Chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc chuẩn bị cất cánh để tham gia tập trận. (Ảnh: China Military)
Hoạt động tập trận dài ngày của Trung Quốc diễn ra giữa lúc quân đội Mỹ cho tăng cường điều động máy bay trinh sát và tàu chiến làm nhiệm vụ ở Biển Đông, cùng sự xuất hiện của một nhóm chiến hạm Pháp.
Theo giới phân tích, Biển Đông sẽ vẫn là điểm nóng kéo dài căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung. Nhiều khả năng chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gia tăng cả sức ép chính trị và quân sự với Trung Quốc.
Theo thông báo trên trang web của Cục Hải sự Trung Quốc vào ngày 26/2, các cuộc tập trận quân sự của quân đội Trung Quốc sẽ được tiến hành trong vùng vòng tròn có bán kính 5 km trên Biển Đông, phía tây bán đảo Lôi Châu từ ngày 1 – 31/3. Do đó, các tàu thuyền bị cấm đi vào khu vực quân đội Trung Quốc tập trận. Nhưng thông báo này không nhắc tới chi tiết nội dung đợt tập trận dài ngày của quân đội Trung Quốc.
Kể từ tháng 7/2020, Trung Quốc đã vài lần tiến hành tập trận ở Biển Đông. Các chuyên gia nhận định khả năng Biển Đông sẽ trở thành địa điểm thường xuyên được quân đội Trung Quốc lựa chọn làm nơi tổ chức diễn tập.
Cuộc tập trận kéo dài suốt trong tháng Ba của Trung Quốc diễn ra đúng thời điểm quân đội Mỹ nối lại hoạt động trinh sát tầm gần ở các khu vực bờ biển của Trung Quốc và khảo sát thủy văn và môi trường Biển Đông.
Mới đây, Viện Sáng kiến Điều tra Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) ở Bắc Kinh thông báo, Mỹ đã điều động nhiều máy bay trinh sát như máy bay không người lái (UAV) trinh sát hàng hải MQ-4C, máy bay tình báo EP-3E và máy bay trinh sát chiến lược RC-135U tới Biển Đông vào các ngày 24/2, 25/2 và 27/2. Ngoài ra, tàu khảo sát đại dương USNS Impeccable của Mỹ cũng đã có mặt ở Biển Đông vào ngày 26/2.
Theo các chuyên gia quân sự Trung Quốc, sự xuất hiện của dàn máy bay và tàu chiến Mỹ như trên nhằm phục vụ mục đích quân sự. Bởi chúng cho phép quân đội Mỹ thu thập thông tin tình báo về quân đội Trung Quốc, cùng môi trường và thủy văn ở Biển Đông.
Theo đó, quân đội Mỹ có thể nghe lén các cuộc trao đổi của quân đội Trunng Quốc, tìm hiểu về các đặc điểm sóng điện từ của thiết bị quân sự Trung Quốc, cũng như thả các thiết bị phát hiện hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc.
Ngoài Mỹ, Pháp cũng đã cử tàu tấn công đổ bộ Tonnerre và tàu hộ vệ Surcouf 2 lần đi qua Biển Đông trong tháng Hai.
Theo thông tin trên navalnews.com, các chiến hạm Pháp hiện còn có kế hoạch di chuyển qua eo biển Quỳnh Châu, eo biển nằm giữa bán đảo Lôi Châu của tỉnh Quảng Đông và đảo Hải Nam của Trung Quốc.
Đáng nói, Đức và Anh cũng cho biết sẽ điều động tàu thuyền hải quân tới làm nhiệm vụ ở Biển Đông.
Theo chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh là ông Li Jie, Biển Đông, eo biển Đài Loan và quần đảo Senkkau/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông sẽ vẫn là những điểm nóng an ninh hàng hải. Do đó, khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường chi tiêu cho ngân sách quốc phòng trong năm nay.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin, Bộ tư lệnh Quân khu Nam của quân đội Trung Quốc đã tổ chức tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông.
Thông tin này đã được CCTV xác nhận vào ngày 27/2, nhưng không tiết lộ cụ thể thời điểm và địa điểm tập trận.