Trung Quốc triển khai phi pháp 4 chiến đấu cơ J-10 đến Hoàng Sa

Minh Hằng |

Hình ảnh vệ tinh thu thập cho thấy ít nhất 4 tiêm kích J-10 của Trung Quốc đã được triển khai tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Từ các bức ảnh được chụp vào ngày 19.6 do ImageSat International cung cấp cho CNN cho thấy, Trung Quốc đã triển khai ít nhất 4 chiến đấu cơ J-10 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Bắc Kinh đang chiếm đóng phi pháp. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai chiến đấu cơ J-10 tới các đảo nước này chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông.

Các nhà phân tích quân sự nhận định rằng việc các máy bay đậu ngoài trời, cùng các thiết bị đi kèm, cho thấy nhóm tiêm kích này đã có mặt tại đảo Phú Lâm ít nhất 10 ngày.

"Trung Quốc muốn gây sự chú ý đến số chiến đấu cơ này, nếu không thì chúng đã đậu trong nhà chứa máy bay chứ không phải ngoài trời. Họ muốn truyền đi thông điệp nào đó", Peter Layton, cựu sĩ quan không quân hoàng gia Australia và chuyên gia tại Viện Griffith châu Á, nhận định với CNN.

Cũng theo ông Layton, việc điều các tiêm kích tới Biển Đông có thể là đợt triển khai huấn luyện sớm như một phần của kế hoạch đưa phi đội J-10 vào trạng thái sẵn sàng tác chiến trong vùng nhận diện phòng không mà Trung Quốc đơn phương áp đặt ở Biển Đông.

Trung Quốc triển khai phi pháp 4 chiến đấu cơ J-10 đến Hoàng Sa - Ảnh 1.

Chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc - Ảnh: CNN

Trong khi đó, cựu Giám đốc chiến dịch ở trung tâm tình báo thuộc Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương Thái Bình Dương của Mỹ, ông Carl Schuster cho rằng, việc triển khai J-10 là động thái phô trương sức mạnh của Trung Quốc nhằm "khẳng định đó là lãnh thổ của họ và họ có thể đặt máy bay quân sự ở đó bất cứ khi nào họ muốn".

"Trung Quốc cũng muốn chứng minh rằng họ có thể mở rộng phạm vi sức mạnh không quân trên Biển Đông khi cần", ông Schuster nói.

J-10 là máy bay phản lực chiến đấu với tầm tác chiến khoảng 740 km, có thể vươn tới hầu khắp các khu vực của Biển Đông và những tuyến hàng hải trọng yếu của khu vực. Theo giới phân tích, cả 4 chiến đấu cơ đều không mang bình nhiên liệu bên ngoài, cho thấy chúng sẽ được tiếp nhiên liệu trên đảo.

Thời gian qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nhiều lần phản đối các hoạt động phi pháp của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hòn đảo này.

Bà Hằng hồi tháng 3 đã khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa theo quy định của luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động không có sự cho phép của Việt Nam ở hai quần đảo này đều là phi pháp".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại