Trung Quốc tranh thủ lấy lòng châu Á trước khi Mỹ thay đổi chính quyền

Bình Giang |

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm nay bắt đầu chuyến công du đầu tiên của năm đến các nước châu Á, bắt đầu từ Myanmar, trước khi xảy ra khả năng thay đổi chính sách ở Washington dưới thời chính quyền Joe Biden.

Ông Vương Nghị vừa trở về từ chuyến thăm 6 ngày đến châu Phi, nói ông đến thăm 5 quốc gia và cam kết đẩy mạnh hợp tác trong mọi lĩnh vực, từ y tế đến nông nghiệp, quân sự và hạ tầng.

Chuyến công du mới nhất của ông Vương Nghị diễn ra khi nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump đang được đếm ngược, và ông Biden đang chuẩn bị cho lễ nhậm chức vào ngày 20/1.

Có nhiều dự đoán ở châu Á rằng ông Biden sẽ ưu tiên xây dựng lại mạng lưới đồng minh ở khu vực để đối phó với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc. Dưới thời chính quyền Trump, Washington và Bắc Kinh gia tăng căng thẳng trên nhiều mặt trận, trong đó có vấn đề Biển Đông và Đài Loan.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, chuyến đi 6 ngày lần này của ông Vương Nghị sẽ bao gồm các chặng dừng chân ở Myanmar, Indonesia, Brunei và Philippines.

Bắc Kinh không thông báo cụ thể về chuyến thăm của ông Vương Nghị, nhưng trang tin The Irrawaddy của Myanmar dẫn lời các quan chức từ bộ ngoại giao nước này cho biết chuyến thăm nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với chính phủ của Liên minh quốc gia vì dân chủ, khi đảng này đang chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ 2.

Trang tin nói rằng ông Vương Nghị cũng sẽ thúc giục Naypyidaw tăng tốc triển khai các dự án trong khuôn khổ Hành lanh kinh tế Trung Quốc – Myanmar, một phần của sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc.

Trong chuyến thăm Myanmar của ông Tập Cận Bình vào tháng 1/2020, hai bên ký 33 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận, ý định thư và biên bản, trong đó 13 văn kiện liên quan đến hạ tầng, đáng chú ý nhất là Đặc khu kinh tế Kyaukpyu ở Vịnh Bengal.

Chưa có mấy tiến triển trong triển khai các dự án kể từ đó đến nay, một phần vì tình hình đại dịch COVID-19. Nhưng giới chức địa phương nói rằng các dự án sẽ được triển khai sau khi chúng được đánh giá hiệu quả thương mại và phù hợp với kế hoạch phát triển của Myanmar.

Tuy nhiên, hai bên hôm qua đã ký biên bản ghi nhớ về nghiên cứu khả thi dự án đường sắt kết nối Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, với Kyaukpyu, một thành phố chính ở bang Rakhine, Đại sứ quán Trung Quốc ở Myanmar cho biết.

Ngày 10/1, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết các lĩnh vực chủ chốt, bao gồm thương mại và đầu tư, phát triển hạ tầng và ứng phó với đại dịch, sẽ được nhấn mạnh trong chương trình trao đổi khi ông Vương thăm Manila trong 2 ngày 15-16/1.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại