Tờ China Daily ngày 3/2 đưa tin, các quốc gia đang sử dụng máy bay không người lái (UAV) của Trung Quốc giờ đây có thể trang bị cho chúng một loại tên lửa mới, được thiết kế chuyên cho hoạt động chống khủng bố và các cuộc xung đột cường độ thấp.
Học viện Khí động học - Hàng không vũ trụ (đơn vị xuất khẩu máy bay không người lái quân sự lớn nhất tại Trung Quốc) cho biết gần đây họ đã tiến hành các cuộc thử nghiệm bắn đạn thật đối với tên lửa không-đối-đất tầm ngắn AR-2 tại vùng tây bắc Trung Quốc.
Máy bay không người lái CH-4. Ảnh: Popsci
Trong các cuộc thử nghiệm này, máy bay chiến đấu/trinh sát không người lái CH-4 đã được sử dụng. Tuy nhiên, ban lãnh đạo học viện cho biết tên lửa AR-12 có thể trang bị trên cả các UAV khác thuộc dòng CH. Tính đến nay, UAV CH của học viện này đã được xuất khẩu sang hơn 10 quốc gia trên thế giới.
Ngoài ra, với một vài điều chỉnh nhỏ về kỹ thuật, AR-12 còn có thể được trang bị trên trực thăng tấn công hoặc UAV loại khác.
Với khối lượng 20kg, mang đầu đạn nặng 5kg, AR-2 có tầm bắn tối đa 8km và tốc độ tối đa 735km/h. Theo các nhà thiết kế, đây là loại tên lửa hiệu quả để tiệu diệt xe bọc thép, boong-ke, các công trình kiên cố và sinh lực địch.
Trung Quốc cho rằng AR-2 sẽ trở thành đối thủ đáng gờm đối với các loại tên lửa của Mỹ, Israel... Ảnh: China Military
Zeng Like, giám đốc dự án AR-2, cho biết học viện của họ hy vọng có thể giành được thị phần từ tên lửa AGM-114 Hellfire của Mỹ - được sử dụng rộng rãi trong những năm 1990 và 2000.
Theo thống kê của Jane's Weapon Systems, hiện có ít nhất 29 quốc gia triển khai tên lửa Hellfire, trong đó có Úc, Pháp và Hàn Quốc.
"Hiện có rất nhiều chiến dịch chống khủng bố và các cuộc xung đột cường độ thấp trên thế giới. Điều này làm nảy sinh nhu cầu về các loại vũ khí hiệu quả cao, chi phí thấp có thể tấn công các loại ô tô, xe bọc thép.
Chúng tôi cho rằng hầu hết các mục tiêu dưới mặt đất của máy bay không người lái thường là mục tiêu mềm hoặc các loại xe bọc thép hạng nhẹ. Vì vậy, sẽ rất lãng phí nếu sử dụng loại tên lửa hạng nặng như AGM-114 Hellfire" - ông Zheng nói.
Theo ông Zheng, các loại tên lửa với kích cỡ nhỏ hơn, rẻ hơn như AR-2 đủ mạnh để xử lý những mục tiêu đó và khối lượng nhẹ của chúng cho phép máy bay không người lái có thể mang theo nhiều tên lửa hơn.
Tàu USS Typhoon phóng tên lửa Griffin-B. Ảnh: Defense Industry Daily.
Ngoài Hellfire, các đối thủ lớn nhất của AR-2 gồm có AGM-176 Griffin của Mỹ (hiện đang là loại vũ khí chính xác hạng nhẹ bán chạy nhất), tên lửa đa năng LMM (Lightweight Multirole Missile) của Anh và tên lửa Whip Shot của Israel.
Tuy nhiên, ông Zheng cho hay, so với các loại tên lửa trên, AR-2 mang những khả năng mạnh mẽ, trong khi lại có giá cả thấp hơn.
"Vì thế, chúng tôi lạc quan rằng nó sẽ có những triển vọng tốt trên thị trường" - ông Zheng nói.
Hiện nhiều quốc gia khách hàng của Trung Quốc đang trang bị loại tên lửa AR-1 với kích cỡ lớn hơn, nặng hơn cho các máy bay không người lái CH.