CNN đưa tin, chính phủ Trung Quốc mới đây đã phát cảnh báo đối với các công ty áp dụng chính sách để nhân viên làm việc quá giờ.
Cụ thể hôm 26/8, tòa án tối cao Trung Quốc đã ban hành văn bản nhắm đến cái gọi là "văn hóa làm việc 996" của Trung Quốc - một khái niệm để chỉ chuyện làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, kéo dài 6 ngày 1 tuần. Đây vốn là một nét hóa tồn tại suốt nhiều thập kỷ, phổ biến trong rất nhiều công ty Trung Quốc từ trước đến nay - bao gồm các tập đoàn công, startup công nghệ và các công ty tư nhân.
"Gần đây, việc làm việc quá mức ở một số ngành nghề đã thu hút sự chú ý của công chúng," - trích trong văn bản Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc đưa ra. Tòa cho biết người lao động có quyền "được nghỉ ngơi", và đồng thời khẳng định "tuân thủ hệ thống giờ làm việc quốc gia là nghĩa vụ bắt buộc với người sử dụng lao động."
Văn bản cũng có nêu tên một số công ty áp dụng văn hóa làm việc này, và nói rằng nó vi phạm luật lao động. Trong số đó có cả một công ty vận chuyển nổi tiếng giấu tên đã bắt nhân viên làm việc theo đúng văn hóa 996. Việc bắt các nhân viên làm lụng nhiều như vậy là "vi phạm nghiêm trọng quy định lao động, và được coi là bất hợp pháp," - trích lời tòa án.
Trên thực tế, những chỉ trích nhắm vào văn hóa làm việc này là không mới. Tỷ phú Jack Ma - đồng sáng lập tập đoàn Alibaba cách đây 2 năm đã bị chỉ trích rất nặng nề khi ông gọi văn hóa này là "một phước lành" cho người Trung Quốc. Hơn nữa, luật lao động của Trung Quốc vốn đã cấm nhân viên làm việc nhiều như vậy.
"Cũng không có gì sai khi người lao động làm việc chăm chỉ, nhưng nó không thể là tấm khiên bảo vệ cho các doanh nghiệp né tránh nghĩa vụ pháp lý."
Những tranh cãi xung quanh văn hóa 996 đã bùng nổ trong năm 2021, sau khi một số công ty tư nhân bị bóc trần. Tháng 1/2021, công ty thương mại điện tử Pinduoduo đã đối mặt với những chỉ trích nặng nề khi ép nhân viên phải làm việc quá sức và khiến ít nhất 2 người tử vong - trong đó có 1 người tự sát.
Pinduoduo đã không có phản hồi gì về văn hóa làm việc trong công ty, dù cho biết đã thiết lập một đội ngũ điều trị tâm lý cho các nhân viên.
Những năm gần đây, người trẻ tại Trung Quốc cũng có xu hướng né tránh văn hóa làm việc quá mức, và vừa lòng với những công việc ít tham vọng. Xu hướng này cho thấy họ đang không muốn đối mặt với áp lực phải làm việc chăm chỉ, kết hôn, sinh con hoặc mua nhà.