Với xuất phát điểm thua kém nhiều quốc gia khác, Trung Quốc thường chọn cách đầu tư vào những môn thể thao có khả năng tạo nên sự khác biệt lớn và không đụng phải các đối thủ quá mạnh.
Một trong những mũi nhọn đáng sợ nhất của quốc gia đông dân nhất thế giới chính là bộ môn nhảy cầu. Tới tận năm 1984, Trung Quốc mới lần đầu tiên cử VĐV tham dự, chậm hơn Đức, Mỹ những 80 năm. Nhưng họ nhanh chóng xác lập vị thế thống trị của mình ở bộ môn này.
Bắt đầu từ Olympic 1988, nhảy cầu trở thành "mỏ vàng" của Trung Quốc. Họ luôn dẫn đầu một cách thuyết phục. Rất nhiều quốc gia khác nhau nổi lên với hi vọng soán ngôi đều thất bại.
Tại Olympic 2016, mọi chuyện cũng không khác nhiều. 6 nội dung đã qua, Trung Quốc 5 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ. Đoàn Vương quốc Anh xếp thứ hai mới chỉ có vỏn vẹn 1 "vàng", 1 "bạc" và 1 "đồng".
Ở 2 nội dung còn lại, Trung Quốc gần như chắc chắn giành HCV ván cứng 10m nữ. Thậm chí họ còn có khả năng chiếm luôn 2 vị trí dẫn dầu với phong độ cực cao của 2 VĐV Si Yajie và Ren Qian (xếp 2 vị trí cao nhất vòng loại). Hi vọng dành cho các đoàn khác chỉ nằm ở nội dung ván cứng 10m nam.
Si Yajie đang có phong độ rất cao.
Người ta thường nhắc đến bóng bàn, cầu lông khi nói tới Trung Quốc tại Olympic. Tuy nhiên, chính nhảy cầu mới là môn đem đến nhiều HCV nhất cho quốc gia đông dân nhất thế giới (33 vàng).
Trang NBC New York hôm qua chạy một dòng tít ngắn gọn: "Trung Quốc lại thống trị nhảy cầu tại Rio". Nếu Trung Quốc vẫn duy trì được chiến lược đầu tư cho nhảy cầu như các năm qua, có lẽ 4 năm nữa NBC New York chỉ cần thay Rio bằng Tokyo trên tựa đề là đủ.