Lăng Vân, nghĩa là “vươn tới mây xanh”, sử dụng động cơ phản lực tĩnh siêu thanh do Trung Quốc phát triển và thử nghiệm năm 2015, đồng thời được cho là có tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh.
Đây là tên lửa siêu thanh gần đây nhất được biết đến kể từ khi Nga tuyên bố thử nghiệm tên lửa siêu thanh Kinzhal hồi tháng 3 và Mỹ cùng với Australia liên kết thử nghiệm hệ thống siêu thanh HIFiRE năm 2012.
Tên lửa Lingyun-1 được phát triển bởi Viện khoa học công nghệ hàng không vũ trụ thuộc Đại học công nghệ quốc phòng Trung Quốc, một phần của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc.
Ông Joshua Pollack – chuyên gia phân tích thuộc Viện nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin cho rằng, việc công bố tên lửa siêu thanh này cho thấy Trung Quốc ngày càng tinh vi trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển quân sự.
Ông Pollack giải thích, “đây là hệ thống sử dụng không khí do vậy nó không được thiết kế để vượt ra khỏi bầu khí quyển. Tôi không biết về tầm phóng của tên lửa này, nhưng tôi nghi ngờ nó không thể vượt qua đại dương hay có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Tên lửa này sẽ có thể mang đầu đạn thông thường và tấn công một mục tiêu được bảo vệ như một con tàu, cảng biển hoặc sân bay”. Tên lửa này khác xa với tên lửa Đông Phong DF-17 cũng của Trung Quốc. DF-17 có khả năng vươn tới lục địa Mỹ và được cho là “lưỡng dụng”, tức là có khả năng mang cả đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thông thường.
Trong cuộc điều trần trước Tiểu ban về các mối đe dọa mới nổi thuộc Thượng viện Mỹ hồi tháng 4 vừa qua, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách nghiên cứu và kỹ thuật Michael D. Griffin cho rằng có khoảng cách giữa khả năng siêu thanh của Trung Quốc và Mỹ.
Theo ông, Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí siêu thanh để tấn công mục tiêu cách xa bờ biển nước này hàng nghìn km khiến các nhóm tác chiến tàu sân bay và các lực lượng của Mỹ được triển khai trên mặt đất gặp nguy hiểm, trong khi Mỹ không có khả năng phòng thủ hoặc tấn công tương đương.