Các nhà khoa học Trung Quốc mới đây cho biết, họ đã khám phá ra một công nghệ khoan thông minh, giúp phát hiện chính xác vị trí của mỏ dầu và khí đốt dưới lòng đất ở lưu vực Tarim nước này.
Nhờ đặt máy khoan ở các điểm khai thác hiệu quả nhất, sản lượng dầu khí ở khu vực này sẽ tăng gấp 5 lần. Công nghệ khoan thông minh này đang hỗ trợ cho việc phát triển các mỏ dầu ở khu vực tây bắc Trung Quốc.
Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) đã tiết lộ về các đợt thử nghiệm được tiến hành vào đầu tháng 8. Báo cáo của CAS cho biết: “Giếng dầu TP259-2H ở phía tây lòng chảo Tarim có đạt sản lượng hàng ngày là 13,5 tấn dầu và 42.000 m3 tự nhiên, gấp 5 lần sản lượng của các giếng lân cận.”
Dự án này được chỉ đạo bởi Zhu Rixiang và Di Qingyun đến từ CAS, cùng với đó là sự hợp tác cùng Viện Nghiên cứu phát triển và Thăm dò mỏ dầu tây bắc và Sinopec Zhongyuan Petroleum Engineering Ltd.
Giàn khoan thông minh được các kỹ sư, nhà khoa học của CAS phát triển.
Các mỏ dầu khí từ kỷ Phấn trắng của khu lòng chảo Tarim sâu hơn 4.000 m và có sự phân bổ phức tạp, không đồng đều. Các mỏ này có cấu trúc như một chiếc bánh gồm nhiều lớp, trong đó có các lớp đá chỉ dày 2-5 m nhưng lại nằm dưới độ sâu hơn 10 m. Do đó, kỹ thuật khoan truyền thống bị hạn chế khi khai thác nguồn tài nguyên này.
Nhóm nghiên cứu đã dựng một mô hình địa chất 3D với độ phân giải ở cấp độ mét, bao gồm “cấu trúc, tính chất và thành phần đá” bằng thuật toán thông minh. Mô hình này cho phép họ “ghim” trước các mục tiêu khoan, thiết kế đường dẫn giếng ngang và dự đoán về cấu trúc địa chất và vị trí của mỏ dầu khí.
Hệ thống khoan thông minh, được “dẫn đường” với công nghệ định vị 3D làm “bộ não”, cùng nhiều công cụ khác là “mắt” và “tay chân”, đã được sử dụng phối hợp để hoàn thành nhiệm vụ khai thác một cách chính xác.
Công nhân đang lắp đặt ống khoan xuống lòng đất.
“Đôi mắt” của hệ thống là một thiết bị chụp ảnh dựa trên sóng điện từ, được trang bị trên máy khoan. Thiết bị này gửi sóng điện từ vào địa tầng và nhận tín hiệu phản xạ lại để tìm ra các đặc tính và ranh giới của các khối đá.
Trong đợt khai thác hồi tháng 7, thiết bị này đã hoạt động trong 229 giờ liên tục ở độ sâu lên tới 4.538 m, xác định chính xác các lớp địa chất như thân cát và truyền thông tin quan trọng về cho hệ thống.
Công nghệ 3D điều hướng chính xác của các nhà khoa học Trung Quốc sử dụng mô hình dựng sẵn của cấu trúc mỏ dầu khí nhiều lớp dưới lòng đất để “hướng dẫn” mũi khoan đi sâu xuống điểm khai thác hiệu quả nhất. Hệ thống “dẫn đường” có khả năng xoay linh hoạt và hệ thống định vị địa chất đi sau đó sẽ dẫn mũi khoan đến mục tiêu đã định sẵn.
Báo cáo của CAS cho biết: “Dự án được khởi xướng vào năm 2017, hiện đã được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Hệ thống là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ từ hàng trăm nhà nghiên cứu trong suốt hơn 6 năm.”
Tham khảo SCMP