ sẽ phải mất thời gian để khóa mục tiêu. Trong khi đó, cơ chế ngắm bắn đơn giản như trên sẽ cho phép J-20 bắn tên lửa PL-10 nhanh hơn và đánh trúng F-22 trước.
Hơn nữa, với công nghệ lực đẩy vector, PL-10 có thể tấn công hiệu quả các mục tiêu cơ động cao.
Một số phi công F-22 lo ngại rằng khi Trung Quốc đưa vào trang bị J-20, F-22 sẽ hoàn toàn mất đi ưu thế trên không.