Trung Quốc thu mua mạnh cau Việt Nam: Có lợi ích gì mà được ưa chuộng đến thế?

Ngọc Minh |

Trước đây, mọi người chỉ biết đến cau như một sản phẩm của đời sống tín ngưỡng và văn hóa. Tuy nhiên, cau còn là một vị thuốc Đông y với khả năng chữa bệnh hiệu quả không ngờ.

Nội dung chính

  • Quả cau của Việt Nam được Trung Quốc thu mua mạnh.
  • Quả cau và nhiều bộ phận của cây cau được sử dụng làm thuốc.
  • Lưu ý khi dùng cau làm thuốc để tránh "lợi bất cập hại".

Theo thông tin từ báo Tuổi trẻ, trong nhiều tháng qua, Trung Quốc thu mua rất mạnh cau Việt Nam. Theo các thương lái trực tiếp đi hái cau, cau hái đến đâu được mua đến đó.

Báo Thanh Niên đưa tin, nhiều địa phương trong nước đã ghi nhận giá cau tươi tăng cao kỷ lục. Giá cau tươi tại các nơi như Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Tây Ninh, Tiền Giang, Kiên Giang... dao động từ 80.000 - 85.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại khu vực phía Bắc như Bắc Ninh, giá cau có thể lên đến 90.000 đồng/kg do nguồn cung hạn chế.

BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3) cho biết, từ xa xưa, cau đã được dùng để chữa nhiều bệnh thông thường. Theo dân gian, đây là vị thuốc dễ kiếm, có tác dụng trị bệnh hiệu quả. Theo y học hiện đại, trong quả cau có chứa nhiều tanin và arecolin có tác dụng diệt khuẩn, thông khí, lợi tiểu rất tốt cho sức khỏe.

Không chỉ quả cau, theo bác sĩ Vũ, nhiều bộ phận khác của cây cau cũng được dùng làm thuốc quý chữa bệnh.

Những bộ phận nào của cây cau được dùng làm thuốc?

Rễ cau

Rễ cau được biết tới là vị thuốc điều trị bệnh liệt dương, hỗ trợ điều trị bệnh yếu sinh lý cho nam giới. Đàn ông sinh lý yếu dùng rễ non của cây cau (20 – 30g) thái nhỏ, sao vàng, sắc với 400ml nước, sắc còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày. 

Hoa cau

Trong y học cổ truyền, nụ hoa đực của cây cau có vị hơi ngọt, tính mát, có tác dụng bổ tim, gan, dạ dày, trị ho, thanh nhiệt, thông khí, tán ứ trệ khí ở dạ dày…

Cau dùng làm thuốc (ảnh minh họa).

Bác sĩ Vũ tư vấn, hoa cau thường được dùng để trị ho, đau tức ngực, tê đau các khớp, chướng khí ở bụng, bổ tỳ - dạ dày… Ngoài ra, hoa cau có thể chế biến thành các món ăn như: hoa cau hầm thịt lợn, hoa cau nấu sườn non.

Hạt cau

Hạt cau có vị đắng chát, có tác dụng tiêu tích, lợi thủy, thông khí, diệt khuẩn, trị tả lỵ, sốt rét, phù thũng, tê phù.

Người có chứng đại tiểu tiện không thông, táo bón, đau dạ dày: Lấy 0,1g hạt cau; 0,1g mạch tiền đông nấu lên, uống lúc còn nóng. Nếu bị tê phù, kết đờm: Lấy 0,1g hạt cau đã tán bột pha với nước sôi hay hãm trà uống trong ngày.‎‎

Hạt cau còn được dùng trong các bài thuốc trị chứng khó tiêu, chướng bụng, chán ăn, tẩy giun sán…

Tủa cau rủ

Theo bác sĩ Vũ, tủa cau rủ là phần râu đen trên buồng cau. Đây là thứ thường bị mọi người bỏ đi nhưng trên thực tế, nó là một vị thuốc trị bệnh.

Bác sĩ Vũ cho biết, tủa cau rủ có thể dùng để chữa chứng hen suyễn kết đờm. Theo đó, mọi người lấy tủa cau rũ đốt tồn tính rồi tán nhỏ. Mỗi lần lấy từ 4-8g bột này trộn với cháo trắng để ăn.

Lưu ý khi dùng cau để tránh "lợi bất cập hại"

Theo bác sĩ Vũ, khi sử dụng các bộ phận của cây cau để làm thuốc, mọi người có thể gặp các tác dụng phụ nếu dùng sai cách. Ví dụ, khi sử dụng rễ cau để trị liệt dương, nếu lạm dụng có thể gây tán khí (nghĩa là hao tổn phần khí huyết bên trong cơ thể).

Do đó, để tránh những tác dụng phụ, mọi người cần sử dụng đúng liều lượng và thời gian, tốt nhất không nên tự ý sử dụng mà cần có sự tham khảo của thầy thuốc có chuyên môn. Ngoài ra, khi sử dụng, cần chọn nguyên liệu sạch, không bị nấm mốc.

Đối với những người sử dụng cau để chữa bệnh trong thời gian dài, cần theo dõi và có sự hướng dẫn của các thầy thuốc đông y để tránh những biến chứng nguy hiểm về sau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại