Trung Quốc tập trận bắn đạn thật đối diện đảo Đài Loan

Thái An |

Ngày 22/10, Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ngoài khơi tỉnh Phúc Kiến, đối diện với đảo Đài Loan (Trung Quốc). Một tuần trước đó, Trung Quốc tập trận trên không và trên biển xung quanh hòn đảo này.

 - Ảnh 1.

Trung Quốc tổ chức tập trận “Liên hợp lợi kiếm 2024B” quanh đảo Đài Loan hôm 14/10. Ngày 22/10, Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ngoài khơi tỉnh Phúc Kiến, đối diện đảo này. Ảnh: CCTV

Cuộc diễn tập bắn đạn thật được tổ chức gần đảo Bình Đàm ngoài khơi tỉnh Phúc Kiến từ 9 giờ sáng đến 1 giờ chiều qua, Global Times dẫn thông báo của Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc.

Cơ quan phòng vệ Đài Loan tuyên bố, cuộc diễn tập bắn đạn thật của Trung Quốc là một phần của cuộc tập trận thường niên và Đài Loan đang theo sát tình hình. “Không thể loại trừ khả năng đây là một trong những cách để mở rộng hiệu ứng răn đe phù hợp với động thái ở eo biển Đài Loan”, cơ quan này tuyên bố.

Hôm 14/10, Trung Quốc tổ chức tập trận “Liên hợp lợi kiếm 2024B” quy mô lớn để thực hành phong tỏa các cảng chính và khu vực trọng yếu quanh đảo Đài Loan, AP đưa tin. Đài Loan đã ghi nhận sự hiện diện của 153 máy bay Trung Quốc - con số lớn nhất trong một ngày, 14 tàu hải quân và 12 tàu khác (tàu cảnh sát biển).

Sau đó, Mỹ tổ chức tuần tra tự do qua eo biển Đài Loan. Hôm 20/10, tàu khu trục Mỹ USS Higgins và tàu khu trục Canada HMCS Vancouver di chuyển qua eo biển hẹp ngăn cách Trung Quốc đại lục và Đài Loan. Đức điều hai tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan vào tháng trước khi nước này tìm cách tăng cường cam kết quốc phòng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đài Loan từ chối yêu cầu của Nam Phi

Ngày 22/10, Đài Loan từ chối yêu cầu của Nam Phi rằng họ phải di chuyển văn phòng đại diện của mình từ thủ đô Pretoria đến trung tâm thương mại Johannesburg, AP đưa tin.

Người phát ngôn cơ quan ngoại vụ Đài Loan, ông Jeff Liu, ngày 22/10 nói rằng, yêu cầu di dời hoặc đóng cửa hoàn toàn văn phòng là vi phạm thỏa thuận năm 1997 giữa hai bên về vị trí của các văn phòng đại diện của nhau sau khi cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức. “Đối mặt với yêu cầu vô lý này, phía chúng tôi không thể chấp nhận”, ông Liu nói.

Nam Phi duy trì một văn phòng liên lạc ở thủ phủ Đài Bắc của Đài Loan, và hai bên có mối quan hệ thương mại mạnh mẽ. Ông Liu lặp lại lời khẳng định của lãnh đạo cơ quan ngoại vụ Đài Loan Lin Chia-lung (Lâm Gia Long) trước Viện Lập pháp Đài Loan hôm 21/10 rằng, Đài Loan “đã chuẩn bị cho mọi khả năng” liên quan đến vấn đề này. Văn phòng đại diện Đài Loan ở Nam Phi là tài sản của Đài Loan và Đài Bắc có quyền quyết định về vị trí và tình trạng của văn phòng, ông Liu nói.

Tuần trước, Nam Phi xác nhận, họ đã yêu cầu Đài Loan di chuyển văn phòng liên lạc của mình. Bắc Kinh đã sử dụng ảnh hưởng của mình để ngăn Đài Loan tham gia Liên Hợp Quốc và các tổ chức liên kết như Tổ chức Y tế Thế giới, đồng thời giảm số lượng đối tác ngoại giao chính thức của Đài Loan xuống còn 11 quốc gia và Vatican.

Yêu cầu của Nam Phi về việc Đài Loan di dời văn phòng đã thu hút sự chú ý của Quốc hội Mỹ. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tennessee Marsha Blackburn đăng trên mạng xã hội X rằng “Mỹ không nên dung thứ cho hành vi này từ Nam Phi”. “Tôi kêu gọi chính quyền Joe Biden làm rõ rằng sẽ có hậu quả nếu Nam Phi hợp tác với phía Trung Quốc để bắt nạt Đài Loan”, bao gồm việc loại Nam Phi khỏi một chương trình thương mại quan trọng, bà Blackburn nói. Theo bà, Mỹ không nên cung cấp các lợi ích thương mại cho các quốc gia ưu tiên ảnh hưởng của Trung Quốc hơn các mối quan hệ đối tác dân chủ.

Nhân tố Mỹ-Philippines

Mỹ và Philippines hồi tháng 5 tiến hành tập trận chung “Balikatan” (Vai kề vai) trên bờ biển thành phố Laoag ở tỉnh Ilocos (ngay phía nam của Đài Loan và là phần đất liền Philippines gần nhất với Trung Quốc đại lục), Philstar đưa tin. Hai bên đã phóng tên lửa Javelin và đạn pháo thật khi giả lập đẩy lùi cuộc tấn công xâm chiếm lãnh thổ ven biển Đông. Lần đầu tiên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, quân đội Mỹ triển khai hệ thống phóng tên lửa tầm trung mới. Cụ thể, Mỹ đã đưa hệ thống Typhon vào miền bắc Philippines với tầm bắn tới Đài Loan, các cơ sở của Trung Quốc và hạ tầng ở biển Đông. Đây là lần đầu tiên loại vũ khí này được triển khai ở khu vực từ khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung năm 2019. Hiệp ước này cấm việc triển khai các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất, có tầm bắn 500-2.500 km.

Hệ thống Typhon không bắn tên lửa trong cuộc tập trận “Balikatan” mà chỉ là để xác định các vị trí phù hợp để sẵn sàng lắp đặt hệ thống này nếu có xung đột xảy ra ở biển Đông hoặc Đài Loan. Sau cuộc tập trận, Mỹ không ngay đưa hệ thống tên lửa về nước mà để lại ở Philippines trong một khoảng thời gian không xác định.

Trong dịp tập trận vừa qua, quân đội Mỹ nâng cấp cảng chính trên tỉnh đảo Batanes, nơi rất gần Đài Loan (cách chưa đầy 200 km). Dịp tập trận năm ngoái, do cảng bé, nông, Mỹ không thể đưa hệ thống tên lửa HIMARS vào Batanes. Năm nay, Mỹ vừa nâng cấp cảng, vừa xây thêm một nhà kho và một số cơ sở hạ tầng khác để đổ quân và thiết bị xuống đảo. Mỹ và Philippines cũng đã bàn kế hoạch sơ tán công nhân Philippines đang làm việc ở Đài Loan trở về Philippines nếu xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan.

Trung Quốc gần đây tiếp tục giành được sự ủng hộ đối với lập trường của mình về vấn đề Đài Loan, thuyết phục thành công Bangladesh và Vanuatu thay thế dần các chính sách “Một Trung Quốc” khác nhau của họ bằng nguyên tắc “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh.

Ngày 30/9, báo chí Trung Quốc, trong đó có Xinhua, đăng tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc: Washington một lần nữa cung cấp vũ khí cho Đài Bắc, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc “Một Trung Quốc” và ba thông cáo chung Trung - Mỹ, đặc biệt là Thông cáo ngày 17/8/1982. “Bất kể Mỹ cung cấp bao nhiêu vũ khí cho khu vực Đài Loan, điều đó sẽ không bao giờ làm suy yếu ý chí kiên định của chúng tôi trong việc phản đối Đài Loan độc lập và bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”, người phát ngôn nói. Mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu rằng Đài Loan là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc; “thống nhất toàn quốc là xu hướng không thể cưỡng lại”, Xinhua đưa tin. Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden phê duyệt khoản hỗ trợ quốc phòng trị giá 567 triệu USD cho Đài Loan. Washington vẫn là nhà tài trợ quốc tế và nhà cung cấp vũ khí quan trọng nhất của Đài Bắc ngay cả khi không có quan hệ ngoại giao chính thức.

Những năm gần đây, một số quốc gia từ bỏ quan hệ chính thức với Đài Loan, bao gồm Kiribati và Quần đảo Solomon vào năm 2019, Nicaragua vào năm 2021, Honduras vào năm 2023 và Nauru vào năm 2024. Tất cả đều đã tuyên bố chính thức ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh rằng hòn đảo này là một phần không thể tách rời của Trung Quốc. Một số đối tác mới của Trung Quốc, bao gồm Quần đảo Solomon, thậm chí còn sẵn sàng bày tỏ sự ủng hộ vững chắc của họ đối với “mọi nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm hiện thực hóa thống nhất quốc gia”, có thể bao gồm cả việc sáp nhập Đài Loan thông qua biện pháp quân sự, The Diplomat đưa tin.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại