Trung Quốc thiếu tiền gánh chiến lược ngoại giao đồ sộ của Chủ tịch Tập Cận Bình?

Nhà báo Kiều Tỉnh |

"Vành đai và Con đường" là kim chỉ nam cho chính sách ngoại giao của Trung Quốc thời gian tới, cũng là 1 trong 2 đường lối cơ bản của "Thời đại Tập Cận Bình".

Hai chiến lược lớn Trung Quốc đưa ra trong nhiệm kỳ lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình gồm: Chiến lược đi sâu cải cách phát triển kinh tế ở trong nước, và sáng kiến "Vành đai và Con đường" về chính sách đối ngoại.

Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Vành đai và con đường" vừa được tổ chức ngày 14-15/5 tại Bắc Kinh với hơn 1.500 đại biểu từ hơn 130 nước và khu vực tới dự, trong đó có 29 nguyên thủ quốc gia.

Đây là một diễn đàn quy mô lớn được dư luận đánh giá cao, vì diễn đàn này tạo cơ hội cho nguyên thủ và lãnh đạo các nước có dịp gặp gỡ trao đổi, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và tạo cơ may cho hợp tác kinh tế đa phương và song phương thời gian tới. Có thể nói chủ đề này còn sôi nổi hơn chính bản thân “Vành đai và Con đường”.

"Mùa xuân thứ hai" cho Trung Quốc

Trong bài “Vì sao Trung Quốc lại hâm nóng 'Vành đai, Con đường'?”, tờ Financial Times của Anh cho rằng đây là chiến lược ngoại giao được Chủ tịch Tập Cận Bình ưu ái.

Thời gian qua, lãnh đạo Trung Quốc đã đổ công dốc sức cho chiến lược này, nhưng hiện đang gặp phải nhiều thách thức do các bên còn ngần ngại.

Quảng bá cho sáng kiến này ở Bắc Kinh, ông Tập nhắc lại 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình mà cố Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai từng đưa ra vào thập niên 1950, gồm: Tôn trọng độc lập chủ quyền và lãnh thổ hoàn chỉnh, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, cùng tồn tại hòa bình.

Theo Bloomberg, việc hâm nóng lại sáng kiến này cho thấy “Vành đai, Con đường” đang gặp phải nhiều thách thức và trở ngại, nên Trung Quốc muốn có thêm động lực gạt bỏ những trở ngại này.

Trung Quốc thiếu tiền gánh chiến lược ngoại giao đồ sộ của Chủ tịch Tập Cận Bình? - Ảnh 1.

Cảng Gwadar của Pakistan do Trung Quốc đầu tư và khai thác, một phần trong dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) với tổng mức đầu tư hứa hẹn tới 57 tỉ USD, thuộc sáng kiến "Vành đai và Con đường" (Ảnh: gwadarplot.com)

“Vành đai, Con đường” được ông Tập khởi xướng vào tháng 9/2013, khi ông thăm các nước Trung Á. Liên lục địa Á-Âu từ nước Anh qua Moskva, Berlin và các nước ở hai bên dọc theo trục này, nhất là từ Trung Đông tới Trung Á, hay còn gọi là “Con đường tơ lụa trên bộ” tới Bắc Kinh, có tiềm năng rất lớn.

Ngoài ra “Vành đai, Con đường“ còn bao hàm tuyến đường từ Bắc Kinh đi xuống Đông Nam Á và các nước ven bờ tây Thái Bình Dương và ven bờ Ấn Độ Dương.

Theo tính toán của Bắc Kinh, các dự án của “Vành đai, Con đường” sẽ chiếm 75% dân số thế giới, trên 60% tổng lượng GDP thế giới, chiếm 2/3 tổng trữ lượng dầu mỏ của thế giới.

Đây là thị trường mà Trung Quốc có lợi ích rất lớn, nhất là nguồn cung cấp năng lượng. Bởi vậy, nếu sáng kiến được thực hiện thì Bắc Kinh có thể đạt được nhiều mục tiêu, như tạo ra một thị trường rộng lớn thúc đẩy kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy các doanh nghiệp Trung Quốc vươn ra và làm chủ thị trường thế giới, giải quyết tình trạng hàng hóa dư thừa trong nước, từ đó tạo ra “Mùa xuân thứ hai” cho nền kinh tế Trung Quốc sau cải cách mở cửa.

Ý tưởng khắc chế "xoay trục châu Á" của Mỹ

Dư luận các nước Phương Tây cho rằng đây là "công cụ mềm" để thực hiện "Giấc mộng Trung Quốc" vươn lên vị thế lãnh đạo thế giới, nắm quyền lãnh đạo xuyên Âu-Á, từ đó hình thành một trật tự thế giới mới.

Báo chí Trung Quốc cho rằng chiến lược “Tái cân bằng Châu Á-Thái Bình Dương” của Mỹ chẳng những phá vỡ thế cờ chiến lược của Trung Quốc trong khu vực, mà còn lập được một phòng tuyến hình vòng cung trên chuỗi đảo thứ nhất từ Nhật Bản, Hàn Quốc tới Đài Loan, Philippines, Australia, New Zealand, xuống Đông Nam Á vòng qua Ấn Độ Dương tới tận Morocco, bao vây Trung Quốc.

Người Trung Quốc coi hình vòng cung này là “thế liên hoành” (dàn theo chiều ngang) chống lại Trung Quốc. Bởi vậy, Bắc Kinh cần xây dựng “thế hợp tung” (xuyên theo chiều dọc) để chống lại Mỹ.

Ý tưởng hình thành "Vành đai, Con đường" của ông Tập đã được các cấp dưới ủng hộ. Ông Vương Hộ Ninh - Chủ nhiệm Văn phong nghiên cứu chính sách trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, là người góp phần quan trọng để nâng ý tưởng lên tầm chiến lược lớn, có cơ sở lý luận, có phương châm chỉ đạo cũng như đưa ra các biện pháp chính sách thực hiện.

Trung Quốc cần nỗ lực xóa bỏ hoài nghi, mở rộng thị trường

Sau vài năm đầu triển khai, sáng kiến này có phần bị chững lại, do nhiều nguyên nhân.

Một là, nhiều nước phương Tây còn hoài nghi đối với "Vành đai, Con đường". Giáo sư Nguyễn Tông Trạch, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc ngày 5/4/2015 khi trả lời phóng viên tờ Zaobao (Singapore) thừa nhận dư luận phương Tây và kể cả các nước nằm dọc theo “Vành đai và Con đường” chưa mặn mà với sự mời chào của Bắc Kinh.

Nhưng theo ông Nguyễn, thực tế sẽ chứng minh các nước có lợi khi tham gia vào sáng kiến này.

Phó Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Đại học Thanh Hoa, giáo sư Trương Tiểu Kình cho rằng hiện nay tình hình chính trị và địa chiến lược ở châu Âu, châu Á, Trung Đông, Trung Á cũng như các nơi khác trên thế giới diễn biến rất phức tạp, một số nước lại chưa đồng tình, nên sáng kiến của Trung Quốc thời gian qua chưa thực hiện được là bao mà vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.

Việc Trung Quốc cho thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) cũng là một trong các bước thử nghiệm.

Đại sứ Trung Quốc ở Kazakhstan Diêu Bồi Sinh vừa qua nói tình hình chính trị các nước Trung Á hiện diễn biến phức tạp nên "Vành đai, Con đường” đang bị thách thức lớn.

Trung Quốc thiếu tiền gánh chiến lược ngoại giao đồ sộ của Chủ tịch Tập Cận Bình? - Ảnh 2.

Hai là, mức đầu tư cho chiến lược này được cho là vẫn vượt qua khả năng của nền kinh tế Trung Quốc. Giáo sư Trương ngày 2/7/2016 nói với tạp chí Economist (Anh) cho rằng do quy mô "Vành đai, Con đường" quá lớn, tới hơn 900 hạng mục với đầu tư tới gần 900 tỉ USD, nên Trung Quốc và các nước khác chưa kham nổi.

Báo chí các nước cho rằng nhiều nước dọc theo “Vành đai, Con đường” còn khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu, nếu Trung Quốc dốc sức đầu tư thì chưa biết bao giờ mới thu hồi được vốn.

Về hợp tác kinh tế, tờ Financial Times cho rằng chiến lược này đã tạo ra môi trường đầu tư và hợp tác kinh tế buôn bán cho các doanh nghiệp Trung Quốc, nhưng buôn bán và hợp tác kinh tế là hai chiều.

Thị trường Trung Quốc hiện nay có nhiều điểm hạn chế đầu tư của các nước, vì vậy, “Vành đai, Con đường” chưa tạo ra được môi trường hợp tác kinh tế và buôn bán song phương bình đẳng, nên các doanh nghiệp Châu Âu không mặn mà đầu tư.

Ba là, chiến lược này thách thức rất lớn đối với Mỹ và phương Tây, nên nhiều nước kể cả Ấn Độ chưa tham gia. Để gạt bỏ những trở ngại, Trung Quốc cần sự hợp tác tích cực hơn của các nước để nghiên cứu và luận chứng thêm rất nhiều vấn đề trước khi bước vào triển khai cụ thể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại