Nước CHND Trung Hoa thành lập năm 1949. Bộ hiến pháp đầu tiên của nước này ra đời vào năm 1954 và lần lượt được sửa đổi qua các năm 1970, 1975 và 1978. Bản hiến pháp hiện hành, có hiệu lực từ năm 1982 - khi Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình - đã trải qua 4 lần sửa đổi vào năm 1988, 1993, 1999 và 2004.
Chiều nay ngày 11/3, 2.964 đại biểu dự phiên toàn thể thứ ba của kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa 13 tại Bắc Kinh đã bỏ phiếu thông qua tu chính án lần thứ 5 đối với hiến pháp 1982 với tỉ lệ đồng thuận đến 99.7%, trong đó sửa đổi quan trọng nhất là xóa bỏ quy định về giới hạn hai nhiệm kỳ 5 năm đối với chức vụ Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước Trung Quốc.
Việc sửa Hiến pháp đều được tiến hành mỗi khi xã hội Trung Quốc chuyển biến sang giai đoạn mới, nên cần có hành lang pháp lý đảm bảo cho công cuộc xây dựng đất nước. Như năm 1988 hiến pháp sửa đổi cho phép kinh tế tư nhân hoạt động; năm 1993 tiến hành sửa đổi 9 điểm, trong đó thêm vào "Giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội" và "Xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc"; Năm 1999 thêm Lý luận Đặng Tiểu Bình vào hiến pháp; năm 2004 thêm Tư tưởng Ba đại diện của ông Giang Trạch Dân và “không được xâm phạm tài sản hợp pháp của công dân”, “Nhà nước tôn trọng và đảm bảo quyền con người”…
Phiên họp toàn thể 3 tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa 13, tổ chức ở Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh, ngày 11/3/2018 (Ảnh: Xinhua/Rao Aimin)
Lần sửa đổi mang ý nghĩa trọng đại
Tu chính án thứ 5 mang ý nghĩa trọng đại trong đời sống chính trị của Trung Quốc. Sau khi lên nắm quyền năm 2012, ông Tập Cận Bình đã tiến hành một loạt cải cách và phát động chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ. Đến Đại hội khóa19 của đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10/2017, ông Tập tuyên bố Trung Quốc đã bước vào “Thời đại mới”, và học thuyết mang tên ông - Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong Thời đại mới - được ghi vào Điều lệ đảng này.
Từ ngày 29/9/2017 trước Đại hội 19, trong hội nghị Bộ chính trị khóa 18, ông Tập Cận Bình đã nêu đề xuất sửa Hiến pháp và thành lập một nhóm chiến lược, đứng đầu là chủ tịch Quốc hội Trương Đức Giang, các phó ban có Chánh văn phòng trung ương ĐCSTQ Lật Chiến Thư và Bí thư Ban bí thư Vương Hỗ Ninh.
Vấn đề sửa đổi hiến pháp được Bộ chính trị Trung Quốc trình Hội nghị trung ương 2 vào tháng 1/2018 và thông qua đề xuất lên Quốc hội ở Hội nghị trung ương 3 vào cuối tháng 2.
Dự thảo sửa đổi hiến pháp được Quốc hội Trung Quốc thông qua chiều nay gồm 21 điểm, trong đó n Quốc hội sẽ tiến hành sửa đổi 21 chỗ, trong đó có nội dung quan trọng gồm: Đưa Tư tưởng Tập Cận Bình vào hiến pháp, sửa đổi Khoản 3 Điều 79 về cách diễn đạt "Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước không làm quá hai nhiệm kỳ".
Bối cảnh và nguyên nhân
Trên thực tế, việc Bắc Kinh thúc đẩy sửa đổi hiến pháp - mở ra khả năng ông Tập Cận Bình nắm giữ vai trò lãnh đạo sau năm 2023 - không quá bất ngờ, bởi nó xuất phát từ những bối cảnh và nguyên nhân đặc thù.
ĐCSTQ xác định đất nước đã bước sang "Thời đại mới", nên một nền tảng pháp lý căn bản phù hợp với thời đại là điều cần thiết. Ngay từ năm 1992, Đặng Tiểu Bình đã dự đoán "phải 30 năm nữa thì chúng ta mới hình thành được một chế độ chín muồi hơn, định hình rõ nét hơn về các mặt".
Nói cách khác, “Thời đại Tập Cận Bình” là lúc Trung Quốc định hình được rõ nét về thể chế, được thể hiện trên sự hoàn thiện về hiến pháp.
Trong Đại hội 19, ĐCSTQ đã thông qua sửa đổi Điều lệ đảng. Như vậy, sửa đổi hiến pháp là tất yếu để hai văn bản quan trọng này có được sự thống nhất, đặc biệt là củng cố vai trò lãnh đạo của ĐCSTQ đối với đất nước.
Bên cạnh đó là ý nghĩa về mặt quyền lực. Hiện nay, chủ tịch Tập Cận Bình nắm tới 9 chức vụ quan trọng trong đảng và Nhà nước Trung Quốc cùng nhiều quyền hành khác. Giới quan sát tin rằng cơ chế "lãnh đạo tập thể" không còn thể hiện đúng giá trị của nó. Điều lệ ĐCSTQ sửa đổi có hai điểm lưu ý là "đảng lãnh đạo tất cả" và "thực hiện Chế độ trách nhiệm Chủ tịch quân uỷ trung ương", nhằm khẳng định quyền quyết sách của ông Tập.
Tuy nhiên, nhiều quyền lực của ông vẫn chưa hoàn toàn mang giá trị thực tế. Giáo sư Hứa Chương Nhuận, thuộc Trường luật Đại học Thanh Hoa, cho rằng ông Tập Cận Bình đang trong quá trình “thu gom quyền lực”, vì vậy chưa kiểm soát được toàn bộ tình hình.
Hiến pháp sửa đổi mở ra cơ hội để ông bảo đảm quyền lực theo cơ chế "tam vị nhất thể" - tức nhà lãnh đạo Trung Quốc là người đứng đầu đảng, nhà nước và quân đội, được Trung Quốc ca ngợi là cơ chế mang lại sự ổn định và phát triển trong nhiều thập kỷ qua.
Hai mục tiêu 100 năm phải đạt được
Mục tiêu được Đại hội 19 đặt ra kéo dài tới hơn 50 năm. Báo cáo trước Đại hội ngày 18/10/2017, ông Tập cam kết đến năm 2020 sẽ hoàn thành mục tiêu xóa nghèo cho toàn bộ người dân Trung Quốc, cơ bản hoàn thành xã hội khá giả toàn diện, thực hiện các mục tiêu "100 năm đầu tiên" để kỷ niệm thành lập ĐCSTQ (1921-2021).
Mục tiêu "100 năm thứ hai", kỷ niệm thành lập nước Trung Quốc mới (1949-2049), chia làm hai giai đoạn: Từ 2020-2035, cơ bản thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa; Từ 2035-2050, xây dựng Trung Quốc thành cường quốc hiện đại hóa Xã hội chủ nghĩa, dân giàu nước mạnh, hài hòa tươi đẹp.
Trang Đa Chiều ngày 19/10/2017 nhận định, ông Tập Cận Bình đang phải xử lý những hệ quả tiêu cực để lại trong ba thập kỷ tăng trưởng nóng đã qua. Công cuộc "dọn dẹp" này đòi hỏi thời gian từ 20- 30 năm, thậm chí còn lâu hơn nữa. Ông cần phải nắm quyền lâu hơn chứ không thể chỉ “hai nhiệm kỳ” nhằm cơ bản hoàn thành được các mục tiêu này.
Ngoài ra, cho đến nay trên chính trường Trung Quốc chưa lộ diện một nhân vật được đánh giá là có thể kế nhiệm ông Tập trong tương lai. Bên cạnh ông Tập xuất hiện nhiều cái tên được đánh giá là "thân cận", như Bí thư Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ hay Chánh văn phòng trung ương Đinh Tiết Tường... tuy nhiên không có dấu hiệu nào cho thấy các quan chức này đạt "điều kiện chín muồi" để được bồi dưỡng lên cao. Bởi vậy, dư luận các nước cho rằng ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục nắm quyền lâu hơn nữa.
Hàng loạt thành quả nguy cơ đổ bể nếu không được bảo vệ
Ban lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố không giảm cường độ chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi". Trên thực tế hiến pháp sửa đổi mới nhất chỉ ra vai trò của một "siêu cơ quan" chống tham nhũng cấp quốc gia là động thái đẩy chiến dịch lên tầm cao mới, với độ bao phủ đến cả các tầng lớp quan chức cấp cơ sở nhằm triệt để làm trong sạch bộ máy hành chính ở Trung Quốc.
Ông Vương Kỳ Sơn, đại biểu Quốc hội Trung Quốc khóa 13, cựu Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI), từng đánh giá hồi tháng 10/2017 rằng “Tình trạng làm suy yếu đảng mới chỉ có chuyển biến căn bản, nhưng vẫn còn phức tạp lâu dài, chưa thể thay đổi trong thời gian ngắn. Bất kỳ lúc nào cũng không thể lơi lỏng các biện pháp trừng trị nếu không thì tình hình sẽ lại đảo ngược” .
Ngày thứ 2 của Đại Hội 19 (tức ngày 20/10/2017), ông Lưu Sĩ Dư - Chủ tịch, Bí thư đảng ủy Ủy ban quản lý giám sát chứng khoán Trung Quốc (CSRC), Ủy viên Ủy ban chính sách tiền tệ Trung Quốc - nêu đích danh 6 người Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng , Tôn Chính Tài "âm mưu chiếm quyền lãnh đạo trong đảng và giành quyền lực của nhà nước".
Thời gian qua, báo chí Trung Quốc có nhiều bài về “những con hổ lớn” nguy hiểm là loại “người hai mặt”, những kẻ “cầm súng nấp sau cánh cửa chờ thời giành lại quyền bính” của Đảng và Nhà nước, như Thượng tướng Phòng Phong Huy, cựu Tham mưu trưởng quân đội đã bị xử lý.
Thông cáo của CCDI tháng 1/2018 nhấn mạnh thời gian tới phải tập trung thanh lọc những loại người “hai mặt”, người “lá mặt lá trái”, “cầm súng nấp sau cánh cửa chờ thời”. Để duy trì sức nóng của chiến dịch, ông Tập cần bảo đảm quyền lực để bảo vệ những thành quả cải cách đã qua.