Tờ Quan sát quân sự Nga đăng tải các nhận định cho rằng, ông Donald Trump vốn có "sự xung khắc sâu sắc" với Trung Quốc và chính quyền của ông này sẽ thúc đẩy các động thái quân sự tại các căn cứ ở Australia để phù hợp với kế hoạch nhằm vào Trung Quốc của Donald Trump
Trang tin này dẫn lời Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (TBD) Quân đội Mỹ, Đô đốc Harry Harris cho biết: "Để chống lại các bước đi chính trị, quân sự của Bắc Kinh", năm 2017, Mỹ sẽ triển khai máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor ở một căn cứ không quân của Australia.
Lực lượng tấn công tàng hình Không quân Mỹ gồm máy bay chiến đầu F-22 Raptor và máy bay ném bom chiến lược B-2. Ảnh: Viettimes
Đô đốc Harry Harris chỉ ra, sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền, Washington sẽ tiếp tục thực hiện chính sách ngăn chặn cứng rắn đối với Trung Quốc ở khu vực châu Á-TBD. Điều này cho thấy, Mỹ có ý đồ tăng cường can dự vào tranh chấp Biển Đông và biển Hoa Đông giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.
Thông tin này thực sự đã thu hút sự chú ý rộng rãi của dư luận. Người đưa ra thông tin này là Đô đốc Harry Harris, vị quan chức không liên quan trực tiếp đến Không quân Mỹ.
Có điều, thông tin này đã phản ánh được quy mô của các hành động ngăn chặn chiến dịch, chiến lược do Lầu Năm Góc xác định. Khi đó, Mỹ sẽ sử dụng vài hạm đội tác chiến của Hải quân Mỹ (hạm đội 3, 5 và 7) và nhiều phi đội đường không chiến thuật và chiến lược của Không quân Mỹ.
Đồng thời, Hải Không quân Mỹ sẽ phối hợp với nhau, triển khai hành động liên hợp với các đồng minh ở châu Á-TBD. Sở chỉ huy rất có khả năng sẽ là các căn cứ hải quân Mỹ có ưu thế chiến dịch, chiến thuật cách xa Trung Quốc, được bố trí ở Guam, Hawaii và Australia. Đô đốc Harry Harris đương nhiên không đề cập đến những chi tiết này.
Ngay từ đầu năm 2016 Mỹ đã bắt đầu tiến hành tăng cường sự hiện diện tại khu vực châu Á-TBD. Khi đó, người phát ngôn Bộ Tư lệnh Không quân TBD Mỹ chỉ trích Trung Quốc ở khu vực này, tuyên bố Mỹ sẽ triển khai máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer ở căn cứ không quân Tyndall, Australia.
Ngoài ra, có tin cho biết Quân đội Mỹ sẽ còn điều máy bay tiếp dầu trên không KC-10A Extender Tanker tới căn cứ không quân ở Australia để kéo dài thời gian trực ban chiến đấu khu vực gần với Trung Quốc.
Tất cả những điều này có nghĩa là Hải Không quân Mỹ đang hình thành các cụm tấn công chiến lược mạnh ở Australia và TBD.
- Sử dụng tên lửa chống hạm tầm xa trang bị cho máy bay ném bom chiến lược B-1B tiến hành tấn công sát thương đối với tất cả các cụm tất công tàu sân bay/tàu chiến hiện có của đối thủ tiềm tàng.
- Sử dụng tên lửa hành trình tầm xa tàng hình AGM-158B tiến hành tấn công tập trung đối với các cơ sở công nghiệp quân sự trên đất liền và các công trình hạ tầng cơ sở chiến lược khác của đối phương mạnh.
- Dựa vào máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor và tên lửa phòng không SM-6 trên tàu chiến để thu hẹp phạm vi chống can thiệp/chống tiếp cận khu vực của các máy bay chiến thuật và chiến lược của đối thủ.
- Dựa vào máy bay chiến đấu F-22 Raptor, tiến hành trực chiến hộ tống cho máy bay ném bom chiến lược B-1B ở khu vực lân cận biên giới nước đối thủ.
Theo bài viết, máy bay tiếp dầu trên không KC-10A là nhân tố quan trọng, bởi vì căn cứ không quân Tyndall cách khu vực Biển Đông khoảng 4.000 km, máy bay chiến đấu F-22 tiến hành tác chiến ở cự ly xa như vậy ít nhất cần tiến hành tiếp dầu 4 - 5 lần, đồng thời còn lắp 2 thùng dầu phụ 2.270 lít.
Tờ báo Nga đặt câu hỏi: Tại sao không thể triển khai máy bay Raptor ở sân bay quân sự Philippines hoặc căn cứ không quân Anderson ở Guam để giảm thời gian bay đến Biển Đông và biển Hoa Đông?
Nguyên nhân rất đơn giản - những căn cứ chiến lược này đều nằm trong phạm vi bắn của tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong-21A/D. Lực lượng tên lửa Trung Quốc có hơn 100 tên lửa như vậy.
Các máy bay chiến đấu F-22 Raptor và các máy bay khác triển khai ở căn cứ Tyndall có thể tiến hành bảo đảm an ninh cần thiết trong nhiều năm tới. Căn cứ này sẽ có vùng phòng không rộng lớn dài 3.000 km (từ biển Arafura và biển Timor đến Biển Đông), có thể xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực mạnh theo hình thang ở trong đó.
Ngoài ra, một khi máy bay ném bom H-6K "đột nhập" khu vực thuộc phạm vi bắn của tên lửa CJ-10A (lắp trên H-6K) đối với căn cứ Tyndall, so với triển khai ở Okinawa hoặc Philippines, lực lượng đường không trên tàu sân bay Mỹ sẽ có nhiều thời gian hơn để đánh chặn loại tên lửa hành trình này.
Căn cứ không quân Tyndall là căn cứ khiến cho Trung Quốc rất đau đầu và nguy hiểm. Đối với Mỹ, tác dụng của nó ngày càng lớn. Vì vậy có thể dự đoán, tình hình châu Á-TBD sẽ xuất hiện một "đợt nóng" mới.
Báo Trung Quốc: Mỹ triển khai vĩnh viễn lực lượng bảo vệ bờ biển ở Biển Đông
Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 6/1 dẫn tạp chí Breaking defense Mỹ cho rằng sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ, Mỹ có thể triển khai vĩnh viễn Lực lượng bảo vệ bờ biển (Cảnh sát biển) ở Biển Đông.
Tư lệnh Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ Paul Zukunft cho biết ông từng cùng với Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc Johm Richardson thảo luận về vấn đề triển khai vĩnh viễn Lực lượng bảo vệ bờ biển ở Biển Đông và các khu vực liên quan, cho rằng việc làm này có thể tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác với cùng các đồng minh, đối tác để thúc đẩy tự do đi lại ở Biển Đông.
Ngày 29/11/2016, Tư lệnh Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ Paul Zukunft cũng đã bày tỏ nguyện vọng này. Ông nhấn mạnh với Chính phủ Mỹ khóa tới rằng hiện nay Trung Quốc đang triển khai tàu tuần tra ở cả biển Hoa Đông và Biển Đông, nếu Bộ Quốc phòng muốn phát huy lớn hơn vai trò của Lực lượng bảo vệ bờ biển thì cần điều tàu của họ đến đó để thể hiện sức mạnh của Mỹ.
Paul Zukunft, Tư lệnh Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ.
Theo Paul Zukunft, nếu Chính phủ Mỹ tương lai hạ chỉ lệnh, Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ còn có thể giúp các nước Đông Nam Á khác phát triển khả năng thực thi pháp luật trên biển, hỗ trợ bảo vệ hòa bình và an ninh của vùng biển xung quanh.
Nhà nghiên cứu Trương Quân Xã, Viện nghiên cứu học thuật quân sự hải quân Trung Quốc cho rằng Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ trong thời bình thuộc Bộ An ninh Lãnh thổ Mỹ, trong thời chiến thuộc quản lý tác chiến của Hải quân Mỹ, là một trong năm lực lượng vũ trang lớn của Mỹ, nhiệm vụ chính là thực thi pháp luật trên biển.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ "cần tập trung cho bảo đảm an ninh và phòng thủ lãnh thổ Mỹ". Nếu cố điều tàu đến vùng biển đang có "tranh chấp", sẽ không tránh khỏi bị xem là đang cố tình "thò vòi quá xa".
Trương Quân Xã cho rằng tranh chấp biển Hoa Đông và Biển Đông cần do các nước đương sự giải quyết hòa bình bằng "đàm phán", phản đối sự "can thiệp" của các nước ngoài khu vực.
Trung Quốc và Mỹ thực sự có "hợp tác" trên phương diện thực thi pháp luật nghề cá, nhưng tính chất của nó khác hoàn toàn với việc Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ "can thiệp vào tranh chấp".
Cho dù chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama ra sức thúc đẩy chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương thì cũng không đưa Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ lên tuyến đầu.
Nếu Chính phủ khóa tới của Mỹ thực sự cho phép Lực lượng bảo vệ bờ biển không ngại đường xa, đến "can thiệp vào tranh chấp biển Hoa Đông và Biển Đông" thì sẽ chỉ làm cho tình hình khu vực tranh chấptrở nên phức tạp hơn, Trương Quân Xã nhấn mạnh.