Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết, trong năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu hơn 824.400 tấn sầu riêng tươi từ các nước Đông Nam Á, con số này gấp 4 lần so với năm 2017. Điều này đã thúc đẩy nhiều công ty đầu tư vào trồng loại trái cây nhiệt đới này ở Trung Quốc.
Vụ thu hoạch sầu riêng đầu tiên
Ông Lim Chin Khee – là một trong nhiều chuyên gia sầu riêng Malaysia đang hỗ trợ nông dân Trung Quốc trồng vụ sầu riêng đầu tiên của họ theo định kỳ 2 tháng một lần. Vai trò của Khee là truyền thụ các kiến thức cần thiết để giúp mọi người nông dân ở tỉnh Hải Nam đều có thể trồng được sầu riêng.
Chuyên gia sầu riêng người Malaysia cũng không ngần ngại việc chia sẻ cách sử dụng phân bố và tưới nước cho nông dân Trung Quốc.
Trong năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu hơn 824.400 tấn sầu riêng tươi từ các nước Đông Nam Á, con số này gấp 4 lần so với năm 2017. (Ảnh: SCMP)
Trong giai đoạn đầu, diện tích trồng sầu riêng ở Hải Nam ước tính vào khoảng 400 ha, nếu so về quy mô các vườn sầu riêng của Malaysia không bằng Trung Quốc nhưng chất lượng trái mang lại tốt hơn. Malaysia gần như có chỗ đứng riêng trong thị trường sầu riêng Trung Quốc và họ không sợ bản thân bị cướp mất thị phần.
Việc chuyên gia Khee sẵn sàng giúp đỡ nông dân Trung Quốc trồng sầu riêng là một dấu hiệu cho thấy sự tự tin của Malaysia về thế mạnh cây ăn quả nhiệt đới. Chặng đường trái cây nhiệt đới Trung Quốc thay thế được hàng nhập khẩu còn khá dài.
Dù vậy Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam vẫn tỏ ra thận trọng trước sự xuất hiện của một đối thủ cạnh tranh lớn trên thị trường sầu riêng.
Nông dân Trung Quốc bắt đầu trồng khoảng 206.000 ha trái cây nhiệt đới ở tỉnh Hải Nam từ những năm 1950. Việc trồng sầu riêng hứa hẹn sẽ là cây trồng mang lại lợi nhuận chính của tỉnh này và quá trình này càng được thúc đẩy nhờ vào tiến bộ khoa học công nghệ giúp đẩy nhanh chu kỳ tăng trưởng.
Chuyên gia Lim cho biết, ông không nghĩ sản lượng trái cây nhiệt đới ở Hải Nam sẽ phát triển như người Trung Quốc kỳ vọng vì chi phí canh tác cao trong khi đó tỉnh này thường xuyên gặp bão.
Ông Sam Sin - Giám đốc phát triển của S&F Produce Group cho biết, khí hậu cận nhiệt đới của Hải Nam tạo ra những quả sầu riêng không có chất lượng tương đương được trồng ở Thái Lan, vốn đã có danh tiếng từ lâu. Công ty của Sin thay vì đầu tư vào Hải Nam lại lựa chọn thuê đất nông nghiệp ở Thái Lan để trồng cây ăn quả và thu mua một số loại trái cây nhiệt đới có giá trị xuất khẩu cao từ địa phương.
“Tôi nghĩ rằng người Trung Quốc luôn có nhận thức về nguồn gốc xuất xứ của trái cây”, ông Sin nói sau lễ khai mạc hội chợ thực phẩm Thái Lan tại một siêu thị ở Hong Kong.
Vị giám đốc này cho rằng, người tiêu dùng Trung Quốc đã quá quen thuộc với trái cây Thái Lan trong các kỳ nghỉ lễ, điều này mang đến cho trái cây nhiệt đới nhập khẩu một vị thế đặc biệt.
“Chúng tôi nhận thấy sự tăng trưởng nhanh chóng của trái cây nhiệt đới nhập khẩu ở thị trường Trung Quốc”, ông Sin nói, đồng thời cho biết rằng tăng trưởng của công ty ông luôn ở mức hai con số trong suốt 9 năm qua.
Trái cây nhiệt đới Thái Lan bày bán tại một siêu thị ở Hong Kong ngày 12/5. (Ảnh: Ralph Jennings)
Một lợi thế khác của các nước Đông Nam Á trong việc xuất khẩu trái cây đó là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc, thỏa thuận này đã giúp cắt giảm thuế quan đối với nhiều loại trái cây nhiệt đới.
RCEP đã giúp xoài, dừa và sầu riêng của Philippines đến được Trung Quốc, nơi những loại trái cây này thường không nhiều, Aaron Rabena, nhà nghiên cứu tại Tổ chức Con đường Tiến bộ Châu Á-Thái Bình Dương ở Manila cho biết.
Theo Chen Shuang – chủ một cửa hàng trái cây ở Thượng Hải cho biết, giá vải thiều, xoài, đu đủ và thanh long ở cửa hàng ông rẻ hơn so với trái cây nhập khẩu từ Đông Nam Á. Tuy nhiên nguồn cung trái cây nhiệt đới ở Trung Quốc thường không được đảm bảo.
“Sản lượng trái cây nhiệt đới ở Hải Nam không thể đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và sản lượng của chúng không ổn định lắm” , ông nói Shuang và cho biết thêm rằng sầu riêng và táo sáp vẫn phải nhập khẩu.
Sầu riêng Trung Quốc sẽ vượt mặt Thái Lan?
SCMP dẫn lời các nhà phân tích cho biết, sự tự tin của Đông Nam Á sẽ bị lung lay nếu nông dân Trung Quốc áp dụng công nghệ trong trồng trọt trên diện rộng, điều này không chỉ giúp tăng sản lượng mà còn hạ giá thành trái cây nhiệt đới.
Chuyên gia Khee cho biết, người nông dân ở Hải Nam có mưa và “thời tiết nóng” có lợi cho họ, đồng thời thừa nhận rằng họ rất chịu khó tìm hiểu và cập nhật các công nghệ mới trong trồng trọt giúp nâng cao chất lượng trái cây.
“Hầu hết vườn trái cây ở Hải Nam đã áp dụng công nghệ tự động hóa để kiểm soát chi phí, đây có thể là bài học cho người nông dân Malaysia” , ông Khee nói.
Khee cho biết thêm, các đồn điền sầu riêng của Malaysia có diện tích nhỏ hơn của Hải Nam, khiến Malaysia gặp bất lợi tiềm ẩn trong bất kỳ cuộc đua nào với Trung Quốc về sản lượng thuần túy.
Trung Quốc nhập khẩu hơn 824.000 tấn sầu riêng tươi, trị giá hơn 4 tỷ USD vào năm ngoái, tăng gấp bốn lần so với năm 2017.
Du Baizhong - Tổng giám đốc của Công ty Nông nghiệp Youqi Hải Nam cho biết, ông dự kiến sản xuất tới 50 tấn sầu riêng trong năm nay sau khi cử công nhân từ cơ sở Hải Nam đến Đông Nam Á để nghiên cứu cũng như làm việc với Học viện Nông nghiệp Nhiệt đới Trung Quốc. Áp dụng công nghệ đã giúp Youqi tăng tốc độ chu kỳ trưởng từ 10 năm xuống còn 3 năm.
Cây sầu riêng tại một đồn điền ở Tam Á, Hải Nam. (Ảnh: CCTV)
Ông Baizhong cho biết công ty Youqi Hải Nam đã tìm ra cách tự động hóa việc phân phối nước, quản lý phân bón và theo dõi thời tiết đối với đồn điều sầu riêng. Nhưng ông thừa nhận rằng việc trồng sầu riêng ở Hải Nam đòi hỏi nhiều “sự can thiệp” hơn so với ở Đông Nam Á.
Dù vậy một số nhà phân tích cho biết trái cây nhiệt đới Hải Nam cuối cùng sẽ tăng trưởng nếu áp dụng các mô hình công nghệ như hiện tại, không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường Trung Quốc mà còn xuất khẩu ngược lại các nước Đông Nam Á.
Ông Adam McCarty, là người sáng lập đồng thời là chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty tư vấn Mekong Economics, cho biết trái cây nhiệt đới Trung Quốc có thể sẽ sớm xuất hiện ở thị trường Việt Nam thông qua biên giới trên bộ.
“Có rất nhiều trái cây Trung Quốc đang chiếm thị phần lớn ở Việt Nam như táo và cam. Chúng thường rẻ hơn và thời gian bảo quản cũng lâu hơn các trái cây bản địa”, ông McCarty nói.
Ông McCarty cho biết, Việt Nam phát triển các khu vực trồng cây ăn trái riêng biệt phục vụ cho thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Tuy nhiên sự thiếu sự phối hợp từ trên xuống dưới đang làm cản trở ngành xuất khẩu cây ăn trái của Việt Nam vươn xa hơn ra thị trường quốc tế.
Còn tại Philippines, các nhà lập pháp đã bắt đầu đặt câu hỏi về giá trị thỏa thuận RCEP.
Thượng nghị sĩ Philippines Imee Marcos cho rằng, liệu có “thực tế” khi kỳ vọng Trung Quốc mua tất cả sầu riêng của Philippines hay không khi quan hệ hai bên còn những rào cản chưa thể vượt qua.
Trong khi đó những người nông dân trồng chuối, dừa và sầu riêng ở Philippines lại có cách nhìn khác sau Bắc Kinh và Manila ký một thỏa thuận xuất khẩu trái cây trị giá 2 tỷ USD vào tháng 1/2023.
Về cơ bản trái cây nhiệt đới Trung Quốc khó có thể xâm nhập sâu vào thị trường Đông Nam Á, khi ở mỗi nước đều duy trì chính sách hỗ trợ nông nghiệp địa phương. Điển hình như ở Thái Lan, chính phủ nước này có thể đưa ra các biện pháp hỗ trợ nông dân ngay khi thị trường có dấu hiệu chững lại.
Chỉ tính riêng năm 2022, Thái Lan đã xuất khẩu sang Trung Quốc số sầu riêng trị giá 3,1 tỷ USD, chiếm 96,2% kim ngạch xuất khẩu trái cây của nước này.
Chính phủ Thái Lan tin tưởng rằng xuất khẩu sầu riêng, măng cụt, nhãn, xoài và dừa trên thị trường quốc tế sẽ sớm đạt giá trị hơn 200 tỷ baht (5,83 tỷ USD).