Tàu lặn của Trung Quốc tìm thấy mảnh vỡ từ chiếc tàu ngầm Indonesia bị chìm khiến 53 người tử vong. (Ảnh: EPA-EFE)
Nhóm cứu hộ tàu ngầm của Trung Quốc đã trục vớt hơn 700 kg các mảnh vỡ từ tàu ngầm của hải quân Indonesia bị chìm khiến 53 người thiệt mạng.
Sau khi chiếc tàu ngầm KRI Nanggala 402 của hải quân Indonesia bị chìm trong quá trình diễn tập ở gần bờ biển đảo Bali hôm 21/4, quân đội Trung Quốc đã điều động 2 tàu hải quân và một tàu nghiên cứu khoa học tới hỗ trợ tìm kiếm và trục vớt từ ngày 1/5.
“Gần đây, hạm đội hải quân Trung Quốc đã chuyển từ tìm kiếm mục tiêu dưới nước sang giai đoạn cứu hộ”, CCTV dẫn lời ông Chen Yongjing, tùy viên quân sự của đại sứ quán Trung Quốc ở Jakarta.
Đây là lần đầu tiên nhóm cứu hộ tàu ngầm của Trung Quốc tham gia sứ mệnh quốc tế nhằm hỗ trợ tìm kiếm tàu ngầm bị đắm.
Tính tới ngày 18/5, thiết bị lặn của Trung Quốc đã hoàn thành 13 hoạt động tiếp cận các mảnh vỡ của tàu ngầm KRI Nanggala 402 nằm dưới độ sâu 839 m. Trong sứ mệnh này, thiết bị của Trung Quốc đã quét hình ảnh đáy biển, cũng như chụp ảnh và quay video 3 mảnh vỡ chính của chiếc tàu ngầm Indonesia bị chìm, theo ông Chen Chuanxu, trưởng nhóm nghiên cứu trên tàu nghiên cứu Exploration 2 tiết lộ.
Cũng theo ông Chen, nhóm cứu hộ của Trung Quốc đã trục vớt hơn 700 kg mảnh vỡ bao gồm bè cứu sinh của tàu ngầm KRI Nanggala 402.
“Đối với dữ liệu điều tra liên quan, các bức ảnh chụp dưới lòng biển, video, các mảnh vỡ đã trục vớt, phía Trung Quốc không hạn chế chuyển cho quân đội Indonesia trong thời gian thích hợp”, CCTV trích lời sĩ quan phụ trách truyền thông của tàu Exploration 2 là ông Zhang Weijia.
Tàu Exploration 2 thuộc sở hữu của Viện Khoa học và Kỹ thuật Đại dương thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc. Còn tàu lặn có người lái mang tên Deep Sea Warrior với khả năng lặn xuống độ sâu 4.500 m và đang là thiết bị lặn hiện đại nhất mà Trung Quốc nắm trong tay.
Bên cạnh đó, hải quân Trung Quốc cũng cho huy động tàu cứu hộ đại dương Type 925 Phú Lâm và một tàu kéo tới tham gia tìm kiếm chiếc tàu ngầm mất tích của Indonesia.
Còn theo ông Chen, hoạt động nhân đạo là điểm nhấn trong quan hệ Trung Quốc – Indonesia và thúc đẩy sự tin tưởng đôi bên, cũng như hợp tác giữa quân đội hai nước.
Ông Chen nhấn mạnh thêm, quân đội Trung Quốc – Indonesia đã thiết lập một kênh liên lạc minh bạch và hiệu quả, đồng thời tiến hành các cuộc họp trực tuyến để bàn thảo về những vấn đề kỹ thuật liên quan tới hoạt động cứu hộ.
Tàu ngầm KRI Nanggala bị chìm trong cuộc tập trận phóng ngư lôi ở ngoài khơi đảo Bali vào ngày 21/4, khiến toàn bộ 53 người có mặt trên tàu thiệt mạng.
Ông Song Zhongping, nhà phân tích quân sự ở Hong Kong cho hay, “những thách thức lớn trong quá trình cứu hộ” có thể giúp thu thập kinh nghiệm có giá trị cho tương lai và tạo cơ hội nghiên cứu địa hình đáy biển mang lại “lợi ích cho hải quân Trung Quốc”.
Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, chia sẻ với Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), một nguồn tin an ninh Indonesia cho hay, tàu ngầm Nanggala chỉ có khả năng chuyên chở theo 34 thủy thủ “nhưng đã có thêm nhiều người đã được lên tàu” trong quá trình diễn tập.
Trên thực tế, tàu ngầm Nanggala có trọng tải 1.300 tấn có thể lặn sâu từ 250 – 500 m,. Nhưng giới chức Indonesia hôm 21/4 cho rằng, con tàu có thể đã lặn xuống độ sâu từ 600 – 700 m.
Tàu ngầm KRI Nanggala 402 được sản xuất vào năm 1977 và đi vào hoạt động vào năm 1981. Tàu ngầm này từng được hơn 10 lực lượng hải quân trên thế giới sử dụng trong 50 năm qua bao gồm Argentina, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ.
Trong khi đó, ông Zachary Abuza, Giáo sư nghiên cứu khu vực Đông Nam Á tại Trường Đại học Chiến tranh quốc gia ở Washington, cho hay tàu ngầm mất tích của Indonesia từng được tân trang lại vào năm 2012. Tuy nhiên, do hoạt động ở vùng nước ấm khí hậu nhiệt đới, tuổi thọ của tàu ngầm sẽ bị rút ngắn lại vài năm.
Hải quân Indonesia hiện nắm trong tay hạm đội gồm 5 tàu ngầm bao gồm 3 chiếc mới được đóng tại Hàn Quốc. Tàu ngầm mới nhất KRI Alugoro được lắp ráp tại Indonesia với sự hỗ trợ từ phía Hàn Quốc.