Đây được xem là dấu hiệu leo thang của Bắc Kinh ở khu vực biển Đông - theo Philstar.
Dự thảo luật mới trao quyền cho lực lượng chấp pháp trên biển của Trung Quốc phá hủy công trình xây dựng của nước khác trên những thực thể mà Bắc Kinh áp đặt yêu sách chủ quyền, cũng như cho phép sử dụng vũ khí chống lại tàu thuyền nước ngoài.
Theo dự luật, Hải cảnh Trung Quốc được cho phép lên tàu, lục soát, câu lưu và trục xuất các tàu nước ngoài, cũng như bắt giữ các cá nhân mà nước này nghi ngờ là "vi phạm luật pháp Trung Quốc trong vùng biển nước này có quyền tài phán".
Dự luật đã được công bố trên website của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc từ ngày 11/11 vừa qua để lấy ý kiến dư luận, và dự kiến được thông qua trong các kỳ họp tương lai.
Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SMCP) cho hay, đạo luật làm rõ hơn vai trò của Hải cảnh Trung Quốc trong an ninh hàng hải, chấp pháp hành chính, điều tra hình sự và hợp tác quốc tế. Luật sẽ quản lý việc sử dụng trang thiết bị và vũ khí của cảnh sát, đồng thời xác định phạm vi quyền hạn và quy trình, cách thức thực thi pháp luật.
Hải cảnh được Trung Quốc giao nhiệm vụ tuần tra các vùng biển, bao gồm các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh chiếm đóng và cải tạo, xây dựng và quân sự hóa phi pháp trên biển Đông.
Lực lượng này được tái tổ chức vào năm 2013 trong vai trò lực lượng chấp pháp dân sự trên biển duy nhất, nhằm giúp Trung Quốc kiểm soát các lợi ích trên biển.
Tờ Philstar (Philippines) nói rằng đạo luật mới có thể làm gia tăng các hành động chèn ép của Trung Quốc trên biển Đông, bởi "vùng nước thẩm quyền" mà Bắc Kinh định nghĩa bao gồm vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng, mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trái phép thông qua cái gọi là "đường chín đoạn".
"[Đạo luật mới] mở ra khả năng các tàu Hải cảnh Trung Quốc sử dụng lực lượng vũ trang rõ ràng hơn ở những khu vực tranh chấp trên biển Đông," tổ chức nghiên cứu Global Security nêu trong báo cáo cuối tuần trước. Súng trường và vũ khí gắn trên boong tàu của Trung Quốc có thể được sử dụng tự do.
Dự luật được Quân ủy trung ương Trung Quốc đề xuất vào cuối tháng 9 vừa qua.
Nhà nghiên cứu Hunter Stires từ Học viện Hải chiến Hoa Kỳ cho rằng đạo luật mới được "thiết kế để đe dọa".
"Đây là dấu hiệu [cảnh báo các bên] không thách thức các chiến dịch của Hải cảnh Trung Quốc," ông Stires nói. Theo Philstar, Trung Quốc có khả năng tận dụng luật mới nhằm vào hoạt động đánh bắt cá, khai thác và tuần tra hợp pháp của các nước láng giềng trong khu vực biển Đông.
Tờ này cho hay, đạo luật mới trên thực tế chỉ chính thức hóa những hành động của lực lượng Trung Quốc trên biển trong những năm qua.
Mỹ - đồng minh của Manila - hồi tháng 7 cảnh cáo Bắc Kinh không gây hấn với các đồng minh và đối tác của Mỹ tại khu vực. Washington cũng củng cố khuôn khổ "Bộ tứ kim cương" (nhóm Quad) cùng Nhật Bản, Australia và Ấn Độ để thúc đẩy tự do tiếp cận hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hải quân Anh, Pháp, Canada cũng tham gia các cuộc tuần tra tự do hàng hải trên biển Đông.
Vào năm 2018, Hải cảnh được đặt dưới sự quản lý của Cảnh sát vũ trang Trung Quốc - dưới sự kiểm soát của Quân ủy trung ương như một trong số lực lượng vũ trang. Nhân viên của lực lượng này được trang bị vũ khí của cảnh sát, súng phun vòi rồng cùng vũ khí hạng nhẹ trên tàu, cũng như có cả máy bay trực thăng.
Tư lệnh Hải quân Mỹ John Richardson nói lực lượng của ông sẽ không xem Hải cảnh có sự khác biệt với Quân giải phóng nhân dân (PLA).
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus