Bài bình luận dưới đây của tác giả Alexander Storm đăng trên tờ Pravda.ru, về "thế chân vạc" mới và nguy cơ cuộc chiến không gian trong tương lai giữa Mỹ - Trung Quốc - Nga.
TRUNG QUỐC TRỖI DẬY NHƯ VŨ BÃO
Thế giới đã từng chứng kiến cuộc Chiến tranh Lạnh kéo dài suốt mấy thập kỷ trong thế kỷ 20. Bước sang sang thế kỷ 21, tưởng như "bóng ma" của cuộc chiến đó đã lùi xa. Nhưng không phải! Nó chưa biến mất mà lại hiện về, nhưng không hẳn xuất phát từ những ý thức hệ khác nhau, mà là từ sự ganh đua của các "ông lớn" muốn làm bá chủ thế giới.
Lần này, nó diễn ra trên đầu chúng ta, trong vũ trụ.
Sau Chiến tranh Lạnh, loại người vui mừng thấy các nhà du hành của hai đại cường Mỹ và Nga cầm tay nhau bay vào vũ trụ và chung sống với nhau hàng tháng, hàng năm trong một con tàu: trạm Vũ trụ Quốc tế ISS. Tuy vậy, sau vài chục năm gá nghĩa, thời hạn sử dụng trạm ISS "già nua" này sắp kết thúc (năm 2025). Và mới đây, Trung Quốc trỗi dậy, như vũ bão.
Bắc Kinh dự định sẽ hoàn thành việc xây dựng Trạm Vũ trụ TSS "Thiên Cung"của mình vào cuối năm 2022. Mô-đun "Thiên Hòa" nặng 22 tấn vừa được tên lửa Trường Chinh 5 phóng thành công lên quỹ đạo, cộng với 11 nhiệm vụ tiếp theo sẽ được tiến hành.
Mô hình trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc.
Xa hơn, tên lửa thám hiểm Mặt Trăng Thường Nga-5 đã bay vào vũ trụ từ sân bay vũ trụ Văn Xương.
Các kế hoạch của Trung Quốc còn bao gồm việc phóng lên quỹ đạo một kính thiên văn quang học (hiện đang trong giai đoạn thiết kế với đường kính 2 mét gương chính), dự kiến sẽ có trường xem lớn hơn 300 lần so với kính viễn vọng không gian Hubble của Mỹ!
Trong bối cảnh đó, Moscow không thể để mình bị loại ra khỏi cuộc chơi.
NGA ĐÃ SẴN SÀNG CHO TRẠM VŨ TRỤ RIÊNG
Dmitry Rogozin, người đứng đầu tập đoàn nhà nước Roskosmos về các hoạt động không gian, cho biết tại Nga mọi việc đang tiến triển để tạo ra mô-đun cơ sở đầu tiên cho một trạm vũ trụ mới riêng của Nga.
Xin nhắc lại rằng ISS trong những năm vừa qua thực sự là dự án đầu tiên trong số các dự án chung đáng chú ý giữa Nga và Hoa Kỳ, nhưng hiện nay Liên bang Nga đang tìm kiếm các đối tác khác. Trong tương lai gần, có thể xuất hiện "khoảng trống" của cả Mỹ và Nga trong việc xây dựng các trạm vũ trụ - khi mà ISS "về hưu" năm 2025.
Một chuyên gia người Trung Quốc, Gordon Chang, cho biết rằng Nga và Trung Quốc gần đây đã ký một thỏa thuận mở để xây dựng một hoặc nhiều trạm nghiên cứu trên bề mặt Mặt Trăng.
Cụ thể, ngày 23/4 vừa qua, tại cuộc họp của Ủy ban Liên hợp quốc về sử dụng vũ trụ vào mục đích hòa bình, Trung Quốc và Nga đã mời các nước khác tham gia vào việc tạo ra và vận hành Trạm Mặt trăng Quốc tế.
Trước đó, tập đoàn Roskosmos lại từ chối lời đề nghị từ NASA để tham gia một sứ mệnh tương tự trên Mặt Trăng.
Vì vậy, tất cả cuộc đối đầu và bắt tay này làm chúng ta nhớ đến những năm tháng Chiến tranh Lạnh mà thế giới đã trải qua suốt nhiều thập kỷ. Ngày nay, cùng với Nga, Trung Quốc đã có thể thách thức cả Hoa Kỳ trong lĩnh vực này.
Một bệ phóng vũ trụ của tập đoàn Roskosmos.
MỸ BÌNH THẢN TRƯỚC VŨ KHÍ LASER CỦA TRUNG QUỐC
Tuy vậy, xem chừng người Mỹ lại không bị kích động và cũng không thấy lý do phải phản ứng lo ngại trước bất kỳ động thái nào của các đối thủ - thậm chí ngay cả khi các tác giả của tạp chí trực tuyến The Weichert Report lưu ý rằng trạm vũ trụ Trung Quốc sẽ tích hợp công nghệ laser, vì đó là vũ khí lưỡng dụng và cũng có thể phá hủy vệ tinh của các nước khác.
Chuyên gia Richard Fisher từ Trung tâm Chiến lược và đánh giá Quốc tế nói đại thể rằng, mô-đun của Trung Quốc dự kiến được gửi lên Trạm Vũ trụ Thiên Cung có thể được sử dụng để lưu trữ vũ khí và có thể tấn công ngược lại Trái Đất từ quỹ đạo.
Khi Trung Quốc đưa tàu Thần Châu-9 vào vận hành, nước này có thể chuyển sang kích hoạt cả các chương trình khác. Về cơ bản, không khó để tưởng tượng Bắc Kinh với các vệ tinh của họ cạnh tranh ngang ngửa với hệ thống Starlink của SpaceX của Mỹ.
Nếu Trung Quốc thành công, còn Elon Musk thất bại (công ty của ông này đang bị các cơ quan quản lý và đối thủ cạnh tranh phản đối), Bắc Kinh có khả năng chiếm vị trí thống trị trong hệ thống liên lạc 5G và 6G.
Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ không thể làm việc cùng nhau do sự khác biệt về chính trị. Mặc dù vậy, Trung Quốc lại sẵn sàng hợp tác với các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới.
Đồng thời, cũng chính Gordon Chang giải thích các sắc thái ngữ nghĩa của tên được đặt cho kẻ lang thang trong vũ trụ của họ là "Chzhuzhun". Cả từ này có nghĩa là "thần lửa", và "zhu" là "lời chúc tốt đẹp", còn "zhun" là "sự hòa nhập". Báo chí chính thức chuyển tải ý nghĩa của những mỹ từ này là "hòa bình và thịnh vượng"!
"Vũ trụ là đại dương, Mặt Trăng là quần đảo Điếu Ngư (phía Nhật gọi là Senkaku) và sao Hỏa là đảo Hoàng Nham", Ye Peijian, người đứng đầu chương trình Mặt Trăng của Trung Quốc tự tuyên bố như vậy vào tháng 7/2018.
"Hoàng Nham là tên tiếng Trung đặt cho bãi cạn Scarborough - mà Philippines cũng tuyên bố chủ quyền. Scarborough nằm ở Biển Đông và Bắc Kinh đã đơn phương chiếm bãi đá ngầm này", Gordon Chang nói thêm về thực chất của những mỹ từ trên một cách ngán ngẩm.
Cần lưu ý rằng, gần đây Nga đã phóng tổ hợp Almaz (trạm quỹ đạo chiến đấu) được chế tạo từ thời Liên Xô.
Ngoài ra, Hoa Kỳ đã nhiều lần lưu ý rằng Nga, giống như Trung Quốc, có các vệ tinh đánh chặn, cũng như các hệ thống phòng không và hàng không (chống vệ tinh) để tiêu diệt các vật thể không gian của đối phương.
Phải chăng Mỹ - Trung Quốc - Nga đang chuẩn bị cho Chiến tranh Không gian lần thứ nhất?