Ngoài ra, “Ấn Độ tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân với ít nhất 5 hệ thống vũ khí mới đang được phát triển để bổ sung hoặc thay thế cho các máy bay có năng lực hạt nhân hiện có, các hệ thống phóng vũ khí từ mặt đất và các hệ thống phóng vũ khí từ biển.”
Không giống như các lực lượng hạt nhân lấy tên lửa làm trung tâm của Mỹ và Nga, Ấn Độ vẫn phụ thuộc nặng nề vào các loại máy bay ném bom. Đây là điều không bất ngờ bởi Ấn Độ mới chỉ phóng tên lửa đạn đạo có khả năng hạt nhân đầu tiên vào năm 2003.
Ông Kristensen và ông Korda ước tính Ấn Độ vẫn duy trì 3 đến 4 phi đội tấn công hạt nhân có từ thời Chiến tranh Lạnh, phi đội máy bay Mirage 2000H của Pháp và máy bay Jaguar IS/IB nhằm vào Pakistan và Trung Quốc.
“Bất chấp các hoạt động nâng cấp, lực lượng máy bay ném bom hạt nhân của Ấn Độ vẫn đang ngày càng trở nên già cỗi và Ấn Độ có thể đang tìm kiếm một loại máy bay ném bom chiến đấu hiện đại hơn, có thể tiếp quản nhiệm vụ tấn công hạt nhân từ trên không trong tương lai”, nguồn tin cho hay.
Ấn Độ sẽ mua 36 chiếc chiến đấu cơ Rafale của Pháp – một loại chiến đấu cơ mang theo vũ khí hạt nhân đang phục vụ trong quân đội Pháp. Những chiếc đấu cơ Rafale có thể làm nhiệm vụ tương tự cho Ấn Độ.
Lực lượng tên lửa hạt nhân của Ấn Độ chỉ mới 15 tuổi nhưng nó đã sở hữu trong tay 4 loại vũ khí tên lửa đạn đạo được phóng đi từ mặt đất gồm tên lửa tầm ngắn Prithvi-II và Agni-I; tên lửa tầm trung Agni-II và Agni-III. “Ít nhất 2 loại tên lửa Agni tầm xa hơn đang được phát triển là Agni-IV và Agni-V,” nguồn tin cho biết thêm.
“Không rõ Ấn Độ định phát triển cũng như duy trì bao nhiêu loại tên lửa thuộc dòng Agni”.
Ấn Độ cũng đang phát triển tên lửa hành trình Nirbhay được phóng đi từ mặt đất. Tên lửa này giống tương tự như tên lửa Tomahawk đình đám của Mỹ. Ngoài ra, Ấn Độ còn có tên lửa đạn đạo tầm ngắn được phóng đi từ biển – Dhanush.
Ấn Độ đang phát triển 3 hoặc 4 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân. Những chiếc tàu ngầm mới này sẽ được trang bị các tên lửa tầm ngắn hay tầm xa lên đến gần 4.000km.
Những thông tin trên chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc lo ngại trong bối cảnh quan hệ giữa New Delhi và Bắc Kinh không mấy êm đẹp. Giữa hai nước có cuộc tranh chấp lãnh thổ nóng bỏng ở khu vực biên giới. Ngoài ra, còn tồn tại một cuộc đua ngầm rất mạnh giữa hai nước lớn của Châu Á nhằm tranh giành ảnh hưởng về vị thế trong khu vực cũng như quốc tế.
Trong những năm qua, New Delhi nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự của họ là nhằm để đối phó với hai nước láng giềng Trung Quốc và Pakistan.
Mặc dù quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã được cải thiện trong những năm gần đây. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Tuy nhiên, tranh chấp xung quanh đường biên giới dài 4.057km giữa hai nước này vẫn chưa được giải quyết. Năm 1962, giữa Ấn Độ và Trung Quốc từng nổ ra một cuộc chiến tranh ngắn liên quan đến tranh chấp biên giới.
Bắc Kinh đòi chủ quyền trên vùng lãnh thổ rộng khoảng 90.000 km, bao phủ gần hết bang Arunachal Pradesh. Trung Quốc gọi vùng lãnh thổ đó là “Nam Tây Tạng". Trung Quốc liên tục nhắc đi nhắc lại rằng cuộc chiến năm 1962 chưa phải là chương cuối trong cuộc tranh chấp xung quanh bang Arunachal và rằng Arunachal vẫn là vùng lãnh thổ đang bị tranh chấp.
Bất kỳ động thái nào của Ấn Độ nhằm xác định quyền kiểm soát đối với khu vực biên giới Arunachal đều khiến Trung Quốc nổi giận. Ví dụ như năm 1986, việc Ấn Độ nhắc đến Arunachal như là một bang của nước này đã châm ngòi cho một cuộc giao tranh ác liệt giữa hai nước ở Sumdurong Chu.
Trong nhiều thập kỷ, sau nhiều thất bại trước Trung Quốc, Ấn Độ thường chọn cách thoái lui trước Trung Quốc. Nhưng tình hình giờ đã thay đổi. Một Ấn Độ mạnh hơn lên, bạo dạn hơn lên đang khiến Trung Quốc cảm thấy lo ngại.